Nhân cách con người phải được giáo dục từ nhỏ
Đời sống 15/10/2024 10:37
Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn có rất nhiều thông tin về các nhóm thanh thiếu niên ẩu đả dẫn đến án mạng, hoặc gây thương tích nghiêm trọng, làm dư luận bàng hoàng, đau đớn cho người thân, mà nguyên nhân chỉ vì những chuyện vô cùng nhỏ nhặt, đời thường... Nào là, bị chiếu đèn xe vào mặt khi đang ngồi trong quán đã “kéo quân” đi “xử”, rồi chuyện chỉ cần nhìn người khác hơi “thấy ghét” một chút thôi cũng đánh…
Chị Lê Thị Thu, một người nội trợ, chia sẻ: “Nhà tôi bán tạp hóa gần một trường THCS, nên luôn chứng kiến nhiều chuyện rất buồn lòng. Tôi thấy các cô cậu học sinh bây giờ hung hăng, hiếu thắng quá. Có khi một nhóm học sinh đang chạy xe về, một nhóm khác chạy ào qua mặt cười nói to thôi là lập tức muốn gây chuyện, ẩu đả liền. Rồi 2 cô nàng học sinh không biết vì chuyện gì cãi nhau thì có một vài bạn nam nhảy vào bênh vực, không ngần ngại ẩu đả nhau luôn. Không biết con mình đi học có thích gây gổ như vậy không. Để xảy ra thương tích thì khổ…”.
Ảnh minh họa |
Chị Minh Quyên, 35 tuổi, làm việc cho một công ty liên doanh với nước ngoài, tâm sự, con trai chị học lớp 5 về nhà kể rằng, cậu bạn trong lớp rất thích cô bạn lớp kế bên mà cô bạn đó lại thích bạn khác. Vì thế cậu bạn nọ hẹn bạn nam kia ra hỏi cho “ra nhẽ” để “dằn mặt” là bạn gái kia thuộc về mình, ai mà thích sẽ bị… no đòn. Sau đó còn không quên cảnh cáo bạn nam đó một cú đẩy người ngã bổ chửng. Nghe con trai nói mà vợ chồng chị Quyên cảm thấy rất sợ, một số trẻ em hiện có khuynh hướng bạo lực, không biết phải bảo vệ con mình ra sao cho thật tốt...
Cần biết rằng, suy nghĩ của trẻ được định hình từ môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Khi trẻ em lớn lên trong gia đình luôn có tranh cãi, bạo lực, ra ngoài thấy cảnh đánh nhau, xem phim thấy đủ mọi hành động tàn sát, bắn giết…, trẻ rất dễ học theo và từng bước biến những hành động đó thành thói quen của mình, hình thành tính cách hung hãn, hiếu chiến.
Qua đó cho thấy, vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và môi trường xã hội rất quan trọng trong việc tạo dựng thói quen tốt, hành vi đẹp cho trẻ. Cha mẹ không nên đối xử thiếu công bằng giữa các con, điều này rất nguy hại khi trẻ ý thức được. Từ sự thiếu công bằng sẽ dẫn đến tính tham lam, luôn giành lấy phần có lợi cho bản thân mình. Khi trẻ bị đối xử thiếu công bằng thì khó có được lòng bao dung, độ lượng.
Mặt khác, cha mẹ quá mải mê với việc mưu sinh, thiếu quan tâm giáo dục con cái, thiếu định hướng cho con trẻ những giá trị đạo đức và kĩ năng sống cơ bản cũng là nguyên nhân trẻ có những hành vi, thái độ cực đoan, hung hãn.
Các chuyên gia tâm lí đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên tùy theo tính cách của con mà lựa chọn cách giáo dục phù hợp. Cần cho trẻ trải nghiệm, cảm nhận từ những tình huống xảy ra trong thực tế. Nói cho trẻ biết cách trong các mối quan hệ ứng xử, nhẫn nhịn kiềm chế không có nghĩa là thua thiệt mà đó là giữ hòa khí, làm tăng cường sự thân thiện. Nhà trường cũng nên quan tâm đến các môn dạy đạo đức, giáo dục tính nhân văn, những kĩ năng sống cần thiết, kĩ năng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ bản thân. Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các buổi thực hành, những giờ học mang tính trải nghiệm, tham gia các hoạt động từ thiện như giúp đỡ trẻ em nghèo, giúp đỡ người già, người tàn tật… để trẻ thu được những bài học giá trị từ thực tế. Đồng thời, mỗi người lớn hãy là tấm gương tốt cho con trẻ noi theo. Mỗi ông bố, bà mẹ nên học cách để chơi với con, hiểu con và thông qua đó dạy con sống đẹp, nhân văn. Song, cũng biết cách tự vệ đúng mức, tự ứng phó chuẩn mực trước mọi tình huống...