Nâng cao hỗ trợ chính sách, kịp thời cứu doanh nghiệp và người dân
Doanh nghiệp - Doanh nhân 20/08/2021 07:42
Nâng cao hiệu quả hỗ trợ
Ngân hàng là ngành tiên phong triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực ngay khi làn sóng dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Tính chung tất cả các khoản giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ, vay mới, tổng số khoản lãi đã giảm cho doanh nghiệp DN khoảng 18.830 tỉ đồng. 16 Tổ chức tín dụng (TCTD) là thành viên Hiệp hội Ngân hàng đồng thuận cam kết giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tổng số tiền lãi được cắt giảm từ nay đến cuối năm khoảng 20.300 tỉ đồng.
Ngoài gói hỗ trợ chung, 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV còn cam kết mỗi ngân hàng bỏ thêm khoảng 1.000 tỉ đồng hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các DN, người dân ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh giảm lãi suất, sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố nói trên.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và kéo dài đã gây khó cho các chính sách hỗ trợ mà ngành Ngân hàng đang triển khai. Một trong những chính sách rất quan trọng chịu ảnh hưởng lớn là Thông tư 03. Thống kê sơ bộ từ 14 tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, từ ngày 10/6/2021 đến nay, hơn 600 nghìn tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1.190.000 tỉ đồng. Các khoản nợ này đủ điều kiện cơ cấu nợ, nhưng lại không thể thực hiện vì theo quy định tại Thông tư 03, những khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 mới đủ điều kiện được cơ cấu…
Agribank Đồng Tháp ủng hộ hơn 400 triệu đồng |
Việc giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng kéo dài của dịch như hiện nay. Chính vì vậy, cần mở rộng thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp với nguồn thu, dòng tiền khách hàng, đặc biệt là đối với khoản vay trung, dài hạn.
Một vấn đề nữa là thủ tục hỗ trợ cũng khó thực hiện khi khách hàng trong vùng giãn cách xã hội hoặc ở trong khu cách li. Do vậy, các ngân hàng đề nghị NHNN hướng dẫn hỗ trợ khách hàng cho phép tạm hoãn trả nợ trong thời gian phong tỏa. Việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi ngân hàng và thông báo qua tin nhắn, email; không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ…
Có thể thấy, các vấn đề vướng mắc được các ngân hàng đặt ra tại Thông tư 03 mang tính chất cấp bách, cần làm nhanh để các giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn. NHNN sẽ sửa lại hoặc có Thông tư mới thay thế. Hiện NHNN đang thu thập các ý kiến, thiết kế lại các chính sách theo hướng bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để “trợ lực” kịp thời cho các DN, người dân (trong đó có nhiều NCT) gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi xây dựng chính sách NHNN phải tính toán bảo đảm hài hòa các mục tiêu. Đó là hỗ trợ DN nhưng không được để lại hậu quả. Nếu cơ cấu không hợp lí, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai. Đây là bài toán không đơn giản. Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, NHNN phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn, vừa giảm bớt khó khăn cho DN trước mắt, song vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách.
Lãi suất giảm bao nhiêu là phù hợp
Giảm lãi suất giúp các DN, người dân trong đó có người cao tuổi vượt qua ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 lần thứ 4 là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, việc các DN đề xuất giảm đến 5% lãi suất cho vay khó khả thi!
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mỗi ngày nhận được hàng trăm công văn, đơn đề nghị được giảm lãi suất, cơ cấu nợ, khoanh nợ từ DN và người dân. DN còn chút “kháng cự” thì xin giảm từ 1% - 2%/năm, DN “hấp hối” xin giảm từ 3% -5%/năm. Khối lượng đơn tồn đọng lên đến hàng nghìn.
Dù vậy, không ít ý kiến cho rằng, đề xuất giảm lãi suất từ 3 - 5%/năm dành cho các DN sẽ khó khả thi. Bởi theo một phép tính đơn giản, trong khi lãi suất tiền gửi kì hạn dài bình quân trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 7%, sau khi trừ lạm phát cả năm khoảng 4%, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ là 3%. Để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, nếu giảm thêm từ 3 - 5% sẽ đưa lãi suất thực về âm. Khi lãi suất âm, người dân sẽ không gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, ngân hàng sẽ rơi vào “bẫy thanh khoản”, DN cũng “hết cửa” vay vốn.
Vì vậy, các ngân hàng không thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay kì hạn dài xuống mức 6 - 7%/năm, mà sẽ chọn lọc khách hàng đáp ứng yêu cầu, hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên để giảm lãi suất. Thực tế, trong khi “miếng bánh” giảm lãi vay của các ngân hàng có hạn nhưng DN nào cũng muốn “cắt miếng to” thì rất khó, bản thân ngân hàng cũng là DN, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa hai lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay chỉ chênh lệch khoảng trên 3%. Trong khi đó, DN đòi giảm từ 3 - 5%, vậy ngân hàng sống bằng gì?
Theo các chuyên gia, hỗ trợ cho DN không cần lãi suất quá thấp, mà kèm các giải pháp khác như tăng khả năng vay vốn, kì hạn cho vay dài hơn. Riêng với lĩnh vực trọng yếu, Nhà nước phải có gói hỗ trợ riêng trong trường hợp thực sự khó khăn và cần thiết. Để bổ sung nguồn vốn huy động, ngân hàng đã có chính sách thu hut tiền của NCT tích cóp trong thời gian còn đi làm, động viên họ gửi dài hạn với lãi suất hợp lý để có nguồn dài hạn phục vụ cho DN vay dài hạn.
Mới đây, các ngân hàng thương mại có quy mô lớn cho biết sẽ giảm tiếp mức lãi suất cho vay, theo hướng DN khó khăn nhiều thì giảm nhiều, khó khăn ít thì giảm ít. Các ngân hàng cũng đưa ra cam kết hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỉ đồng từ nay đến cuối năm, tùy qui mô ngân hàng.
Phó Thống đốc thường trực NHNN TS. Đào Minh Tú, cho biết: “Việc giảm lãi suất là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất, cũng như bảo đảm việc tiếp cận vốn của DN, NHNN sẽ tăng cường giám sát, để từ nay đến cuối năm, các cam kết của ngân hàng thương mại được thực hiện”. Đối với người dân làm nông nghiệp có đến trên 60% là NCT tham gia sản xuất, họ cần Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Có như vậy họ mới có điều kiện đầu tư giống, phân bón bị tăng cao trong thời điểm dịch bệnh.