Ngợi ca tinh thần vượt khó của người dân làng chài
Văn hóa - Thể thao 17/07/2024 14:39
Lễ hội có phần lễ và phần hội gồm lễ dâng hương, lễ rước kiệu từ đình ra nghè và lễ rước kiệu từ nghè về đình, lễ yên vị, lễ kéo cờ... Phần hội có nhiều phần thi và trò chơi vui như: Thi nhảy bao bố, thi kéo co nam, nữ, trò chơi bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống, trao giải thưởng Ông Voi. Cùng ngày, tại phường Trà Cổ, TP Móng Cái cũng diễn ra Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024, với các phần lễ, phần hội tương tự.
Lễ rước kiệu từ đình ra nghè ở Lễ hội Đình - Nghè Cẩm Hải |
Theo những NCT trong xã Cẩm Hải, hơn 600 năm trước, có 12 ông từ Đồ Sơn (Hải Phòng) dong thuyền về phương Bắc lập nghiệp. Đến vùng biển Móng Cái, họ gặp một cơn bão lớn, thuyền trôi dạt vào vùng đất hoang vu không có bóng người, chỉ có cây với trời, biển. Cuộc sống ở vùng đất mới khổ sở quá, 6 người trong đoàn quyết định quay về Đồ Sơn, 6 người ở lại làm nghề chài lưới đánh cá, lập làng xã và đã hình thành làng chài Trà Cổ. Năm 1979, do chiến tranh biên giới, tỉnh Quảng Ninh đã di chuyển số dân 2 thôn Tràng Lộ, Tràng Vĩ của Trà Cổ (Móng Cái) về thôn Cái Thấp, xã Văn Châu thuộc huyện Vân Đồn. Đến năm 1980, khu vực này được đổi thành xã Cẩm Hải và trở thành một đơn vị hành chính của TP Cẩm Phả. Cũng từ năm 1980, đình làng Cẩm Hải được người dân góp tiền góp công xây dựng và cũng từ đó hằng năm diễn ra Lễ hội đình Cẩm Hải.
Theo tài liệu của xã Cẩm Hải, sau khi 6 người có công mở đất, dựng làng mất, Nhân dân lập đền thờ ở Trà Cổ. Cả 6 người đều được vua triều Lê Sơ sắc phong đại vương, vì họ có thành tích khai phá vùng đất, xây dựng làng xã giữ bình yên một dải biên cương. Họ được sắc phong là Nhân Minh Đại vương, Huyền quốc lã thái uý Đại vương, Khổng lồ đốc thống giác hải Đại vương, Ngọc sơn chấn hải Đại vương, Bạch điểm tước Đại vương, Quảng trạch Đại vương. Đến đầu thế kỉ XX, vua Bảo Đại đã xác nhận lại chức sắc cho họ. Ngày 3/7/2019, xã Cẩm Hải đã vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cụm di tích lịch sử Đình - Nghè Cẩm Hải và tổ chức Lễ hội đình Cẩm Hải năm 2019.
Theo cán bộ xã Cẩm Hải: Từ những năm 80 của thế kỉ trước, Cẩm Hải là xã nghèo nhất Cẩm Phả, 100% nhà cửa của bà con là tranh tre, tỉ lệ đói nghèo chiếm 85%. Cẩm Hải nay đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ hộ khá giàu tăng cao.
Một nghi lễ không thể thiếu được ở lễ hội đình là lễ rước các “Ông Voi”. Đây là cách gọi kính trọng của người dân địa phương: 6 chú lợn, được làng lựa chọn và giao cho 6 người đàn ông trong làng chăm sóc. Việc chọn lợn, chọn người nuôi cũng phải theo quy định rất nghiêm ngặt. “Ông Voi” phải là lợn đực Móng Cái, lông màu trắng. Người được chọn nuôi là đàn ông chung tình (trường hợp bỏ vợ, hay vợ chết lấy vợ khác cũng bị loại). Người đàn ông này trong năm đó không được ăn chung bát đũa với ai, kiêng ăn thịt chó, hay nội tạng động vật. Ông Nguyễn Ngọc Minh, ở thôn 2, xã Cẩm Hải, người từng được giao chăm sóc “ông Voi’ phục vụ cho lễ hội cho biết: “Đó là công việc rất vinh dự khi giao cho đàn ông chúng tôi. “Ông Voi” được tắm rửa thường xuyên, chuồng ở riêng, nền lát đá hoa. Ông voi ăn bằng chậu riêng, đồ ăn cũng đặc biệt tùy theo khẩu vị như cơm, bánh hoặc hoa quả. Mỗi tháng phải mời bác sĩ thú y đến khám sức khỏe định kì. Được chăm sóc tốt, nên ông Voi nào cũng có trọng lượng từ hơn 2 đến 3 tạ”.
Mỗi năm đến dịp hội làng là con cháu xã Cẩm Hải dù đi đâu, ở đâu cũng về hội tụ đông đủ, để gặp mặt trên mảnh đất nơi cha ông họ một thời vượt khó bám làng giữ đất.