Giấc mơ sâm từ những nhọc nhằn
Xã hội 26/05/2023 10:01
Mùa “thuốc giấu” ở rẻo cao
Tại lễ hội sâm Ngọc Linh vừa qua, hay trong những phiên chợ sâm tổ chức ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hằng tháng, khu trưng bày và giới thiệu sâm Ngọc Linh của huyện như những vườn sâm thu nhỏ. Bởi người dân từ các xã mang theo số lượng lớn sâm cây, lá sâm xanh mướt, sum suê phủ kín các gian hàng và khu trưng bày sâm. Già Hồ Văn Liêm, ở thôn 3, xã Trà Linh chia sẻ, ngày xưa trồng sâm như trồng lúa rẫy, không ai tính đến chuyện làm giàu nhờ nó cả. Bởi cây sâm được xem như những cây dược liệu khác. Một thời gian dài, mỗi kí sâm Ngọc Linh chỉ đổi được một chiếc quần đùi hay vài hộp diêm. Nhưng người Xê Đăng vẫn kiên trì vì họ rất coi trọng công dụng của “cây thuốc giấu” này. Từ năm 2000, cây sâm Ngọc Linh bắt đầu được biết đến nhiều hơn và giá trị cũng được nâng dần lên từ đó.
Nơi những vườn sâm, nhiều người đang biến giấc mơ tỉ phú thành sự thật. |
Kể từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016, cây sâm đã làm giàu cho bà con Xê Đăng. Mỗi kí sâm Ngọc Linh hiện nay có giá dao động từ 70 đến 190 triệu đồng, tùy theo độ tuổi. Đặc biệt một kí sâm Ngọc Linh củ tươi hàng 1 có giá từ 220 đến 250 triệu đồng. Nhờ giá bán cao như vậy, đời sống của hàng trăm hộ đồng bào Xê Đăng, Ca Dong ở huyện vùng cao Nam Trà My trở nên giàu có, hàng ngàn hộ đồng bào khác đã coi việc giữ rừng, trồng sâm là một nghề mới để vươn lên làm giàu. Từ đó, bà con nhận thấy giá trị từ rừng già và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bà con sống nhờ rừng, gắn bó với rừng, nay lại tìm cách giữ rừng thì còn gì mừng hơn.
Hoa nở tự rừng sâu
Quanh những ngôi làng trên đỉnh Ngọc Linh này, ông Nguyễn Văn Dũng, ở làng Kon Ping, thôn 2, xã Trà Linh, với hơn 30 năm trồng sâm được xem là một trong những người giàu có cả về kinh nghiệm và tài sản. Nhờ những vườn sâm hàng chục năm tuổi, ông Dũng giờ đã có 2 căn nhà tiền tỉ, lớn nhất làng Kon Ping, 3 chiếc ô tô và trở thành “đại gia” dưới chân núi Ngọc Linh. Hơn 30 năm ấy, ông Dũng và đồng bào ở đây trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc mà cây sâm Ngọc Linh mang lại. Những người trồng sâm sau này, số lượng sâm ít hơn, như vợ chồng chị Hồ Thị Long cũng có gia sản hàng trăm triệu đồng.
Bên trong chiếc chòi gỗ nhỏ cheo leo giữa rừng, vợ chồng anh Đinh Hồng Thắng, ở làng Tăk Ngo, thôn 2, Trà Linh cũng có nhiều khát vọng và tình cảm với rừng. Vợ chồng anh gắn bó với cái chòi đơn sơ để giữ gìn cây sâm quý và tận hưởng không gian yên bình giữa thiên nhiên hoang sơ, nơi anh xem là nhà. Trong vườn của anh Thắng, sâm có ở khắp mọi nơi. Ngoài trồng sâm trên đất, anh còn trồng trên những gốc cây gỗ mục, trên những tảng đá phủ đầy rêu, ở đâu cây sâm cũng sống, miễn bên trên có rừng.
Từ rừng, nhiều mầm sống được nảy nở, sinh sôi và phát triển. Chẳng phải nơi nào khác mà chính Ngọc Linh đã mang lại cho người dân xứ núi những thứ họ đang có. Sâm Ngọc Linh là tất cả đối với họ, còn rừng kia là tất cả những gì cây sâm quý cần. Người Xê Đăng hay Ca Dong xem núi Ngọc Linh là một phần trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và là nguồn sinh kế để họ có cái ăn, cái mặc. Người dân tự đặt cho mình trách nhiệm bảo vệ và sống hòa thuận với vùng núi thiêng này. Như một vòng tròn cộng sinh, tất cả cố kết lại với nhau dưới những tán rừng nở hoa đỏ rực. Nhiều người dân từ trước đến nay đều coi việc trồng sâm gắn liền với bảo vệ môi trường rừng, trồng sâm theo cách truyền thống, để cây sâm được phát triển một cách tự nhiên.
Để có được môi trường lí tưởng như đỉnh Ngọc Linh hiện tại, dân các làng ngoài việc giữ rừng còn phải cố gắng không tác động thêm đến sinh thái. Ngoài các vật liệu để làm rào bảo vệ vườn như lưới thép, số lượng nhỏ bạt để che chắn sương muối, mưa đá… thì hầu như người dân không xâm hại rừng, vì cây sâm rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Hàng ngàn ha rừng Ngọc Linh đang được đồng bào gìn giữ. Đối với họ, rừng như một vị thần che chở, ban tặng cho dân làng dưới đỉnh Ngọc Linh cuộc sống no ấm. Vì vậy, sống nhờ rừng, phải giữ rừng bền vững cho tương lai.