Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội: Vấn đề 'cát tặc' làm nóng nghị trường
Tin tức 08/12/2020 17:12
Các tàu khai thác cát trái phép trên Sông Hồng. (Ảnh: TTXVN phát) |
Ngày 8/12, tiếp tục ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu HĐND TP Hà Nội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề được cử tri quan tâm.
Cụ thể, hai nhóm vấn đề được chất vấn ngay tại hội trường gồm công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông; việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đây là những lĩnh vực các cấp, các ngành chưa có các biện pháp hữu hiệu để quản lý.
Qua các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy đây là vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh. Do đó, Thường trực HĐND TP Hà Nội lựa chọn hai nhóm vấn đề trên để chất vấn là xuất phát từ thực tiễn của công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đồng thời cũng là đáp ứng yêu cầu cử tri và dư luận quan tâm.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị tại phiên chất vấn này, các đại biểu tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; thực hiện hoạt động chất vấn đạt hiệu quả cao, giúp các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thấy rõ các tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
Đáng chú ý, vấn đề "cát tặc" đã làm "nóng" nghị trường HĐND TP Hà Nội với nhiều câu hỏi của đại biểu gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương liên quan.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức chất vấn Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc thành phố còn 13 điểm khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận, thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy khóa XVI, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, thành phố đã có quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh, nhưng đến nay việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết nguyên nhân, giải pháp xử lý?
Cụ thể hơn, đại biểu Dương Thị Hằng thẳng thắn nêu câu hỏi gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đình và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ về trách nhiệm của chính quyền địa phương và biện pháp xử lý vấn nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra trên địa bàn.
Tương tự, tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn ra tại sáu xã ven sông Hồng, đại biểu Trần Thị Vân Hoa đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và giải pháp trong thời gian tới?
Đặc biệt, khảo sát của các Ban HĐND TP Hà Nội cho thấy, công tác quản lý khai thác cát, sỏi, lòng sông, việc quản lý bến bãi chứa cát, đá, sỏi còn nhiều bất cập, hạn chế; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang diễn biến rất phức tạp gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, an ninh trật tự, cũng như sản xuất, đời sống của nhân dân, gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết qua điều tra cơ bản, trên địa bàn thành phố còn 13 điểm phức tạp liên quan đến khai thác cát.
Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động khai thác cát, khoáng sản có hiệu lực; 8 tổ chức được cấp phép khai thác cát nổi trên sông Hồng.
Về bãi tập kết, hiện trên địa bàn thành phố có 207 bãi tập kết kinh doanh khoáng sản đang hoạt động. Trong đó, 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động tại 15 quận, huyện.
Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, cần quản lý chặt chẽ đối với các phương tiện khai thác cát trái phép vì không có phương tiện thì không thể khai thác được.
Công an thành phố Hà Nội đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải về việc tăng cường xử lý phương tiện vi phạm đăng kiểm và gửi 25 kiến nghị đến các sở, ban, ngành, giải quyết các bến bãi không phép, quy hoạch tổng thể các bến sông.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp các tỉnh giáp ranh trong việc đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép, cũng như tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm những phương tiện vi phạm.
Liên quan đến các điểm khai thác cát trái phép còn tồn tại, Công an thành phố Hà Nội cũng cam kết trong phạm vi trách nhiệm của mình, không để lực lượng khai thác cát trái phép trên sông. Các bến, bãi thuộc chính quyền các quận, huyện, thị xã quản lý, đề nghị phối hợp, tăng cường xử lý.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu phản ánh trình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Xuân Đình (Phúc Thọ, Hà Nội), lãnh đạo xã Xuân Đình thừa nhận cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã cơ bản chấm dứt, nhưng trong năm 2020, một số tàu cuốc lại đến, khai thác vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn...
Những đêm gần đây vẫn có một đến hai tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4-5 giờ sáng.
Các đối tượng khai thác một đến hai ngày lại nghỉ. Bên cạnh đó, các tàu hút cát của những đối tượng này thường hoạt động giữa dòng sông Hồng, trong khi Công an huyện, Công an xã không được trang bị phương tiện chuyên dụng, rất khó để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.
Nêu giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dânhuyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho rằng cần tăng cường kiểm tra, xử lý và đề xuất Sở Nội vụ tham mưu xác định mốc giới trên lòng sông giữa địa bàn huyện Phúc Thọ với 2 xã của tỉnh Vĩnh Phúc để thuận tiện quản lý.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cũng đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá khởi điểm đấu giá khai thác để Nhà nước vừa quản lý được, vừa đảm bảo nguồn thu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Vân Hoa về tình trạng khai thác cát trái phép tại sáu xã ven sông Hồng, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng công an cấp huyện và xã tăng cường công tác phòng chống dịch. Do đó, một số đối tượng trên địa bàn khác cũng lợi dụng việc này để khai thác cát trái phép.
Trả lời thêm về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, nhờ sự phối hợp giữa các lực lượng trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý, đến nay việc khai thác cát trên địa bàn huyện giảm rất nhiều. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, rà soát, yêu cầu các chủ phương tiện trên địa bàn ký cam kết không tái phạm.
Cũng tại phiên chất vấn một số đại biểu phản ánh trình trạng đến nay trên địa bàn thành phố còn 92/132 bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng chưa đảm bảo quy định nhưng chưa được giải tỏa.
Các đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân, trách nhiệm trong việc xử lý, biện pháp cụ thể, lộ trình khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh nêu vấn đề nhiều bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố không có đầy đủ thủ tục đất đai theo quy định, trong khi hoạt động rất sôi động.
Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm và hướng giải quyết trong thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết qua rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có 240 điểm tập kết, trong đó có 43 điểm có thủ tục cho thuê đất, 197 chưa có thủ tục thuê đất.
Lực lượng chức năng của quận, huyện, sở, ngành đã giải tỏa được 73 điểm, các điểm hoạt động còn lại chưa xử lý được.
Thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục triển khai, với các tiêu chí cho thuê đất, cấp phép.
Sở sẽ cùng các quận, huyện tiếp tục rà soát, tổ chức đấu giá với các điểm phù hợp quy hoạch, hoàn thành trong năm 2021.
Trước đó, từ năm 2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn tiêu chí chọn điểm tập kết là không được vi phạm hành lang đê điều, cách khu dân cư trên 50m, có đường giao thông thuận lợi, không chồng lấn luồng chạy tàu, phải kết hợp được với bến thủy nội địa...