Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An đồng hành hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Xã hội 03/03/2022 13:20
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã chủ động thực hiện một số giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của đại dịch. Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người sử dụng lao động để hỗ trợ trả lương cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An đã thực hiện giải ngân 20,314 tỉ đồng cho 54 doanh nghiệp để thực hiện trả lương cho 2.973 lao động. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 13.599 khách hàng với số tiền 312,6 tỉ đồng. Thực hiện cho vay vốn bổ sung với 3.158 khách hàng là hộ nghèo, các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng đại dịch với số tiền 121 tỉ đồng. Đặc biệt,từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động giải ngân của Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An tiếp tục tăng khá, doanh số cho vay đạt gần 350 tỉ đồng, doanh số thu nợ hơn 260 tỉ đồng, huy động vốn các loại tăng so với năm 2021, tổng doanh số huy động đạt gần 1.900 tỉ đồng. Trong năm 2021, tín dụng chính sách đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp cho 31.700 hộ thoát nghèo.
Lễ khởi công xây nhà Đại đoàn kết cho NCT nghèo ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An |
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Ngân hàng CSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm: 1, Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỉ đồng. 2, Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỉ đồng. 3, Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỉ đồng. 4, Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỉ đồng. 5, Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỉ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 700 tỉ đồng. Đặc biệt,tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, trong điều kiện nội lực của tỉnh Nghệ An, việc tự đảm bảo kinh phí để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nói trên là điều hết sức khó khăn. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành với những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, phù hợp sẽ là nguồn lực hết sức quan trọng, kịp thời để Nghệ An hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hôị đã đề ra trong năm 2022. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của chính sách, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 821/UBND-TH ngày 9/2/2022 chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp tham mưu tích cực triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết ngay từ những ngày đầu tháng 2/2022. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An cho biết: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Nghệ An. Hiện nay, chi nhánh đang tích cực chuẩn bị các nội dung để triển khai các gói tín dụng theo Nghị quyết số 11. Để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11, Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.
Được biết, tại Nghệ An, thông qua rà soát sơ bộ, nhu cầu tăng trưởng nguồn vốn trong 2 năm 2022 - 2023 đối với chương trình cho vay Giải quyết việc làm là 1.400 tỉ đồng, nhà ở xã hội khoảng 250 tỉ đồng. Trong đó: năm 2022 nhu cầu cho vay giải quyết việc làm 700 tỉ đồng, cho vay chương trình nhà ở xã hội 100 tỉ đồng. Hiện tại, các đơn vị trong tỉnh đang tiếp tục rà soát, xác lập nhu cầu thực tế từng loại đối tượng. Đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên, Nghệ An là chi nhánh có doanh số cho vay hàng năm và dư nợ chương trình lớn nhất cả nước, công tác quản lí nguồn vốn đạt hiệu quả cao. Chương trình đã giúp cho hàng vạn học sinh, sinh viên khó khăn được vay vốn, ăn học thành tài. Hiện nay, các đơn vị trong tỉnh đang tích cực phối hợp rà soát, xác lập nhu cầu thực tế để triển khai thực hiện.
Việc triển khai chương trình này đã được các Ngân hàng CSXH huyện, thành phố, thị xã ở Nghệ An triển khai đồng bộ, bài bản. Bà Trần Thị Mai Hạnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH Thanh Chương chia sẻ: Hiện tại 406 tổ vay vốn trên toàn huyện, đã tổ chức truyên truyền phổ biến các chủ trương trên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn biết để thực hiện. Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Năm 2022 tỉ lệ hộ nghèo của huyện theo tiêu chí mới là 5,06%, cận nghèo 7,09%. Trong đó đối tượng là người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo có 134 người, tất cả đối tượng này đều đã được hưởng chế độ trợ cấp BTXH hằng tháng với mức từ 540.000 đến 720.000 đồng/ người/ tháng. Với việc triển khai các gói tín dụng trên, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo là người được hưởng lợi nhất.