Giải pháp vực dậy kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long
Kinh tế 28/09/2022 10:25
Điểm sáng kinh tế không đủ sức vực dậy
Điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông, thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.
Tuy nhiên, riêng ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng - đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là (-0,8%) và (-1,8%).
Hơn nữa, chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là hạn chế cơ bản khiến ĐBSCL thiếu sức hút với các nhà đầu tư.
Trong giai đoạn 2017 - 2021, ĐBSCL có tốc độ tăng doanh nghiệp trung bình thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 4,1%/năm. Đáng lưu ý, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của ĐBSCL có khởi sắc, song vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Lũy kế đến năm 2021, ĐBSCL chỉ chiếm 5% số dự án và 8% số vốn đăng kí FDI so với cả nước.
Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều thách thức. |
Ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của ĐBSCL nhưng chỉ thu hút được 1,7% số dự án và chưa đến 0,3% vốn FDI đăng kí của toàn vùng. Bức tranh kinh tế ĐBSCL còn nhiều thách thức, vốn đã tăng trưởng chậm lại từ trước năm 2019, kinh tế ĐBSCL phải chịu thêm “cú sốc” nặng nề từ đại dịch Covid-19. Do đó, tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,42% trong năm 2020 - thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước. Đến năm 2021 lại rơi tiếp xuống -0,43%, trong khi cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng +2,26%.
Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm, riêng ĐBSCL chiếm tới 6. Nguyên nhân chính do sự thiếu linh hoạt và đồng bộ về các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội giữa các địa phương đã gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cản trở khả năng tiếp cận của hàng hóa đối với TP Hồ Chí Minh, khiến gia tăng chi phí vận chuyển và logistics.
Giải pháp vực dậy vượt qua “vòng xoáy”
ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba “vòng xoáy” gồm: “Vòng xoáy ngân sách”, “vòng xoáy lao động” và “vòng xoáy cấu trúc kinh tế”.
“Vòng xoáy ngân sách” phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL. Do thiếu đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vừa thiếu, vừa yếu, vừa xuống cấp nên không thu hút được nhiều dự án đầu tư hiệu quả. Đây cũng chính là điểm khởi đầu của “vòng xoáy” thứ hai về lao động.
“Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ, làm suy giảm cả số lượng, chất lượng lao động của vùng.
“Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai “vòng xoáy” trên. Với sứ mệnh “an ninh lương thực”, ĐBSCL phải ưu tiên thâm canh, tăng vụ lúa. Mặc dù chính sách này đã giúp Việt Nam xóa đói, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng lại không giúp ĐBSCL trở nên thịnh vượng. Không những thế, chính sách này còn kìm giữ ĐBSCL trong các hoạt động nông nghiệp có năng suất, giá trị gia tăng thấp, cấu trúc chậm chuyển đổi.
Vì vậy, giải pháp vực dậy kinh tế vùng phát triển, các tỉnh trong khu vực cần hợp tác với nhau hiệu quả hơn để khuyến khích tạo ra lợi thế quy mô trong lĩnh vực hậu cần. Khu vực này cần xây dựng các cơ chế “tài chính xanh” và các cơ chế tài chính khí hậu, để đẩy nhanh và thu hút “tài chính xanh” cho nông nghiệp cũng như các dự án liên quan. Tài chính nước ngoài rất quan trọng, đặc biệt là khi đi kèm với công nghệ tiên tiến và thiết bị chính chưa sản xuất được ở Việt Nam.
Chính phủ có thể đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thị trường thứ cấp cho trái phiếu trong nước và các công cụ tài chính khác.
Khuyến khích các mô hình chuyển đổi nông nghiệp mới. ĐBSCL sẽ tiếp tục là nơi sản xuất gạo lớn, nhưng sẽ chuyển dần sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm cá, động vật có vỏ, sản phẩm tươi sống…
Cuối cùng, các tỉnh cần hợp tác cùng hành động để đạt được lợi thế quy mô trong đầu tư công, hậu cần, bảo tồn nguồn nước, kiểm soát lũ lụt, phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Ước tính từ nay đến năm 2030, cần ít nhất 57 tỉ USD để tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết cho vùng được xác định trong quy hoạch tổng thể. Với nhu cầu tài chính khổng lồ này, nguồn vốn công chỉ có thể đáp ứng được 21%, còn 79% sẽ phải đến từ các nguồn khác và tài chính tư nhân phải là nguồn đóng góp chính