Hoài niệm về Tết xưa, Tết quê
Xã hội 27/01/2025 08:00
Cái đẹp trong phong tục xưa
Thời điểm Giao thừa là qua giờ Hợi cuối tháng Chạp của năm cũ, sang giờ Tý thuộc tháng Giêng năm sau. Khoảnh khắc ấy người xưa thường gọi là đêm “Trừ tịch”. Theo nghĩa chữ “trừ” là trao lại chức quan; còn chữ “tịch” nghĩa là giữa đêm…
Người xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Thần Hành khiển trông coi việc dưới Trần, mỗi vị thần đều có tên và Vương hiệu riêng, cũng gọi Đương Niên Chi Thần. Mỗi Thần Hành khiển có thêm một phụ tá, tức Phán quan. Có tất cả 12 vị Thần Hành khiển ứng với thập nhị Chi, từ Tý đến Hợi. Hết một chu kì 12 năm thì quay lại từ đầu.
Thiên chức và quyền lực của Thần Hành khiển, Phán quan cực kì quan trọng. Trên thì quở phạt vua quan thiếu anh minh, dưới thì trừng trị thứ dân càn rỡ, bậy bạ. Nên bất luận sang hèn, giàu nghèo, đến giờ Hợi cũng đều sắp sẵn cỗ bàn, tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, chớm sang giờ Tý thì bưng mâm cỗ đặt trên sân hay trước cửa nhà, đốt đèn hương cúng tiễn Thần năm cũ, đón vị thần năm mới, nhằm cầu lành, tránh dữ.
Hết 3 nén hương, hạ cỗ, cả nhà quây quần ăn nhiều ít tùy tâm, cốt nghe ông bà, cha mẹ căn dặn những việc phải làm, những chỗ phải đi trong ba ngày Tết. Lệ xưa thường là:
Mùng một thì ở nhà cha
Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy.
Xong việc, mỗi người một tay lo rửa bát, quét tước sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, lau chùi bàn ghế, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng rồi mỗi người mới lo riêng sửa soạn quần áo tư trang tinh tươm, sáng mùng Một chỉ việc chọn giờ tốt xuất hành.
Không hiểu sao ở miền Bắc cỗ cúng giao thừa nhất thiết phải có con gà trống hoa, có năm giá gà trống choai đắt gấp đôi gà mái ghẹ. Trước lúc đi ngủ phải thịt thêm một con, bày bàn thờ, cúng mùng Một. Ý là kiêng ngày mùng Một đầu năm dính vào chuyện sát sinh phạm điều thiện.
Tết được gọi bằng nhiều tên: Có người nói Tết Ta, Tết âm để khỏi nhầm với Tết dương lịch; các cụ ở quê phía Bắc thì gọi là Tết Cả; người học chữ Nho thì gọi là Tết Nguyên đán.
“Tết” theo các nhà ngôn ngữ học là cách gọi biến âm từ chữ “Tiết”, chữ “nguyên” nghĩa là đầu tiên (mới nguyên), “đán” là buổi sớm. Tục lệ này nghe đâu đã có từ thế kỉ thứ I sau Công nguyên.
Các loại lịch như Chaldée, Hébreux, Ai Cập, Hy Lạp có nhiều điểm tương đồng với Tết âm lịch của ta và Trung Quốc. Từ xưa, các triều đại phong kiến nước ta đã lập tòa Khâm Thiên giám, xem thiên văn làm lịch tính số độ chuyển vận của các vì sao. Tháng khởi điểm của năm, chuôi sao Bắc Đẩu quay về phương Dần; đến tháng Chạp chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về phương Sửu.
Ngày thường trong nhà việc ai nấy làm, và vì bận rộn, ít quan tâm tới cái nhỏ nhặt của nhau. Ngày Tết thì khác, sáng mùng Một Tết ông đánh bộ vét, bà sán lại sửa giúp ông cái cà vạt cho chỉnh tề, bà bận áo dài, ông lại loay hoay cài giúp bà hàng khuy nách; con dâu chạy lại gỡ tóc hộ mẹ chồng; bố vợ nhắc chàng rể đánh giày, chải mũ…
Trang điểm xong, mọi người ngồi vào mâm, chờ bố mẹ mở hàng, nhấp chén rượu Xuân, con cháu vừa ăn điểm tâm vừa dỏng tai nghe phụ huynh căn dặn: Ngày Xuân, ngày Tết làm gì cũng phải nhẹ nhàng, tránh rơi vỡ, kị nhất vỡ gương, vỡ chén đĩa, không được gào to, không nói bậy; khi trẻ quấy khóc thì phải dỗ dành, chớ đánh mắng. Nhưng kiêng nhất trong 3 ngày Tết vẫn là nghiêm cấm quét nhà, đổ rác. Hỏi ra mới biết chuyện cũ truyền rằng: “Một nhà buôn giàu có, bận ấy tình cờ đi qua vùng hồ Thanh Thảo được thủy thần tiếp đãi tử tế, lại ban cho người hầu gái, đẹp như tiên sa, đủ tính hay, nết tốt, tên là Nhu Nguyên. Lúc chia tay, nhà buôn đập đầu lạy tạ thủy thần, rước cô gái về nhà nuôi nấng tử tế, quý hóa nâng niu.
Từ khi có Nhu Nguyên trong nhà, buôn bán làm ăn ngày càng phát đạt, của cải tài lộc chảy đến như nước, vinh hoa phú quý nổi tiếng trong vùng. Rồi một hôm đúng sáng mùng Một Tết, chẳng may Nhu Nguyên phạm chút lỗi nhỏ, phú ông nổi nóng lấy roi đánh đập. Cô khóc lóc xin tha, ông vẫn mắng mỏ, Như Nguyên tự ái chui vào đống rác biến mất.
Phú ông ăn năn thì sự đã rồi, sợ toát mồ hôi, cấm gia nhân quét nhà, hốt rác, hi vọng nàng hồi tâm quay lại. Chờ hết ngày này qua ngày khác, đống rác vẫn hoàn… đống rác”. Từ đó tục không quét nhà, đổ rác trong ngày đầu năm còn lưu truyền đến nay.
Điểm qua mấy lệ cũ, tuy là phong tục cổ truyền nhưng chứa đựng nhiều giáo lí sâu sắc, thiết nghĩ cũng cần được bảo tồn.
Tết quê một thuở...
Có lẽ, tôi là người hoài cổ nên thường cưu mang những điều thuộc về cũ xưa, coi như một phần kí ức bền sâu để mãi hoài khắc khoải. Đi chậm trong những ngày cuối năm, giữa tất bật xôn xao phố thị, mùi của Tết cũ, Xuân xưa bất chợt ùa về, òa vỡ trong tôi cả một trời thương nhớ...
1. Nỗi nhớ dẫn tôi về làng quê của ngày xa xưa ấy, nơi bắt đầu bằng những chộn rộn từ cuối Chạp. Dân làng đều chung tay góp sức tất bật dọn dẹp từng con đường, ngõ xóm, tân trang nhà cửa đón Tết. Tôi chợt yêu từng mái nhà thôn dã vừa được phủ lớp vôi trắng tinh tươm ngày giáp Tết, để thuộc và hiểu câu:“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mà bà tôi thường nhắc.
Nhớ vô cùng chợ quê ngày giáp Tết. Với nếp sinh hoạt thuần nông, chợ Tết quê xưa khá đơn sơ với từng lều sạp được dựng lên tạm bợ, bày bán la liệt những mặt hàng nông phẩm, thủ công “tự sản tự tiêu” của những người nông dân chất phác. Họ quẩy hàng đi chợ Tết có khi chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi hay buồng cau hái ở vườn nhà; người chăn nuôi được thì mang cặp trống thiến, vài con gà mái hoa bán để lấy tiền chi tiêu dịp thời giá đắt đỏ.
Cứ vào độ 25 tháng Chạp trở đi, tôi vẫn thường có thói quen theo chân mẹ đi chợ Tết. Chen lách qua những cành đào trơ mình chịu rét trong lấm tấm mưa phùn, bắt gặp những chú tò he lung linh sắc màu được tạo hình ngộ nghĩnh; những ánh mắt trẻ thơ vừa háo hức, vừa lạ lẫm được mẹ dắt đi giữa ồn ã tiếng chào mua. Nhiều người vẫn thường bảo, chưa đi chợ Tết quê là chưa hiểu hết Tết. Quả như vậy, đi chợ để vừa thăm thú thưởng ngoạn, vừa quan sát chiêm nghiệm mà nhận thấy hiếm có một không gian nào mà vị Tết hương Xuân lại tề tựu đủ đầy và vun thành một cảm thức Tết nồng nã đến vậy.
Tết quê xưa, từ trong kí ức ấu thơ, tôi thương đến nghẹn lòng nỗi nhọc nhằn, âu lo của mẹ cha hòa lẫn trong tiếng thở dài thành câu cửa miệng mỗi khi Tết đến: “Lại Tết rồi. Con nít thì mừng, người lớn thì lo”. Và rồi lại tìm thấy trong ánh mắt mẹ lấp lánh niềm vui khi cũng đắp đổi được bằng dăm cái bánh chưng, vài cân thịt cho con trẻ. Tôi yêu những món ăn dân dã từ nồi thịt kho tàu đẫy vị, hũ dưa món lạ miệng bắt cơm được bàn tay mẹ nâng niu, gửi gắm bằng cả ân tình.
2. Những ngày cuối Chạp, như một thói quen được lập trình, tôi chưa hề quên việc theo chân bố ra nghĩa trang sửa sang lại mộ phần ông bà, tỉ mẩn cắt tỉa từng đám cỏ, thay tro mới cho lư hương trên bàn thờ gia tiên... Những việc làm hiếm hoi mỗi cuối năm đều đặn lặp lại, song vẫn dậy lên trong tâm thức tôi bao xúc cảm thật khó gọi tên.
Thuở ấy, ngày giáp Tết, hàng xóm láng giềng vẫn duy trì thông lệ đánh đụng con bê, con lợn chia nhau ăn Tết. Đành rằng mỗi nhà có thể tự chủ động mua sắm, nhưng nét sinh hoạt này đã trở thành sợi dây gắn kết nghĩa xóm tình làng, giúp mọi người có dịp gần nhau hơn, nhỡ có xích mích gì cũng dễ dàng hỉ xả, như tâm niệm: “Giận gần chết ngày Tết cũng thôi”.
Chiều 30 Tết, mẹ thường chuẩn bị sẵn một nồi nước tắm được nấu bởi các loại cây mùi già, bạc hà, lá bưởi, khuynh diệp… để các thành viên tắm gội. Mẹ bảo, người xưa quan niệm ngày cuối năm được gột rửa bằng thứ “nước thơm” ấy sẽ giúp người người trút bỏ được những gì năm cũ còn sót lại, đặc biệt là những ước nguyện chưa tròn hay những nỗi muộn phiền còn lẩn khuất canh cánh trong tâm tư...
Những mùa Xuân cũ, quên sao được cảm xúc rưng rưng khi nhìn từng làn khói bếp mùa Xuân chầm chậm len bay trên mỗi mái nhà. Trong mái ấm đơn sơ ấy là sự quây quần xôm tụ bên mâm cơm đoàn viên để bao câu chuyện gần xa, vui buồn được tụ về nhỏ to san sẻ, để trả nợ lòng mình cho nhẹ nhõm, an yên.
Giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, cùng với sự tiện nghi, đủ đầy, nhiều giá trị và nếp sống cũ dần được thay thế. Tôi lại lục tìm trong kí ức mình để thương nhớ nôn nao khoảnh khắc ngồi trông nồi bánh chưng ùng ục reo sôi, thèm nghe một tiếng pháo Giao thừa rộn rã cả góc làng, bâng khuâng thả hồn theo một thoáng hương trầm khắc khoải như đang nhắc nhớ về cội nguồn, quê xứ…