Kiểm soát mặt bằng, chống “chung chi” trong thi công cao tốc Bắc Nam
Sự kiện 19/05/2023 09:16
Rà soát của Bộ GTVT đến tháng 5/2023, phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025, các địa phương đã đền bù, bàn giao mặt bằng đạt gần 584km (khoảng 81%) và đang tiếp tục triển khai công tác GPMB để hoàn thành trong quý II/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết 18/CP của Chính phủ. Các địa phương có tỉ lệ bàn giao mặt bằng cao như: Hà Tĩnh đạt 82 - 99% tại các dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng; Hậu Giang đạt 92 - 96% tại các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; Bạc Liêu 98%, Cà Mau 90%...
Tuy nhiên, công tác GPMB tại một số địa phương vẫn đang bị chậm, nhất là việc di dời các công trình hạ tầng kĩ thuật, diện tích rừng, đất rừng chuyển đổi... Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, diện tích rừng các loại cần chuyển đổi là hơn 1.491ha, tăng 437ha, trong đó, Quảng Bình có diện tích rừng cần chuyển đổi tăng thêm lớn nhất (hơn 226ha), tiếp đến là Phú Yên tăng hơn 102ha, Bình Định tăng gần 70ha, Quảng Ngãi tăng gần 20ha...
Thực tế này nếu không khẩn trương giải quyết, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án. Trong tổng số 584km đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức thi công chỉ đạt hơn 460km (hơn 64%). Điển hình, tại dự án Vạn Ninh - Cam Lộ, tỉ lệ mặt bằng được tỉnh Quảng Bình bàn giao đạt 65%, diện tích thực tế thi công được chỉ đạt 39%; dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh qua tỉnh Bình Định được bàn giao 76% diện tích mặt bằng, song tổ chức thi công được chỉ đạt 49%...
Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lí dự án khẩn trương phối hợp với các địa phương khẩn trương nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình, diện tích GPMB, bảo đảm đủ luận chứng kinh tế - kĩ thuật, hiệu quả kinh tế, phù hợp thực tế, không ảnh hưởng đến tuyến đường cao tốc sau khi hoàn thành theo quy hoạch...
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các chủ đầu tư, Ban QLDA phải thường xuyên phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, kĩ sư, tư vấn giám sát, nhà thầu trực tiếp tham gia quản lí, điều hành dự án về phòng chống tiêu cực, tham nhũng và các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng, đấu thầu... nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lí dự án đầu tư…
Đặc biệt, Bộ GTVT nghiêm cấm các chủ đầu tư, Ban Quản lí dự án: Thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tác để thu lợi cá nhân; dàn xếp, thông thầu; quy định các điều kiện bất hợp lí, không phù hợp theo quy định pháp luật trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu…
Các hành vi thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ thủ tục cho các sai sót trong công tác giám sát, kiểm định, nghiệm thu kết quả khảo sát; thông đồng với tư vấn để đưa một số loại vật liệu vào hồ sơ thiết kế hoặc "gửi giá, nâng giá" trong hồ sơ dự toán; thỏa thuận với nhà thầu về việc "chung chi" để bỏ qua các sai sót về thủ tục, chất lượng; "gửi giá" qua các nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình; nhũng nhiễu, gây khó khăn khi kí hồ sơ nghiệm thu, thanh toán... nếu không được ngăn chặn từ gốc, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng cao tốc trong quá trình thi công…