Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Kỉ cương, kỉ luật, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật
Tin tức - Sự kiện 31/05/2018 08:57
Theo đó, năm 2019 sẽ trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua 5 dự án luật, cho ý kiến 9 dự án luật tại kì họp thứ 7; xem xét thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 4 dự án luật tại kì họp thứ 8.
Về điều chỉnh chương trình năm 2018, sẽ rút khỏi chương trình 1 dự án là Luật Công an xã để nhập nội dung vào Luật Công an Nhân dân (sửa đổi); lùi thời hạn trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Bổ sung vào chương trình 10 dự án, dự thảo luật như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Quản lí thuế (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi)...
Nâng cao chất lượng xây dựng dự án Luật
Phát biểu thảo luận, đa số các ý kiến đánh giá quy trình lập pháp có những chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản được nâng cao, tính dân chủ, công khai, minh bạch được tăng cường, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí có những tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được xử lí triệt để.
Một trong những nguyên nhân hạn chế chính là phương thức và đối tượng lấy ý kiến vào dự án luật. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhấn mạnh, việc lấy ý kiến còn hình thức, đối tượng chưa đầy đủ, các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị phải phân tích nguyên nhân
của “quá tải” là thế nào? Chính phủ có giải pháp gì để xử lí vấn đề quá tải?
Vì vậy, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương tổ chức đánh giá khắc phục và thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét.
Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cũng cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ trách nhiệm của cơ quan đề nghị và soạn thảo dự án luật trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, cần sớm có hướng dẫn chi tiết, quy định rõ ràng chủ thể tiến hành lấy ý kiến và thể hiện rõ vai trò của các đại biểu Quốc hội trong quá trình lấy ý kiến để tránh hình thức như thời gian qua.
Để dự Luật hoàn chỉnh, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội đưa vào xem xét, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008. Bởi, luật này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp. Nhưng thực tế, do sự phát triển đã xuất hiện những loại hình phương tiện mới mà Luật chưa kịp điều chỉnh.
Quá tải trong xây dựng các dự án Luật và pháp lệnh
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho biết, nhìn vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 thấy rõ sự quá tải. Việc lập chương trình chưa sát thực tế nên tính khả thi chưa cao, một số luật đưa vào lại rút ra. Làm rõ ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu điều chỉnh quá nhiều và thường xuyên sẽ mất đi tính nghiêm túc. Tình trạng xin lùi, rút và bổ sung các dự án luật còn thường xuyên cho thấy Quốc hội cần nâng cao trách nhiệm của mình.
Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hạn chế yếu kém trong xây dựng dự án luật, tình trạng xin lùi, xin rút và trình chậm, hồ sơ chưa đầy đủ... và có sự quá tải. Thời gian tới sẽ chủ động rà soát và phân công triển khai sớm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Như vậy mới có được thời gian và thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015...
Trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn đề nghị khi Bộ trưởng đề cập vấn đề “quá tải” trong xây dựng luật, thì phải phân tích nguyên nhân của “quá tải” như thế nào? Chính phủ có giải pháp để xử lí vấn đề này? Đề nghị đánh giá lại đội ngũ chuyên trách và đội ngũ được phân công để dự thảo các dự án luật về số lượng, chất lượng, về kinh nghiệm và cả về trách nhiệm? Yếu tố chủ quan trong việc chậm và lùi này là rất quan trọng, vì vậy cần phải xem xét, đánh giá nghiêm túc để không đặt Quốc hội vào tình thế khó xử.
Hoàng Trang