Măng đắng trái mùa
Đời sống 03/11/2022 09:41
Những rừng vầu đã có từ xa xưa, không hiểu ai trồng hay mọc tự nhiên mà bao đời nay vẫn tồn tại. Măng vầu có hai loại, cho ra hai thứ măng, đắng và ngọt. Măng ngọt là loại không có vị đắng, hợp khẩu vị tất cả mọi người. Nhưng ở đây vào mùa chỉ có măng đắng bạt ngàn, còn măng ngọt rất ít. Vì đồng bào dân tộc nơi đây chỉ thích ăn đắng. Họ nói: Đắng mới ngon.
Đĩa măng đắng đầu mùa luộc kĩ, bát mẻ chưng đậm đặc với chút cá. Chấm quyện vào miếng măng thì thôi rồi... Khỏi nói luôn... Ngon tuyệt. Vị đắng thấm vào tê lưỡi, nhưng càng ăn càng ngon.
Đó là măng chính vụ. Còn từ đầu Hè đến cuối Thu hằng năm là lúc măng đắng trái mùa. Măng trái mùa chỉ có ở xã Phúc Lợi, Trúc Lâu, cách xã tôi vài chục cây số. Vậy mà chiều chiều ở khu chợ xép, vài hôm lại có hàng măng đắng. Họ đưa về đây bán. Chính vụ 10.000đ/kg, trái vụ cũng chỉ 15.000đ/kg.
Măng đắng có thể chế biến nhiều kiểu ngoài luộc chấm mẻ, om thịt, xào tỏi, xào kiệu. Ai không ăn được đắng thì bỏ bớt chỗ đắng đi, sẽ ít đắng hoặc không đắng tẹo nào.
Người già bảo măng đắng ăn lành bụng hơn măng ngọt. Măng ngọt ai yếu bụng ăn vào sẽ bị đầy bụng khó tiêu, thậm chí đau bụng. Đó chính là lí do mà cây măng ngọt không phát triển được, chủ yếu là măng đắng.
Ngoài món thông dụng ra, măng đắng còn có thể chế biến thành món măng dồi: Đặc sản của vùng Tây Bắc. Thịt con gà giò chạy đồi, băm nhuyễn lẫn kiệu, cả lá và củ thái nhỏ, thêm trứng và gia vị trộn đều và cuốn như kiểu cuốn nem. Đem rán hoặc hấp, nhưng rán sẽ ngon hơn. Món ăn này hay được làm vào mùa Xuân, vì đó là mùa của kiệu, thứ gia vị không thể thiếu với món măng dồi.
Ngày nay hàng hóa giao lưu đủ loại từ khắp nơi mang về, không thiếu thứ gì. Người dân có nhiều sự lựa chọn cho bữa ăn hằng ngày, nhưng măng đắng và hương vị của nó đã đi cùng năm tháng và trở thành món ăn dân dã, truyền thống trong mâm cơm của đồng bào dân tộc quê tôi.
Dù xã hội có phát triển bao nhiêu, thì cây măng đắng vẫn giữ nguyên giá trị để làm nên tên tuổi của mình với những người yêu thích nó, một món ăn dân dã đã tồn tại bao đời nay.