Nghệ An: Phụ nữ huyện Nghi Lộc nói không với rác thải nhựa
Tin tức 06/03/2024 08:07
Lễ phát động chiến dịch vệ sinh môi trường |
Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đã trở thành nếp sống.
“Ngày Chủ nhật xanh” là hoạt động thường xuyên của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện với ý nghĩa chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Thông qua các hoạt động của cấp Hội triển khai đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi… từng bước hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường của mỗi cá nhân trong xã hội.
Theo đó, cứ đến ngày Chủ nhật hàng tuần, cán bộ, hội viên phụ nữ lại ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các tuyến đường chính, khu vực đông dân cư, trường học, chợ, bãi biển, cải tạo “điểm đen” về môi trường, nhặt túi nylon, rác thải trong sinh hoạt, phế phẩm vật tư nông nghiệp… để tập kết về địa điểm xử lý, tiêu hủy theo quy định; chăm sóc đường hoa, đường cây xanh….
Ngày chủ nhật xanh đã trử thành nếp sống |
Đến thời điểm này, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã được 29/29 cơ sở Hội đồng loạt hưởng ứng và duy trì đều đặn hàng tuần, hàng tháng, trở thành một trong những hoạt động thường xuyên của Hội. “Ngày Chủ nhật xanh” không đơn thuần tạo phong trào để hội viên phụ nữ thu dọn rác thải, vệ sinh môi trường, mà mục tiêu hướng đến là nâng cao hơn ý thức của người dân. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định; giữ gìn vệ sinh nguồn nước, chuồng trại chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn và hạn chế tối đa việc sử dụng rác thải nhựa.
Biến rác thải thành sản phẩm có ích
Xuất phát từ thực tế hoạt động, Hội LHPN huyện nhận thấy ở cơ sở còn có nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm, bệnh tật song không chú trọng việc mua thẻ Bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, Hội LHPN đang phát động phong trào vệ sinh môi trường tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời chính quyền địa phương phân cũng đang phân công cho tổ chức Hội đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện làm điểm mô hình “Biến rác thải thành thẻ Bảo hiểm y tế” tại xã Nghi Thạch để trao tặng cho các chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Biến rác thải thành sản phẩm có ích |
Vì vậy, sau khi thu gom, phân loại các rác thải nhựa, phế liệu ngay tại gia đình, hàng tháng, hàng quý chị em phụ nữ lại giao nộp cho chi hội phụ nữ xóm bán lấy tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế tặng các hội viên hay đau ốm, chưa có điều kiện mua thẻ Bảo hiểm y tế. Quan trọng hơn, phong trào này còn góp phần làm cho người dân từng bước thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hạn chế tình trạng lạm dụng sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày; hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng phế liệu để mua sắm các vật dụng có ích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế liệu và túi nilon gây ra. Sau 1 năm triển khai thực hiện Hội phụ nữ xã Nghi Thạch đã trao tặng 37 thẻ Bảo hiểm y tế cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Có thẻ Bảo hiểm y tế, nhiều chị em mới có cơ hội đi khám và điều trị ở các bệnh viện; nhiều hội viên cũng đã phát hiện ra trọng bệnh và chữa trị một cách kịp thời.
Từ mô hình “Biến rác thành thẻ Bảo hiểm y tế" của xã Nghi Thạch triển khai năm 2018, đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghi Lộc đã triển khai rộng ra 29/29 xã, thị trấn trong toàn huyện với nhiều tên gọi khác nhau như: “Biến rác thải thành con giống”, “Biến rác thải thành tiền”, “Biến rác thải thành hoạt động có ích”…. Những mô hình này thực sự đã trở thành phong trào có tính nhân văn sâu sắc, tác động, lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Sau khi phong trào này được nhân rộng ra nhiều địa phương, bình quân mỗi năm toàn huyện Nghi Lộc đã thu gom hàng nghìn cân phế liệu, bán được hơn gần 200 triệu đồng, trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho các hội viên khó khăn; tặng con giống; trao suất quà, học bổng cho học sinh; tặng thiết chế văn hóa xóm; tặng gần 2.000 làn nhựa cho các bà, các mẹ đi chợ, giảm thiểu việc sử dụng túi nilon.
Mô hình “Ngôi nhà xanh”.
Đây là mô hình xuất phát ý tưởng từ mô hình “Biến phế liệu thành sản phẩm có ích” đã được triển khai rộng rãi trong các cấp Hội. Nhận thấy việc phân loại thu gom rác thải tái chế mang lại ý nghĩa và hiệu quả cao. Năm 2022 Hội LHPN đã hướng dẫn các cơ sở Hội xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu góp phần bảo vệ môi trường và gây quỹ, giúp hội viên khó khăn.
