Kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Anh hùng Lao động Mai Kiều Liên - Nữ doanh nhân quyền lực
Văn hóa - Thể thao 08/03/2019 10:44
Giữa những năm kháng chiến, sau khi tốt nghiệp phổ thông, được chọn đi học ở Liên Xô (cũ), cô con gái Mai Kiều Liên hỏi ý kiến ba và nghe theo thời khuyên đã chọn ngành chế biến sữa. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp kĩ sư chế biến sữa tại Moscow (Nga) về nước, bà về công tác tại nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty sữa và Cà phê miền Nam, tiền thân của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Từ một kĩ sư, cùng với thời gian nỗ lực phấn đấu, bà được giao chức Trưởng ca, Phó Giám đốc kĩ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế rồi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 cho đến nay.
Hơn 40 năm gắn bó với ngành sữa Việt Nam, trong đó có trên 20 năm chèo lái “con thuyền” Vinamilk từ “ao làng” đi ra “biển lớn”, sánh vai các thương hiệu danh tiếng trên thế giới. Để đưa Vinamilk lên đẳng cấp “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, theo bà Mai Kiều Liên, quan trọng nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
CEO Vinamilk Mai Kiều Liên người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Nikkei châu Á 2015. |
Để không phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, giá cao, bị động, bà Mai Kiều Liên chủ trương phát triển đàn bò sữa Việt Nam tại những vùng có khí hậu thuận lợi như Lâm Đồng, Mộc Châu... Tại đây sữa bò sau khi vắt, chế biến ở nhiệt độ 72 độ C gần như còn nguyên giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, giá sữa hiện không kích thích được chăn nuôi (trung bình toàn quốc 7.000đồng/ lít) nên người chăn nuôi bị lỗ, tỉ lệ tăng trưởng đàn bò rất thấp. Để tháo gỡ, một mặt bà cho mua máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng, mặt khác cho thu mua sữa tươi của nông dân giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập, hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kĩ thuật chăn nuôi, thiết bị bảo quản sữa… Công ty chịu giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò trong nước theo mô hình liên kết với người nông dân đã hình thành các trang trại từ Bắc vào Nam, nhiều trang trại đạt tiêu chuẩn Global (G.A.P). Vinamilk đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân có tay nghề cao.
Bà Mai Kiều Liên chia sẻ: “Trong hội nhập quốc tế, chúng tôi luôn cố gắng đi 2 chân thật vững chắc, chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế”. Năm 2005, lần đầu tiên thương hiệu Vinamilk đã chiến thắng áp đảo trên thị trường Iraq, vượt qua 15 hãng sữa danh tiếng trên thế giới để thắng thầu bằng lợi thế chất lượng các sản phẩm sữa, giá cả và uy tín với đối tác. Đến nay tại các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Australia, Ba Lan, New Zealand, khu vực Trung Đông, Đông Nam Á… sản phẩm Vinamilk đều được xuất khẩu trực tiếp bằng nhãn hiệu của mình với kim ngạch 3 triệu USD/năm. Thị trường trong nước với mạng lưới 200 nhà phân phối và 160.000 điểm bán lẻ phủ khắp 63 tỉnh, thành, sản phẩm Vinamilk chiếm 40% thị phần, doanh thu 1 tỉ USD/năm. Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao, thì từ năm 2011, Vinamilk đã có bước nhảy ngoạn mục ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Thương hiệu Vinamilk gắn liền với những hoạt động xã hội từ thiện. Là người Việt Nam duy nhất được nhận Giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 tại Nhật Bản, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã tuyên bố tặng số tiền thưởng 3 triệu Yên (tương đương 500 triệu đồng Việt Nam) cho trẻ em Nepal đang phải gánh chịu thảm họa động đất lịch sử thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) - Chương trình Quỹ học bổng “Vinamilk ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” đã phát động và duy trì từ năm học 2003- 2004. Đây là quỹ học bổng dành riêng cho học sinh tiểu học có thành tích xuất sắc trên toàn quốc, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty sữa Việt Nam - Vinamilk, “Tư lệnh” của 5.000 cán bộ, công nhân viên, chỉ huy 20 nhà máy và chi nhánh, nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á theo bình chọn của Tạp chí Forbes. Kênh thông tin Kinh tế và Tài chính Mỹ (CNBC) gọi CEO Vinamilk là “Nữ hoàng sữa”. Dù thành đạt trong sự nghiệp nhưng bà vẫn cố gắng thu xếp thời gian chăm sóc tổ ấm gia đình. Bà từng thổ lộ: “Tôi nghĩ người phụ nữ là bếp lửa hồng giữ hạnh phúc trong gia đình. Bạn hãy coi chừng, khi bếp lửa ấy nguội lạnh thì sự đoàn tụ ấy cũng mong manh”. Dù bận rộn đến đâu, bà vẫn giữ bữa cơm gia đình vào buổi tối hằng ngày. Bà Mai Kiều Liên thực sự là một phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, truyền thống và cũng rất hiện đại.
Lê Sỹ Tứ