Hari Won gia nhập “Về quê làm giàu” chặng 2

Xã hội 02/01/2023 07:00
Dạo đó tôi có viết một vài bài về cuộc đời của Lãnh binh Mai Lượng, cố nội của Mai Xuân Vĩnh. Cùng ngồi trên một chiếc thuyền đi viếng lăng mộ của Lãnh binh ở bờ Nam Rào Nan, tôi đề nghị được viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ông nói đó là một gợi ý rất hay. Thế rồi, đúng 1 năm sau (năm 2011), ông gọi điện và gửi tặng tôi cuốn hồi kí Miền sóng vỗ, do đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc thể hiện.
Cuốn hồi kí dày gần 400 trang, gồm 7 chương. Mở đầu chương Quê hương và tuổi thơ. Theo lời kể của bà bác Mai Thị Nha, ông sinh ngày 15/4/1930, nhằm 17/3 năm Canh Ngọ, nhưng khi đi học lại khai sinh năm 1931. Từ đó trong lí lịch của ông ghi sinh năm 1931.
![]() |
Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh |
Thời còn học tiểu học, ông sống với người ông nội Mai Xuân Đóa, được nghe ông nội kể về sự nghiệp bi tráng của cố nội, Lãnh binh Mai Lượng. Lãnh binh đã sát cánh cùng các thủ lĩnh Cần Vương, như Đề đốc Lê Trực, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đàm, Đoàn Chí Tuân, Nguyễn Phạm Tuân, ông Tham La Hà, Lê Mô Khởi, v.v, bảo vệ vua Hàm Nghi.
Trong chương “Chặng đầu thời quân ngũ”, phát huy truyền thống anh hùng của cha ông, từ một Trung đội trưởng, Đại đội 88, Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, ông đã tỏa sáng những phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong trận chống càn “châu chấu” (Operation Sauterelle) và cuộc hành binh “Cá sấu” (Onperation Caiman), ông đã đưa được 8 chiến sĩ trong đó có 2 thương binh nặng và dân ra ngoài vòng vây của địch. Với hành động dũng cảm, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, năm 2017, ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Tháng 6/1961, ông được cử đi học khóa đào tạo Sĩ quan chỉ huy Hải quân ở Liên Xô và “trở thành người lính biển”. Đây là chương ông dành nhiều tâm huyết nhất trong tác phẩm. Ngôi trường đầu tiên mà ông học là Trường Hải quân Ki- rốp, ở thủ đô Ba-cu, thuộc nước Cộng hòa A-déc-bai-gian hiện nay.
![]() |
Học chưa hết khóa thì năm 1964, tất cả học viên Việt Nam có lệnh trở về Tổ quốc. Đứng trước nguy cơ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại hoàn toàn, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn quyết định đưa quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trung tuần tháng 4/1964, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam. Trong tháng 7/1964, tàu khu trục Ma-đốc đã nhiều lần xâm phạm lãnh hải của ta. Ngày 2/8/1964, chúng bị tàu phóng lôi của ta đánh đuổi.
Ngày 5/8/1964, không quân Mỹ mở cuộc tập kích vào lực lượng hải quân của ta từ Hòn Gai, Bãi Cháy đến Lạch Trường, Cửa Hội, sông Gianh,... Cùng với lực lượng phòng không, Bộ đội Hải quân Việt Nam đã kiên cường đập tan cuộc tập kích của đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác. Từ đó, ngày 5/8/1964 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Năm 1967, ông Mai Xuân Vĩnh là đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 ra đa bờ biển, trực thuộc Phòng Thông tin ra đa của Quân chủng. Tiểu đoàn có 5 trạm ra đa rải dọc bờ biển từ Nghệ An đến Vĩnh Linh.
Trong các năm 1967-1968, thực hiện chiến dịch “Rồng biển”, địch cho các tàu tuần dương, khu trục hạm, Niu-poc-niu,
Can-be- ra, kể cả thiết hạm Niu-giơ-đi trang bị pháo 406 li bắn vào các khu vực ven biển từ Vĩnh Linh đến Ninh Bình. Ngày 25/10/1967, các đại đội ra đa 530, 540 đã chỉ mục tiêu cho lực lượng pháo binh Quảng Bình, Vĩnh Linh bắn cháy 2 tàu khu trục Men-xphin và Uốc-cơ của Mỹ.
