Kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thẳng thắn nhận trách nhiệm, chỉ ra giải pháp căn cơ
Tin tức - Sự kiện 08/11/2019 09:04
5 giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện
Ở nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, các ĐB tập trung vào: Công tác quản lí, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lí thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lí cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Về giải pháp làm thế nào để bảo đảm đủ điện cung ứng cho sản xuất và tiêu thụ năm 2019 - 2020 trước nguy cơ thiếu trầm trọng hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, nước ta đang đứng trước nguy cơ không có nguồn điện dự phòng để cung ứng đủ nguồn điện, nguyên nhân chủ yếu là do: Điều kiện thời tiết bất lợi, mạng lưới sông hồ sản xuất thủy điện không đủ tích nước, nhất là nguồn than phục vụ sản xuất điện đang phải nhập khẩu lớn, trong khi các nguồn điện năng lượng mới chưa đáp ứng được yêu cầu cung ứng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng các đại biểu Quốc hội bên lề phiên chất vấn. |
Bộ Công Thương đang triển khai nhiều biện pháp cân đối cung cầu nguồn điện qua việc xây dựng 5 giải pháp tập trung: Huy động tối đa các nguồn công suất khác từ thủy điện; nghiên cứu đưa vào khai thác nguồn cung từ các hệ thống điện tái tạo, điện mặt trời, điện gió tại các khu vực có phụ tải cao, để kịp thời bổ sung nguồn điện tương đương khoảng 8.000 MW; thúc đẩy Tập đoàn Dầu khí mua khí nước ngoài để bổ sung nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất điện; điều hành linh hoạt thủy điện và phát triển bền vững các trung tâm năng lượng lớn trong nước; dự phòng phương án quy hoạch điện sơ đồ 8.
Thừa nhận sự chủ quan khi đánh giá về điện mặt trời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận trách nhiệm khi không có cái nhìn bao quát, chủ quan khi đánh giá về sự phát triển dẫn tới sự bùng nổ các nhà máy điện mặt trời. “Trong quá trình triển khai và một số tiêu chí kĩ thuật, vẫn còn nhiều lúng túng trong phối hợp giữa các bộ, kể cả Bộ Công Thương...”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Sẽ có Nghị quyết riêng về biên chế giáo viên
Ở nhóm vấn đề liên quan lĩnh vực Nội vụ, các ĐB đặc biệt quan tâm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng đào tạo thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Nhất trí quan điểm giảm biên chế không cào bằng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trình bày: Chỉ tiêu tinh giản biên chế không quy định cào bằng, mà giảm tổng biên chế trong địa phương và ngành quản lí. Như Bộ Nội vụ tăng biên chế 3 đơn vị và giảm 6 đơn vị. Tùy theo chức năng nhiệm vụ hằng năm mà điều chỉnh tổng biên chế tăng giảm, giao cho người đứng đầu quyết định chứ không phải Vụ nào Sở nào cũng giảm 2%. Điều chuyển cán bộ, để bảo đảm tổng biên chế không tăng. Đến năm 2021, khả năng giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp cơ quan hành chính là khả thi. Hai năm vừa qua, Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính, cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm, Bộ Tài chính cắt giảm về kinh phí chi thường xuyên 2%.
Riêng về biên chế cho ngành y tế và giáo dục, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là khoảng 1.800.000 người, giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỉ lệ rất lớn. Phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các ĐB nêu, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có nhân viên y tế để chăm sóc”, Bộ Nội vụ đã báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho các Bộ Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo xác minh cụ thể từng địa phương, đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế; kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù.