Ngành du lịch cần nguồn nhân lực để khôi phục hoạt động trong tình hình mới
Du lịch 27/09/2021 14:51
Thực trạng nhân lực ngành Du lịch
Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, nguồn nhân lực du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được ban hành là các nền tảng rất quan trọng cho ngành du lịch phát triển bứt phá. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư cho du lịch tăng mạnh, số lượng khách sạn, khu resort cao cấp không ngừng được xây dựng và đưa vào hoạt động, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tập trung đầu tư làm cho bộ mặt ngành du lịch có những thay đổi trong thời gian gần đây. Các chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế, nội địa, sự phát triển của các doanh nghiệp khách sạn, du lịch; hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch và đội ngũ những người làm du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh. |
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở đào tạo phát triển nhanh; hệ thống ngành đào tạo và bậc đào tạo đã được hoàn thiện từ sơ cấp đến sau đại học. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động của doanh nghiệp… Theo đó, người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội. Có thể nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển cả về số lượng và cơ cấu; tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành du lịch nói chung dần được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của ngành. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp cần phải quan tâm để giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, Trần Anh Tuấn, Chuyên gia Dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã có những tác động hoạt động của ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đều tạm ngừng hoạt động; khách sạn đóng cửa. Theo Tổng cục du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng hết sức trầm trọng, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, công suất buồng phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa.
Còn báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.
Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nhân lực lao động đa số không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề. Việc rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay khác biệt với biểu hiện “nhảy việc” thông thường trong lĩnh vực du lịch, trước đây người “nhảy việc” hầu như vẫn hoạt động trong ngành, chỉ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải hưởng trợ cấp thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai.
Sang đầu năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu tổn thất nặng do dịch Covid-19 bùng phát. Để thích ứng với tình hình mới, ngành du lịch đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Theo báo cáo của Tổng cục du lịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch phục vụ du khách tại các địa phương trong cả nước đã dừng tổ chức, do đó lượng khách du lịch nội địa đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (trung bình khoảng từ 60-80%); công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt từ 10 - 20%; doanh thu du lịch thấp; một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa không đón khách, một số doanh nghiệp du lịch tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh..
Tuy nhiên, tại một số địa phương không nằm trong vùng dịch, hoạt động du lịch khá sôi động, các loại hình được du khách ưa chuộng là du lịch tâm linh, thăm thân, tham quan… Tại các điểm du lịch, những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, vẫn ghi nhận và đón được một số lượng khách nhất định như: An Giang, Phú Quốc , Đà Lạt. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động đưa ra những giải pháp vượt qua khó khăn, nghiên cứu và tung ra nhiều chương trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi du lịch như; đi gia đình, nhóm nhỏ, phương tiện cá nhân, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực...
Xu hướng nhu cầu nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2021-2030
Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tác động của đại dịch Covid-19 vô cùng nặng nề, tuy nhiên về lâu dài thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu. Ngành nghề nào hiện tại đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì sẽ hồi phục và đi lên nhanh nhất, những ngành nghề gắn với kinh tế số và nghề đáp ứng được nhu cầu thực tế thì luôn luôn có nhu cầu và thu nhập sẽ cao. Thị trường việc làm hiện nay và tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp,… sẽ mất lợi thế cạnh trạnh, một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị thải, đồng thời rất thiếu những người có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Vì vậy, người lao động trong tất cả ngành nghề chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương từ 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân từ 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15 - 17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm…
“Trong tình hình rất khó khăn của kinh tế - xã hội và thị trường lao động hiện nay, lựa chọn ngành nghề để học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai nghề nghiệp và sự thăng tiến của bản thân sau này của một con người. Nghề là bản thân lựa chọn. Mà đã lựa chọn thì chịu trách nhiệm học tập. Khi được học nghề yêu thích, mỗi sinh viên cần học với mục tiêu phát triển cho chính bản thân mình”. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh. |
Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Để thích ứng với dịch Covid-19, phải tập trung kích cầu thị trường khách nội địa với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, song song với việc bảo đảm an toàn cho du khách. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới như: Sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh... Đây là dòng sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế vào năm ngoái. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thể thao, giải trí cũng trở nên phổ biến hơn do nhu cầu rèn luyện sức khỏe của du khách ngày càng tăng. Một xu hướng đang “lên ngôi” khác là du lịch thông minh với các trải nghiệm đa dạng bằng công nghệ số, thực tế ảo... khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Thực trạng hiện nay nguồn nhân lực ngành quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu. Việc thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực khối ngành này còn hạn chế so với nhu cầu chung.
Theo Tổng cục du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.
Nhu cầu nhân lực giai đoạn 2021-2030
“Nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2021-2030”, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực nhấn mạnh
ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm: Trong mùa tuyển sinh năm nay, khối ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ vẫn là sự lựa chọn của đông đảo thí sinh, dù đây là lĩnh vực đang chịu nhiều thiệt hại và "đóng băng" do dịch bệnh Covid-19. Số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 cho thấy đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân, trong đó 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Năm nay, có 24.036 chỉ tiêu cho nhóm ngành này.
“Có một thực tế khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới, dẫn đến việc khi ngành du lịch hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 những nhân lực bỏ nghề có thể sẽ không quay trở lại làm việc. Theo dự báo sau khi đại dịch được khống chế, nhu cầu đi du lịch sẽ tăng rất cao. Đây cũng là bài toán cần có lời giải. Điều đáng lo ngại là khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để "tái thiết", ông Trần Anh Tuấn quan ngại.
“Các hiệp hội động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch triển khai đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số”.
Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, tác động nặng nề đến nền kinh tế, mà trực tiếp và nặng nề nhất là lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời và tiềm năng phát triển ngành du lịch, khách sạn…vẫn rất lớn.