Đêm 21/1/1968, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn, đánh đòn nghi binh trước Tết Mậu Thân (1968) 10 ngày. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và những kẻ cầm đầu nhà trắng bị lạc hướng. Chúng dồn hết tâm trí và lực lượng vào Khe Sanh để không trở thành một Điện Biên Phủ mới. Đúng vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam. Quân giải phóng tiến công 4 thành phố, 37 tỉnh lị, hàng trăm huyện lị trên khắp miền Nam. Lúc này địch đem máy bay B52 ra miền Bắc rải thảm xuống các tuyến đường giao thông. Một số nơi như Vinh (Nghệ An), thị xã Đồng Hới, thị trấn Ba Đồn, Cảng Gianh (Quảng Bình) bị bom Mỹ cày đi xát lại. Những quả thủy lôi nặng từ 500 kg đến 1.000 kg dùng để đánh tàu khu trục, ông cho phân tán ngụy trang kĩ dọc bờ sông. Máy bay địch đánh trúng sở chỉ huy của tiểu đoàn ở rừng (Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, tỉnh quảng Bình), nhưng nhờ công sự vững chắc nên không ai bị thương vong. Lúc đó ông làm mấy vần thơ mộc mạc: “Xẻ giữa rừng xanh mấy nóc nhà/ Mà cho giặc Mỹ cố tìm ta/ Ung dung ngồi mát bên bờ suối/ Nào khác lầu cao những mấy tòa”. Tiểu đoàn 8 vẫn bám trụ không để sót lọt mục tiêu tàu địch ra vùng biển Quân khu 4.
Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân làm choáng váng cả lầu năm góc lần tòa bạch ốc, buộc chính phủ Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri. Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ phải bỏ dở kế hoạch phản công chiến lược lần thứ Ba. Bố trí chiến lược của chúng bị đảo lộn và lùi dần vào thế phòng ngự. Đây là thất bại lớn về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Phối hợp với tiền tuyến lớn anh hùng, Tiểu đoàn 8 ra đa căng những “con mắt thần” từ Nghệ An đến Cửa Việt, thông báo kịp thời, chính xác vị trí tàu địch để các đơn vị pháo bảo vệ bờ biển Quân khu 4 nổ súng tiêu diệt. Các đơn vị Hải quân, bộ đội pháo mặt đất, các đơn vị Quân khu 4 đã bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ. Ngày 1/11/1968, Tổng thống Giôn -xơn phải xuống thang tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tận dụng cơ hội này, chiến dịch vận tải VT5 - Tất cả cho tiền tuyến bắt đầu. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức các cơ quan, xí nghiệp, lực lượng Tổng cục Hậu cần, Đoàn 559, Quân khu 4 đồng loạt ra quân, bốc vác vận chuyển hàng hóa cho chiến trường. Tiểu đoàn 8 ra đa có nhiệm vụ bảo vệ các tàu thuyền vận tải bằng cách quan sát nắm tình hình mặt biển thông báo kịp thời để phòng tránh tàu địch. Các trạm ra đa phía Nam Quân khu 4 còn hiệp đồng tác chiến với Trung đoàn 126 Đặc công Hải quân chiến đấu ở khu vực Cửa Việt (Quảng Trị).
Ngày 26/7/1969, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Tiểu đoàn sông Gianh, trên cơ sở nâng cấp Tiểu đoàn 8 ra đa, do đồng chí Trần Châu làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Mai Xuân Vĩnh làm Tiểu đoàn phó tăng cường hoạt động trên biển. Lúc này, các đội tàu tuần tiễu ngày đi ẩn nấp, ban đêm ra biển phục kích tàu chiến địch. Quân và dân các xã Quảng Minh, Quảng Sơn (Quảng Trạch, nay là thị xã Ba Đồn) đã đào những con lạch vào bờ sông để các đội tàu tuần tiễu ban đêm ra biển tuần tra, ngày về neo đậu dưới các lùm tre.
