Nam Định: Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
Sự kiện 06/11/2024 07:44
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Lợi thế của tỉnh Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa; có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ có vị trí thuận lợi để kết nối với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng và truyền thống hiếu học. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và cảng biển được đầu tư đồng bộ. Toàn tỉnh có 14 khu công nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, Nam Định đang đi đúng hướng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch chất lượng cao.
Cho dù là mảnh đất giàu truyền thống và có tiềm năng lớn nhưng Nam Định không ỷ lại mà luôn nêu trách nhiệm không chỉ cho riêng với tỉnh mà là trách nhiệm chung đối với cả vùng và quốc gia. Bởi Nam Định đang đứng trước bối cảnh bùng nổ sự phát triển thì đây chính cơ hội cho Nam Định đi ra và đi lên để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Với mục tiêu quy hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng; Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Kinh tế số chiếm khoảng 30% trong GRDP; Ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50% trong cơ cấu GRDP; Dịch vụ chiếm khoảng 38%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm khoảng 16% trở lên; Kim ngạnh xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD; Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 15.000 tỷ đồng.
Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Nam Định tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Ba vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị TP Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp, nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường). Bốn trung tâm đô thị động lực: Đô thị trung tâm với TP Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ; Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, Quỹ Nhất, Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy và đô thị Đại Đồng). Năm hành lang kinh tế: Hành lang Quốc lộ 10 (TP Nam Định - Cao Bồ); Hành lang cao tốc Băc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy; Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng).
Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng. Đồng thời, Nam Định tiếp tục khai thác 6 khu công nghiệp đã được thành lập, quy hoạch phát triển thêm 10 khu công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2030 là 2.546ha. Ngoài ra, Nam Định tập trung phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành một trung tâm kinh tế biển phát triển, tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá: có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với nhiều giải pháp đồng bộ
Quá trình lập quy hoạch tỉnh Nam Định được các cấp, các ngành và địa phương triển khai một cách công phu, bài bản, kỹ lưỡng, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức đặt ra, cơ hội phát triển…để có các chính sách, giải pháp, nguồn lực phù hợp thực hiện quy hoạch. Việc xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai, cụ thể hóa quy hoạch còn khó hơn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, khẩn trương của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh mới thực hiện được. Trong chương trình hành động, tỉnh xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai, bao gồm phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội; quy hoạch xây dựng vùng huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học,... Cùng với giải pháp, tỉnh cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương thống nhất nhận thức hành động trong quá trình triển khai quy hoạch; xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực xã hội trong thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, các địa phương phối hợp rà soát, lập mới, điều chỉnh các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành kỹ thuật, quy hoạch đô thị, nông thôn để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, làm cơ sở thực hiện và thu hút đầu tư.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, chủ trương của tỉnh tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy đầu tư công kích hoạt đầu tư ngoài xã hội để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên các lĩnh vực quan trọng cũng như tập trung các nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điều chỉnh quy hoạch mở rộng TP Nam Định |
Để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển trong nội dung Quy hoạch, tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát triển du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics, nông - lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh, liên kết giữa Khu kinh tế, khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, kết nối vùng và cả nước hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm.
Với quan điểm chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt…đưa mục tiêu, tầm nhìn phát triển tỉnh Nam Định trở thành hiện thực. Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tạo ra sự thống nhất trong nhận thức hành động. Đồng thời, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng hình thức đầu tư, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới một số lĩnh vực thế mạnh của các quốc gia như: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo; điện gió ngoài khơi, điện sóng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục và đào tạo...Quan tâm đầu tư phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định để Nam Định phát triển nhanh và bền vững - Xứng đáng tỉnh phát triển khá của cả nước và là trung tâm phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng.