Hậu Covid-19 đe dọa bất ổn xã hội ở Trung Quốc
Quốc tế 13/05/2020 10:19
Cú đánh tàn khốc của dịch Covid-19 và hậu quả dài lâu
Thành tựu tiến bộ xã hội ở Trung Quốc sau nhiều năm thực hiện giờ có nguy cơ tan thành mây khói, khi nước này phải vật lộn với hậu quả của đại dịch Covid-19, với mức độ thất nghiệp cao kỉ lục.
Trên khắp đất nước Trung Quốc không khó để bắt gặp cảnh tượng đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng gần các trường đại học do sinh viên vẫn chưa quay trở lại trường lớp. Thời hạn nối lại hoạt động sản xuất kéo dài mãi do nhu cầu trên thế giới suy giảm.
Lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, thị trường lao động Trung Quốc đối mặt với áp lực trên nhiều mặt trận. Nền kinh tế nước này trong quý 1 năm 2020 đã bị suy giảm lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua.
Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt kỉ lục
Trung Quốc về mặt lịch sử không xác định tỉ lệ thất nghiệp đối với những người tự kinh doanh và các công nhân di cư. Trung Quốc có 149 triệu người tự làm chủ và 174 triệu người đi làm thuê ở xa.
Hình ảnh minh họa về tình trạng thất nghiệp nặng nề do Covid-19 gây ra ở Trung Quốc. Tranh: Brian Wang |
Trước năm 2018, Bắc Kinh xuất bản các dữ liệu về số lượng người lao động ở thành thị đăng kí với chính quyền khi bị mất việc. Dữ liệu của giới chức địa phương loại trừ nhóm lao động nhập cư không sinh ra trong đô thị và do đó không được hưởng các phúc lợi xã hội tại đó. Để được tính là thất nghiệp, các đối tượng phải trong độ tuổi từ 16 đến 59.
Dữ liệu này được tách khỏi thực tế thị trường lao động tổng quát nên trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 dù 20 triệu lao động nhập cư bị thất nghiệp nhưng tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc gần như không thay đổi.
Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã sử dụng tỉ lệ thất nghiệp dựa trên điều tra hằng tháng làm chỉ dấu chính của mình. Dữ liệu tính đến tất cả các cư dân thường xuyên ở đô thị và không tính giới hạn tuổi phía trên.
Dựa trên điều tra xã hội thì tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5,2% vào tháng 12/2019 lên mức cao kỉ lục là 6,2% vào tháng 2/2020 khi đại dịch Covid-19 là nặng nề nhất ở Trung Quốc, trước khi giảm xuống mức 5,9% vào tháng 3.
Gói cứu trợ “không ăn thua”
Trung Quốc đã công bố gói hỗ trợ phúc lợi “khiêm tốn” nhằm giúp đỡ các công dân dễ bị tổn thương nhất, bao gồm công nhân nhập cư nhưng gói này hạn chế về quy mô và không thể bao quát số lượng lớn người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Không giống các nền kinh tế khác, Trung Quốc đại lục chưa thực thi kế hoạch bảo hộ lương trên diện rộng... như ở Anh, Singapore, hay Hong Kong, nên hầu hết công nhân bị cho thôi việc ở Trung Quốc đại lục không còn nguồn thu nhập.
Chỉ có 123 triệu người lao động di cư từ nông thôn là có khả năng quay trở lại công việc cũ ở đô thị trong quý đầu năm 2020, tức là giảm khoảng 20% so với năm 2019. Trong khi đó, 149 triệu người tự kinh doanh đơn lẻ, từ chủ các cửa hàng hoa quả rau củ gia đình tới các hàng bán đồ gia dụng, cũng bị giảm thu nhập trung bình là 7,3% trong quý I.
Tình cảnh thê thảm trong ngành du lịch, lưu trú và ăn uống
Theo một khảo sát của Hiệp hội Lưu trú Trung Quốc, doanh thu du lịch nội địa đã giảm 60% trong kì nghỉ lễ Quốc tế Lao động vào đầu tháng 5 so với một năm trước đó, còn doanh thu các nhà hàng giảm tới một nửa.
Nhiều doanh nghiệp ăn uống bắt đầu cung cấp dịch vụ “ship” hàng để bù lại thiệt hại do thiếu khách đến ăn trực tiếp nhưng hơn 45% đơn vị kinh doanh cho biết các đơn hàng vào tháng 4 vừa qua là thấp hơn cả tháng 2, cho thấy mức chi tiêu của thực khách đang phục hồi chậm chạp.
Nhìn tổng thể, doanh thu các nhà hàng chỉ mới hồi phục khoảng 60% cấp độ trước đại dịch Covid-19. Theo điều tra của Hiệp hội Lưu trú Trung Quốc, hơn 1/3 chủ nhà hàng đã đóng một số cơ sở của họ và 40% chủ nhà hàng buộc phải sa thải nhân viên.
Tình hình thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ nặng nề thêm khi năm nay nước này sẽ có 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.