Đầu năm 1971, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh ra đường 9 - Nam Lào với ý đồ triệt phá kho tàng dự trữ chiến lược, cắt đứt tuyến chi viện 559. Tiểu đoàn sông Gianh đã đánh chặn các tàu cao tốc Vơ-đét PT và PTE của Hải quân ngụy Sài Gòn tung ra miền Bắc hòng tập kích các mục tiêu quân sự của ta dọc bờ biển. Ngày 20/2/1971, phát hiện được 4 tàu biệt kích có tốc độ cao đi ra khu vực Ròn (Quảng Trạch, Quảng Bình), 2 tàu tuần tiểu VT113 và VT114 phục kích đón đánh khi chúng trở về. Nhưng chỉ một mình tàu VT113 gặp địch. Tàu VT113 đã bắn bị thương chiếc đi đầu. Ba chiếc còn lại bỏ chạy nhưng vẫn nổ súng về phía tàu VT113 làm 2 chiến sĩ hi sinh. Nhưng cũng từ đó tàu biệt kích giảm dần hoạt động ở vùng biển của ta.
Để ngăn chặn nguồn tiếp tế bên ngoài vào nước ta, ngày 5/4/1972, Mỹ điều 1 tuần dương hạm và 4 tàu khu trục đến hoạt động trên vùng biển Quảng Bình. Giặc Mỹ tiến hành ném bom miền Bắc lần thứ 2. Mai Xuân Vĩnh lúc này là Chỉ huy trưởng Hải quân Khu vực 4. Ngày 19/4/1972, các trạm ra đa phát hiện 2 tàu khu trục địch đi song song vào Nam cách bờ biển Lý Hòa 5 km. Tại Sở Chỉ huy K4, ông ra lệnh cho 2 trạm ra đa 535 và 53 bám sát mục tiêu. Được Sở Chỉ huy dẫn đường, Biên đội MiG-17, do hai phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) cất cánh từ sân bay Gát (Bố Trạch) công kích, bốn quả bom 250 kg ném xuống 2 chiếc tàu địch. Địch thú nhận: Hai tàu hư hỏng nặng, trong đó, tàu Hegbee bị hỏng rất nặng.
Đầu tháng 5/1972, hoạt động trinh sát của máy bay địch dọc tuyến biển, cửa sông tăng lên gấp 4 lần tháng trước. Ngày 4/5/1972, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn phiên họp của Hội nghị Pa-ri. Ních-xơn tuyên bố “hành động quân sự có tính chất quyết định”, ra lệnh thả mìn phong tỏa các cảng và vùng biển miền Bắc. Suốt ngày đêm máy bay và tàu chiến địch tìm cách đánh các tàu thuyền chuyển tải của ta vào chiến trường Trị Thiên. Có ngày chúng sử dụng hơn 300 lần chiếc máy bay ném bom địa bàn Quân khu 4. Chúng bắn hàng ngàn quả đạn pháo vào Quốc lộ 1 và tuyến đường ven biển.
Lúc này lực lượng Hải quân Khu vực 4 có một đại đội công binh rà phá thủy lôi của địch trên biển. Đơn vị đã dùng ca nô phóng từ rà quét phá thủy lôi, từ trường để tàu thuyền ta chở gạo vào bờ an toàn. Mặt khác K4 quyết định dùng 2 tàu gỗ 36, 37 cải trang dưới dạng tàu đánh cá để thả thủy lôi trên vệt đi của tàu khu trục địch. Bản thân Mai Xuân Vĩnh đã trực tiếp chỉ huy bố trí việc thả thủy lôi. Mỗi khi tàu xuất phát, ông đều đến kiểm tra và dặn dò rất cẩn thận. Một hôm, nghe một tiếng nổ to từ phía biển, ông ra lệnh cho trạm ra-đa 530 mở máy quan sát thì thấy chiếc tàu khu trục bị trúng thủy lôi. Tàu khu trục có tên là “Oa-sinh-tơn DD843” phải kéo về Su-bic (Philippines), bị loại khỏi vòng chiến đấu. Một thời gian ngắn sau, tàu khu trục “Giô-dép-Xtơ-rao DDG16” cũng bị thương nặng.
