Sự cố xảy ra tại mỏ Sông Đốc đã được kiểm soát

Sự kiện 05/05/2025 16:42
Sáng 5/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại tòa Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5 đến ngày 29/5/2025; Đợt 2: từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần.
Những quyết sách mang tính lịch sử
Phát biểu phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn”.
![]() |
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. |
Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
![]() |
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự phiên họp khai mạc sáng 5/5/2025. |
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét các báo cáo quan trọng của Chính phủ về: phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phấn đấu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân và công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2025, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Kinh tế tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kết hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn, đặc biệt Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. |
Trong bối cảnh đó, thực hiện các kết luận, nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, với tinh thần kỷ cương, chủ động, trách nhiệm, kịp thời, tăng tốc, bứt phá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trọng tâm. Trong đó, thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.
Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia…
Bên cạnh tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 02 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu qủa chính sách vi mô.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Công tác phân tích dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phân cán bộ công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…
Từ những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức 4 - 4,5% GDP; tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều tiết tỷ giá lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh của lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói ứng dụng ưu đãi dài dạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ, nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%...
Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, buổi chiều Quốc hội nghe các thành viên Chính phủ báo cáo các Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.