Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở Quảng Ngãi: Cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành
Hoạt động hội địa phương 01/11/2019 16:05
Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 7 CLB LTHTGN, vượt 1 CLB so với kế hoạch đề ra. Cách đây 3 năm, thực hiện Quyết định 1533 của Thủ tướng Chính phủ, Hội NCT tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 1/6/2018 về xây dựng và nhân rộng mô hình CLB này trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, chỉ tiêu cho năm 2018 - 2019 là 6 CLB tại 6 huyện.
Ông Trần Văn Thường, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Quảng Ngãi |
Ban đầu, việc chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực Ban Công tác NCT; sau 2 năm không thực hiện được mới giao cho Hội NCT tỉnh triển khai. Bắt tay vào làm, mới thấy khó khăn nhất vẫn là huy động nguồn vốn quỹ tăng thu nhập cho CLB. Làm gì thì làm, phải "có thực mới vực được đạo". Muốn triển khai hoạt động mà không có kinh phí thì coi như đề án chỉ "trên giấy" mà thôi. Vậy mà những CLB đã và đang chuẩn bị thành lập đều chưa được bất cứ sự hỗ trợ nào từ nguồn ngân sách nhà nước hay dự án như tại một số tỉnh, thành phố khác. Phong trào thì có nhưng để lảm chuẩn theo mô hình thật không đơn giản. Tài liệu hướng dẫn cũng nhiều, song đây là loại hình rất mới, trong khi cán bộ Hội rất ít, lại chưa quen công việc, kinh phí hỗ trợ hoạt động Hội cũng ngày càng cắt giảm, nếu mời cán bộ từ trung ương về thì việc đi lại, ăn ở rất tốn kém. Vì vậy, hoạt động của CLB chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí do các thành viên đóng góp, 2 CLB huy động được nguồn Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT, còn lại hầu như chưa có sự trợ giúp nào.
Bài tập dưỡng sinh của NCT tỉnh Quảng Ngãi |
Với quyết tâm và nỗ lực, Hội NCT tỉnh đã phối hợp vận động, thành lập CLB, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên môn kĩ năng quản lí, điều hành hoạt động của CLB cho 250 cán bộ là lãnh đạo UBND cấp xã phường; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và các tổ chuyên môn theo từng mảng công việc, tình nguyện viên của các CLB, cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở. Tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương từ việc ban hành kế hoạch chỉ đạo của UBND; quyết định thành lập CLB; công nhận ban chủ nhiệm; phê duyệt quy chế, điều lệ… tạo nền móng, cơ sở pháp lí để CLB LTHTGN hoạt động và phát triển cả chất và lượng; để NCT nghèo có cơ hội được chăm sóc tốt hơn, được hỗ trợ từng bước thoát nghèo bền vững.
Hội viên chia sẻ tại buổi sinh hoạt CLB LTHTGN |
Theo ông Trần Văn Thường, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh thì Hội NCT các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình; với tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ chia sẻ, cùng nhau nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT, gia đình họ và cộng đồng. Ở những nơi đã thành lập được CLB, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá rất cao tác dụng của CLB, xem đây là mô hình cần thiết cho đời sống của người dân nông thôn, nhất là NCT.
Cũng theo ông Thường, Quyết định 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lí nhằm phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng giúp cho NCT nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, các cấp các ngành cần nhận đức đúng và quán triệt đầy đủ trách nhiệm, thể hiện vai trò. UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành liên quan, quan tâm chủ động triển khai theo hệ thống từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức các sự kiện, phát hành thư kêu gọi vận động quỹ; phối hợp các nguồn lực để nhân rộng mô hình CLB nhằm giảm nghèo cho người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là NCT nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.