Sau ngày tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (23/10/1972), chúng lại tập trung đánh phá địa bàn Quân khu 4. Lực lượng phòng không K4 hợp đồng với lực lượng pháo cao xạ trên bộ bắn rơi nhiều máy bay giặc Mỹ. Ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ tập trung vào canh bạc cuối cùng tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng. Tiểu đoàn Sông Gianh đã hợp đồng tác chiến chia lửa với Thủ đô. Cùng với cả nước, quân dân Hà Nội đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không. Chính quyền Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom, bắn phá, phong tỏa miền Bắc. Thế nhưng, trước khi tuyên bố ngừng ném bom 15 ngày, chúng đã dùng máy bay B52 ném bom rải thảm xuống làng Thọ Linh của Mai Xuân Vĩnh. Vào lúc 17 giờ, bà con đang ăn cơm tối, trận bom tàn khốc đã giết chết 105 người và làm bị thương 109 người.
Đọc Miền sóng vỗ ta bắt gặp những trang viết rất xúc động về tình cảm đồng đội, gia đình, quê hương làng xóm. Ông viết: “Có một lần tôi về thăm nhà, đang đêm máy bay Mỹ ném bom vào xóm tôi, lửa đang cháy nhà hàng xóm. Chưa kịp nói gì đã thấy nhà tôi vơ lấy cái túi cứu thương, trời tối đen, chạy vội đến chỗ bị ném bom để làm nhiệm vụ cứu thương mặc cho các con đang đòi khóc mẹ”. Viết đến đây, giọng ông chùng xuống nghẹn ngào, ông thương vợ, thương con, cảm thông với những người phụ nữ Việt Nam thời lửa đạn. Ông nói: “Liên tưởng những cảnh đó, tôi vừa thương nhà tôi, vừa cảm phục những người phụ nữ Việt Nam. Không những đảm đang việc nhà mà còn không quản ngại bom đạn nguy hiểm, tích cực phục vụ công việc tập thể trong thời buổi chiến tranh có chồng là bộ đội”.
Cuốn hồi kí đầy ắp những sự kiện nóng bỏng, vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có giá trị văn học. Với lớp độc giả như chúng tôi, đã từng chứng kiến những trận pháo kích của Hạm đội 7 vào làng, những trận bom B52 rải thảm xuống tuyến đường Bến Mới, Ba Trại,… mới thấy những trang viết của ông rất chân thực và sinh động. Tôi đã chứng kiến trận bom B52 ngày 2/1/1973 ở làng Thọ Linh. Mấy ngày sau, mỗi khi đi học qua làng ông, tôi vẫn còn thấy những đoạn ruột, những mảng tóc người vương vãi trên ngọn cây. Nhớ những người bạn cùng trường, cùng lớp với tôi ở Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch bị thương, bị chết mà tim mình đau nhói.
Cuốn Miền sóng vỗ là một thiên trần thuật có sự giao thoa, giao cảm giữa người đọc và tác giả rất cao. Những trang viết của ông đã chạm vào lịch sử. Đọc đoạn ông viết về Chiến dịch Hòn La, tôi như thấy những thước phim quay chậm ngày nào đứng trên đỉnh núi Ba U nhìn về hòn Nồm, hòn La thấy từng đoàn máy bay trực thăng giặc Mỹ rà sát mặt biển để bắn chìm các bao gạo. Những ngày đó, người dân cả làng tôi, huyện tôi, cả tỉnh Quảng Bình lấy những bao gạo bị ngâm nước biển về ăn, dành những hạt gạo khô trong bồ, trong chum của mình gửi ra tiền tuyến.
Miền sóng vỗ được sắp xếp các sự kiện một cách khoa học, lôgich theo thời gian, đặc biệt là nghệ thuật tự sự đã thu hút người đọc say đắm. Các tình tiết được trần thuật một cách khách quan gây được lòng tin tuyệt đối với độc giả. Sự luân chuyển điểm nhìn khiến câu chuyện quá khứ không bị đơn điệu, nhàm chán.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Mai Xuân Vĩnh giữ nhiều vị trí trọng trách trong Quân chủng Hải quân. Năm 1994, ông được phong quân hàm Phó đô đốc (Trung tướng), giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong việc tranh chấp vùng đặc quyền lãnh hải, ông đã chỉ đạo lực lượng Hải quân mềm dẻo, nhưng cương quyết, khôn khéo không được để mất một tấc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.