Người cao tuổi nuôi lợn vượt khó trong đại dịch Covid-19
Tuổi cao gương sáng 23/09/2021 13:00
Kinh tế khá giả, tạo nhiều việc làm từ nuôi lợn
Theo ông Lộc, trước đây, gia đình ông chỉ nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, còn chủ yếu là nuôi gà. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông mới bắt đầu chăn nuôi lợn quy mô lớn.
Chi phí đầu tư chuồng trại ban đầu trên 4 tỉ đồng nên từ tháng 9/2019 đến nay, ông mới bắt đầu có lãi. Hiện tại, với diện tích chuồng trại khoảng 4.000m2, gia đình ông nuôi trên 40 con lợn nái và 500 lợn thịt. Sắp tới ông phát triển thêm 30 con lợn nái, mở rộng thêm hệ thống chuồng trại để đáp ứng nhu cầu về lợn thịt. Ngoài công việc chăm sóc hằng ngày do người nhà làm, ông thuê thêm 8 lao động chủ yếu là người cao tuổi (NCT) còn sức khỏe thường xuyên chăm sóc đàn lợn và vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng.
Vào thời điểm giá lợn hơi ở mức cao 90.000 đồng/kg, mỗi lứa lợn xuất chuồng gia đình ông thu về khoảng 3 tỉ đồng. trung bình lãi khoảng 6 triệu đồng/con. Còn thời điểm hiện tại giá lợn hơi chỉ ở mức 50.000 - 55.0000 đồng/kg, ông lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng/con. Trong khi nhiều người chăn nuôi lợn như ông đều bị thua lỗ do giá lợn hơi thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng.
Trang trại nuôi lợn của ông Võ Tấn Lộc. |
Bí quyết giúp ông duy trì được đàn lợn giữa bão dịch là do thực hiện chăn nuôi theo quy trình khép kín. Lợn giống được ông chủ động hoàn toàn từ khâu lấy tinh, phối giống nên chất lượng lợn giống, sức khỏe đàn lợn bảo đảm. Để vượt qua khó khăn do giá lợn hơi giảm bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và kiểm soát tốt dịch bệnh cho đàn lợn, phải kiểm soát tốt vệ sinh chuồng trại. Tuyệt đối không để người lạ, côn trùng, thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc vào khu vực chuồng trại. Thường xuyên sát khuẩn chuồng trại bằng vôi bột, sát khuẩn cho người, vật nuôi, nguồn thức ăn trước khi mang vào cho lợn ăn. Ngoài ra, ông còn nuôi ấu trùng ruồi lính đen rồi phối trộn với các nguồn thức ăn hữu cơ khác cho lợn ăn nên giá thành thức ăn rẻ, lợn tăng trưởng tốt, chất lượng thịt được nâng cao mà bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ông Lộc chia sẻ: “Tôi thực hiện việc nuôi lợn gối đàn nọ nối tiếp đàn kia nên quanh năm lúc nào cũng có lợn bán. Hiện, gia đình tôi đang xây dựng hệ thống nhà xưởng để sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất chục tấn mỗi ngày, phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình”.
Nhờ chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín bằng thức ăn hữu cơ tự sản xuất, nên thịt lợn có chất lượng thơm ngon, khi nấu không có bọt, không có mùi hôi tanh. Do đó, lợn thịt thương phẩm của gia đình ông được khách hàng ưa chuộng, xuất bán đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh... Nhờ nghề nuôi lợn mà ông lo được cho 3 người con ăn học thành tài.
Phát huy tốt vai trò NCT trong phát triển kinh tế và phòng chống dịch
Để chăn nuôi lợn phát triển đạt hiệu quả cao, phát huy tốt kinh nghiệm, vai trò của NCT trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, ông Lộc kì vọng Nhà nước đẩy mạnh chuỗi khép kín trong chăn nuôi, chế biến để đa dạng sản phẩm thịt, khai phá các thị trường xuất khẩu. Để hiện thực hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn vượt qua dịch Covid-19 cho chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, chính sách hợp lý để NCT làm chủ doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn phát triển quy mô chăn nuôi. Động viên họ phát huy uy tín, kinh nghiệm quản trị lâu năm để thu hút lao động, huy động nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm. Trong đại dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp do NCT làm chủ đã có những giải pháp tích cực trong sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu tác động, từng bước vượt lên khó khăn, không để dứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng.
Với lực lượng lao động là NCT còn sức khỏe trực tiếp sản xuất - kinh doanh trong chăn nuôi trang trại… các địa phương, chủ doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi như tiêm đủ 2 mũi vaccine, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch, lưu thông phương tiện, hàng hóa… để họ yên tâm làm việc, cống hiến.
Đối với hoạt động kết nối cung - cầu, cần phát huy vai trò của các cấp Hội NCT trong việc phối hợp, tham gia các hợp tác xã, tổ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu, dịch vụ, hỗ trợ vay vốn, kết nối lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các vùng miền… Qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, vận động NCT có điều kiện đầu tư vốn sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế, giải quyết khó khăn cho NCT.