Theo đó các ngôi nhà được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn, bọc lưới sắt xung quanh, thường được đặt tại nhà văn hóa xóm tiện cho người dân bỏ phế liệu vào. Hàng tháng chi hội phụ nữ sẽ mở và thu gom nhập phế liệu gây quỹ
Mô hình ngôi nhà xanh được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương |
Khi triển khai mô hình này, các hội viên tham gia rất tích cực, có ý thức thu gom phế liệu mọi lúc, mọi nơi và mang về tập kết ở “Ngôi nhà xanh”. Đến nay đã có 15/29 xã, thị trấn xây dựng được 57 “Ngôi nhà xanh” đặt ở các nhà văn hóa xóm. Bình quân phế liệu thu được từ mỗi “ngôi nhà” bán được 2 triệu - 2.5 triệu đồng/năm. Số tiền này sẽ được đóng góp vào quỹ Hội để thực hiện các mô hình, các hoạt động an sinh xã hội. Tuy số tiền thu được không lớn nhưng với phương châm “việc làm nhỏ, tác động lớn”, mô hình đang góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hội; đồng thời nâng cao ý thức thu gom, phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sống của chị em hội viên, phụ nữ.
Mô hình “Làn xinh thân thiện bảo vệ môi trường”
hực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” do TW Hội phát động, nhằm tuyên truyền chị em hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông để đựng thực phẩm, hàng hóa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do túi ni lông gây ra, từ năm 2018, Hội LHPN huyện đã triển khai Kế hoạch hướng dẫn các cơ sở Hội thực hiện mô hình “Làn xinh thân thiện bảo vệ môi trường” góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa của người dân. Mô hình được xây dựng làm điểm tại 2 xóm của xã Nghi Thái, ban đầu với 80 thành viên tham gia. Hội LHPN huyện đã hỗ trợ kinh phí mua tặng 80 làn xinh cho các thành viên. Mô hình này được xem như một hình thức tuyên truyền thiết thực bởi mục đích chính là dần thay đổi nhận thức, hạn chế thói quen sử dụng túi nilon khó phân huỷ của người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
Hội phụ nữ huyện Nghi Lộc đã góp phần quan trọng trong công tác môi trường |
Để động viên hội viên tham gia và triển khai mô hình có hiệu quả, hội đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến với phụ nữ và nhân dân về tác hại của túi nilon đến sức khỏe và môi trường sống. Vận động chị em hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, nên sử dụng làn nhựa khi đi chợ, phân loại rác thải, tái sử dụng túi nilon. Đến nay, mô hình được nhân rộng tại 13 xã trên toàn huyện. Ngoài ra vào các dịp ra mắt các mô hình khác hay tổ chức các hoạt động truyền truyền, các cơ sở Hội thường trao quà cho hội viên phụ nữ là những chiếc “Làn xinh” thiết thực thay cho những món quà khác.
Mô hình “Biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh”
Rác không phải là thứ bỏ đi mà hoàn toàn có thể tận dụng để biến thành những thứ có ích cho cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường. Việc thu gom tái chế rác thải hữu cơ thành phân vi sinh đang là hướng đi đúng nhằm tạo ra lượng phân hữu cơ vi sinh phục vụ nền nông nghiệp sạch, đồng thời giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường từ rác sinh hoạt. Năm 2021, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Nghi Thạch đã rất sáng tạo, tích cực tham mưu UBND xã hỗ trợ triển khai làm điểm mô hình “Biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh”. Nhận thấy đây là mô hình mới, phù hợp với địa bàn nông thôn, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã phối hợp cùng Hội phụ nữ xã tích cực tuyên truyền, khảo sát, lựa chọn 10 hộ gia đình thuộc xóm 1 xã Nghi Thạch để làm điểm thực hiện. Hội LHPN xã đã vận động nguồn lực hỗ trợ kinh phí mua thùng, men vi sinh, tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình thực hiện mô hình cho các hộ gia đình.
Phụ nữ xã Nghi Thái với mô hình biến rác thải thành phân vi sinh |
Sau khi triển khai thực hiện, mô hình đã có kết quả ngoài sự mong đợi, góp phần làm tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu tối đa tổng lượng rác thải ra môi trường, tận dụng triệt để các nguồn rác thải hữu cơ, hạn chế sự quá tải của các bãi tập kết và xử lý rác tập trung, giúp giảm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn, đồng thời tạo ra nguồn phân hữu cơ nhằm hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Ngô Thị thanh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Lộc cho rằng, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh gia đình cũng như môi trường sống, xóm phố nên Hội LHPN huyện đã lấy bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, các hoạt động của Hội đều gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của huyện Nghi Lộc
Với những cách làm linh hoạt và hiệu quả nêu trên, sau 5 năm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2018 – 2023, Hội LHPN huyện Nghi Lộc đã được Trung ương Hội tặng bằng khen. Tin chắc rằng, hiệu quả trong việc thực hiện phong trào bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa của chị em phụ nữ sẽ được duy trì, nhân rộng và lan tỏa, để mọi người, mọi nhà cùng chung tay xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, góp phần thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.