Người cao tuổi Tiên Yên tích cực tham gia bảo vệ rừng
Tuổi cao gương sáng 14/06/2024 10:06
Đến xã Yên Than, huyện Tiên Yên, nhiều du khách ấn tượng với thác Pạc Sủi 12 tầng suốt 4 mùa nước chảy, tạo ấn tượng cho du khách khi đến với Tiên Yên trải nghiệm du lịch khám phá. Thế nhưng ít ai biết rằng, để có dòng nước dồi dào đó là công tác bảo vệ gần 100ha rừng bản địa một thời của những NCT, các cựu chiến binh trong xã. Ngày nay các cánh rừng đã được giao lại cho các thôn, và lớp con cháu đều phát huy truyền thống cha ông xưa tiếp tục giữ rừng.
Gia đình ông Trần Văn Nền, ở thôn Khe Tiên, xã Yên Than có gần 30ha rừng, với nhiều loại gỗ quý. Một thời là cán bộ kiểm lâm nên ông Nền hiểu hơn ai hết về giá trị của cây bản địa khi được bảo tồn. Khi được huyện phân cho 30ha rừng, nhưng ông chỉ trồng hơn 3ha cây keo, số diện tích rừng còn lại, ông vẫn giữ rừng phát triển tự nhiên. Bây giờ trong rừng của gia đình ông có đủ cả lim, lát, dổi, dẻ... trong đó có nhiều cây đã cho khai thác. Cũng theo ông Nền, rừng tự nhiên có nhiều cây ngoài gỗ như mây, tre, dóc, cây thuốc như địa liền, sâm,…và hoa tạo hoa cho nghề nuôi ong giúp có thêm thu nhập. Gia đình ông Nền thu hoạch các sản phẩm ngoài gỗ trong rừng tự nhiên cũng được hơn 100 triệu đồng/năm. Rừng bản địa còn bảo vệ nguồn nước, môi trường tự nhiên góp phần làm phong phú hơn khi du lịch được đẩy vào Tiên Yên.
Ông Trần Văn Nền bên cạnh 2 cây gỗ dẻ trắng trong khu rừng của gia đình. |
Người dân thôn Đoàn Kết (trước đây gọi là Bản Gianh - Nà Hắc), xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên luôn thầm cảm ơn thế hệ cha ông đã có nhiều công giữ khu rừng rộng khoảng 600ha, với nhiều cây cổ thụ đường kính vài người ôm. Khu rừng đã góp phần bảo vệ cuộc sống của người dân thôn Đoàn Kết trước những cơn bão, lũ dội nguy cơ đổ nhà. Bởi trước đây, thôn Đoàn Kết rất đông hộ nghèo sống trong nhà tranh tre tạm bợ. Rừng còn giúp bà con thu hoạch cây thuốc, nấm, tre nứa, để ổn định cuộc sống hằng ngày. Một thời bà con tự chữa bệnh từ những cây thuốc hái trong rừng, trong khi trạm xá xã xa khu dân cư, mất cả ngày cuốc bộ…
Ông Chìu Chăn Lỷ, tình nguyện viên, với 42 năm giữ rừng Nà Hắc cho biết: Ông được bố mẹ chia cho một gian nhà kiên cố để ở cùng với người em trai. Nhưng tính ưa tự do, ông đã để lại nhà cho người em rồi một mình ra ở bên bìa rừng dựng chòi vừa để ở vừa bảo vệ rừng. Tại đây, ông Lỷ nuôi gà, trồng ngô, hằng năm cũng cho nguồn thu kha khá, vì nhiều người thích mua gà của ông đúng thực chất là “gà đi bộ” kiếm ăn trong rừng. Ông Lỷ không vợ con. Người trong thôn trêu đùa ông “yêu rừng hơn phụ nữ”, ông lấy rừng làm thú vui hằng ngày. Ông Lỷ kể: “Vài năm trước có một nhóm người đến gạ gẫm tôi, cứ làm ngơ không biết gì để chúng khai thác gỗ lát cổ thụ, mỗi cây chúng cho tôi vài triệu đồng. Tôi quắc mắt quát chúng: “Thằng nào muốn chặt cây thì bước qua xác tao”. Rôi tôi rút con dao quắm vẫn dắt trên mái ra với tư thế quyết tâm bảo vệ rừng, khiến bọn người kia bỏ chạy không dám quay lại”.
Ông Choỏng Mằn Sinh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đoàn Kết cho rằng: “Khó có thể lay chuyển được ý thức giữ rừng của người dân trong thôn. Vì họ sống và biết ơn rừng đã che chở họ từ bao đời nay. Ngày nay đời sống người dân đã nâng cao, nhưng không vì thế mà bà con lơ là công tác giữ rừng, trong khi rừng vẫn cung cấp lâm thổ sản cho họ. Bà con hiểu rừng là “của chìm” của cha ông, để con cháu làm du lịch, phát triển kinh tế cho mình, cho xã, thôn”.