Du lịch sinh thái Tây Nam Bộ trở lại
Xã hội 03/11/2022 09:26
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho con người nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đưa đất nước phát triển nhanh chóng, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa là sự suy thoái môi trường sinh thái. Ở ĐBSCL, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến dạng sinh thái trở nên trầm trọng hơn. Nhiều khu công nghiệp mọc lên, chất thải chưa được xử lí đã ảnh hướng rất lớn đến môi trường, gây ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, vấn đề đô thị hóa ở ĐBSCL cũng tác động không nhỏ đến cảnh quan sinh thái. Mặc dù tỉ lệ đô thị hóa ở vùng này thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc, tuy nhiên quá trình này cũng làm biến đổi phần nào cảnh quan tự nhiên, thu hẹp những cánh đồng, cánh rừng, biến đổi vẻ đẹp tự nhiên của hệ thống sông ngòi vốn đã trở thành cảnh sắc đặc trưng của vùng sông nước.
Khi khí hậu biến đổi, nước mặn xâm nhập nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và phong cảnh thiên nhiên châu thổ. Hiện tượng này đã xóa sạch hoặc thu hẹp diện tích nhiều vườn tược xanh um trên mảnh đất đồng bằng, cây cối không thể ra quả được, năng suất giảm xuống.
Năm 2020, sự xâm nhập sâu của nước mặn đã khiến nhiều dòng sông miền Tây cạn nước, những cánh đồng nứt nẻ, khô khan, cây lúa không thể phát triển được. Hạn mặn không chỉ khiến đời sống con người khó khăn điêu đứng mà còn làm cho sinh thái châu thổ bị biến dạng, du lịch sinh thái trì trệ. Bên cạnh đó, sự tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều khu du lịch sinh thái đã đóng cửa, một số ít phục hồi được, một số đã xóa tên. Ví dụ điển hình là những vườn dâu da ở Cái Tàu (U Minh, Cà Mau), vườn dâu Hạ Châu ở Phong Điền (Cần Thơ). Trước đây, hai địa điểm này nổi tiếng với những vườn dâu thường mở cửa đón khách du lịch vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm. Tuy nhiên, một thời gian dài nước mặn tràn vào, xâm lấn, những vườn dâu ở Cái Tàu (U Minh, Cà Mau) èo uột, không thể ra quả, nhiều nhà vườn đã bất lực đóng cửa vườn dâu, thậm chí phá vườn, cuốc đất làm vuông nuôi tôm để cải thiện kinh tế.
Phục hồi du lịch sinh thái cơ hội để quảng bá văn hóa vùng miền
Trước thực trạng suy thoái và biến dạng môi trường sinh thái, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã tiến hành cải tạo lại môi trường cảnh quan, nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch sinh thái nhằm quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng miền, đồng thời đẩy mạnh vấn đề bảo vệ môi trường, những cảnh quan tự nhiên mang đặc trưng của đồng bằng châu thổ.
Cần Thơ - đô thị sông nước, thành phố duy nhất trực thuộc Trung ương của ĐBSCL chú trọng du lịch sinh thái, quảng bá văn hóa bằng nhiều hình thức. Có thể kể đến những lễ hội lớn diễn ra tại thành phố này như: Hội bánh dân Nam Bộ (4/2022), Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (7/2022) giới thiệu văn hóa sông nước, đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực... vùng miền đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Cần Thơ còn tiến hành phục hồi hoặc đầu tư hơn vào những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Đề, Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Bình Thủy)... Tại đây, du khách có thể tham quan cảnh sắc trù phú mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước, thưởng thức những món ăn đậm đà phong vị vùng miền hoặc trực tiếp trải nghiệm bơi xuồng, bắt cá, nấu ăn, làm bánh, hái trái cây... hòa nhập vào không gian Nam Bộ giàu truyền thống văn hóa.
An Giang cũng là tỉnh đi đầu trong việc phát triển du lịch sinh thái, hướng tới sự bền vững. Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên, An Giang) là một trong những địa điểm du lịch thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến tham quan, nhất là khi An Giang vào mùa nước nổi. Các điểm tham quan được bố trí rộng khắp, như: Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) với những cánh đồng sen và loài sếu đầu đỏ quý hiếm, Khu du lịch Cánh đồng bất tận (Long An), Vườn quốc gia U Minh Hạ hay Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (Cà Mau). Đó là những điểm du lịch vốn đã nổi tiếng từ trước.
Những năm gần đây, nhiều khu du lịch sinh thái có quy mô nhỏ hơn cũng được dựng lên, tái hiện cảnh đẹp và văn hóa của vùng đất Nam Bộ xưa. Có thể kể đến phim trường Căn nhà màu tím, Green Village Mekong, Vườn sinh thái Xẻo Nhum tại Cái Răng, Vườn ca cao Mười Khương tại Phong Điền, Cần Thơ; Khu du lịch sinh thái Hoa Rừng, Hương Tràm, Vườn dâu Út Thặng, Vườn nhãn Mười Sử tại U Minh, Cà Mau; Khu du lịch sinh thái Cù Lao An Bình, Nhà xưa, Sala, Sông quê, Vườn trái cây Tư Hiền... ở Vĩnh Long và nhiều địa điểm khác.
Du lịch sinh thái chưa bao giờ là lỗi thời, lạc hậu. Riêng ĐBSCL, với hình thức du lịch sinh thái, chắc chắn vùng sông nước trù phú này sẽ còn phát triển hơn nữa và đạt được mục tiêu lớn lao: Gìn giữ, bảo tồn cảnh sắc và giá trị văn hóa châu thổn