Nhiều chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp phục hồi vượt qua tác động của dịch Covid-19
Xã hội 16/09/2021 12:00
Các nhóm giải pháp chính sách cho giai đoạn tới
Ngoài ra, với việc áp dụng “3 tại chỗ” để vừa sản xuất, vừa chống dịch, qua khảo sát, Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cũng cho biết có tới hơn 1.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đảm bảo tiêu chí để duy trì sản xuất "3 tại chỗ". Thậm chí với nhiều doanh nghiệp đã áp dụng “3 tại chỗ” phải ngưng hoạt động vì xuất hiện ca F0. Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất còn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì nguồn cung ứng nguyên vật liệu đang bị gián đoạn
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương |
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, tỉnh Bình Dương quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Dương...
Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời rà soát, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các thành viên và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp báo cáo, tham mưu, đề xuất hàng tuần để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.
Tỉnh Bình Dương cũng tích cực triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, một số lượng đáng kể doanh nghiệp còn chưa biết được về chính sách và gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Trước thực tế này, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đã tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo… giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVN), tỉnh Bình Dương đã tổ chức tập huấn cách thức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, phương pháp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, hệ thống quản lý chất lượng, khai thác các thông tin có liên quan; đào tạo kỹ năng làm việc, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho người lao động trong các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ; cho vay đầu tư và bảo lãnh tính dụng, đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp’ đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập và phát triến sản xuất, kinh doanh
Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chính sách về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, các quy định về khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời khi có chính sách pháp luật thuế mới ban hành, Cục Thuế tổ chức tập huấn cho DNNVV cùng với các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Song song với đó, tỉnh cũng tổ chức tập huấn cho nhân sự các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với nhân viên Bưu Điện về kỹ năng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục, quy tình nghiệp vụ lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN để tiến đến thực hiện quy trình chuyển phát giai đoạn tiếp theo nhằm đê tạo được sự hài lòng và giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Sức bật Công nghiệp – Đô thị ở Mỹ Phước, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương |
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Tân Bình, cho biết những phương án mà chính quyền địa phương đưa ra được cho là rất linh hoạt, tạo điều kiện để doanh nghiệp quay trở lại sản xuất. Hiện có một số doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký với KCN để thực hiện sản xuất trở lại nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giữ chân lao động. Tuy các phương án là tốt nhưng DN chưa thể thực hiện ngay, cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp biết để tổ chức sản xuất theo các phương án phù hợp với điều kiện hiện nay.
Giai đoạn hiện nay, sau thời gian hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm” kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn vì chi phí phát sinh và nhiều bất cập, nhất là tâm lý người lao động đã không muốn kéo dài cuộc sống trong các khu sản xuất. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trưởng bộ phận nhân sự và tổng hợp, Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Yatch, cho biết sau 45 ngày thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đến nay mọi hoạt động sản xuất của công ty đang được duy trì ổn định. Hiện tại có gần 300 công nhân đang ở lưu trú tại nhà máy. Tất cả đều tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh và giữ vững được an toàn. Công ty lo 3 bữa ăn mỗi ngày cho người lao động. Ở trong nhà máy, công nhân còn được công ty hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đến nay nhiều địa phương ở Bình Dương đã trở thành “vùng xanh”, tâm lý người lao động cũng muốn trở về với gia đình. Công ty cũng đã tính toán đến các phương án cụ thể. Thứ nhất, thay thế phương án “3 tại chỗ” thành việc sử dụng người lao động có nơi ở tại “vùng xanh” hoặc linh động kết hợp phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” với phương án “3 xanh”. “Tuy nhiên, để thực hiện được điều này chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban Quản lý KCN trong việc thiết lập liên kết với các khu nhà trọ xanh, hướng dẫn cụ thể để phối hợp thực hiện các phương án. Để thực hiện, chính quyền địa phương cũng cần đẩy nhanh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động tại địa phương để họ yên tâm trở lại sản xuất”, bà Phượng bày tỏ.
Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương chi biết: “ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Dương cũng tạo điều kiện bằng cách rút gọn thủ tục hành chánh, hỗ trợ Doanh nghiệp xử lý khi có các ca F0 trong nhà máy rất kịp thời, vận chuyển hàng hoá thông suốt trong tỉnh. Chính sách hỗ trợ khuyến công rất tốt. Thêm vào đó, Doanh nghiệp cũng được UBND tỉnhhỗ trợ giãn, hoãn thuế. Một số Doanh nghiệp được hỗ trợ vay trả lương và nhận được hỗ trợ cho lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính Phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tập trung phục hồi kinh tế những tháng cuối năm
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025, đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm; đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP trên 45% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; từ 01 đến 02 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất…
Tại cuộc họp hồi tháng 8/2021, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng thông tin về 5 giải pháp dài hơi được Bình Dương chủ động xây dựng để phục hồi kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021.
Cụ thể là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để sớm đưa dòng tiền vào lưu thông; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả KT-XH.
Giải pháp tiếp theo là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không thật sự cần thiết; tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Cụ thể là xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ" bằng tiền mặt, nhân lực và vật lực, kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, sàng lọc, điều trị công nhân nhiễm bệnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà cho rằng: "Những giải pháp phục hồi kinh tế được chuẩn bị khá tốt; quan trọng là cách tổ chức thực hiện. Từng sở ngành, đơn vị chủ động xây dựng một cơ chế theo thẩm quyền của mình để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Vấn đề gì cần tháo gỡ cho doanh nghiệp phải nhanh chóng hỗ trợ trong khuôn khổ quy định".
Đối với nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện ngay trong tháng 9/2021, Bình Dương tập trung triển khai thần tốc hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp sản xuất an toàn; bảo vệ vững chắc “vùng xanh” và từng bước “xanh hóa” một số địa bàn khả thi.
Đối với nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm 2021, tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp ngay khi Chính phủ thông qua Chương trình phục hồi kinh tế đang được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh; tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển; tạo đột phá trong cải cách hành chính; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đây là căn cứ để các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra.