Cuộc hội ngộ bất ngờ
Nhịp sống văn hóa 02/06/2020 10:42
Đó là câu chuyện của ông Lê Quang Truyền sinh ngày 10/5/1949, tại huyện Kiến An, TP Hải Phòng. Năm 1966, ông Truyền nhập ngũ và đóng quân tại nhà bà Liên, ở thôn Xuân Dương, xã ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Trong sống trong nhà bà Liên, ông Truyền xem bà Liên chẳng khác nào chị ruột trong nhà. Bởi bà Liên rất tình cảm và thương những người lính trẻ. Mỗi khi đi tập hoặc đi dã ngoại, bà lại làm cơm nắm hoặc nấu xôi và những món ăn ngon cho tốp lính trẻ tiểu đội mang theo. Bởi bà Liên ngày ấy cũng có chồng vào Nam chiến đấu từ năm 1964 mà chưa biết tin tức gì cả. Vì vậy bà Liên đã chuẩn bị một bức thư dài và vài tấm ảnh hồi vợ chồng mới cưới nhau để nhờ ông Truyền đưa cho chồng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Đ/c Lê Quang Truyền người bên trái cùng đồng đội |
Ông truyền kể: "Một người đang chiến đấu ở miền Nam từ năm 1964, còn người năm 1966 mới nhập ngũ nhận mang bức thư tìm người ngoài mặt trận thì khác gì mò trăng dưới đáy giếng. Ròng rã hơn 3 năm trời lá thư và mấy tấm ảnh cứ nằm trong ba lô được gói kĩ trong bọc nylon mặc dù mưa có lúc ướt quần áo, tư trang xong bức thư không thể ướt. Có lúc bị thương tưởng chừng có thể không qua khỏi, song bức thư luôn trong túi áo của tôi chứ không rời xa lúc nào. Rồi thật tình cờ năm 1971 sau hơn 5 năm chiến đấu gian khổ, tôi bị thương và được đưa vào Bệnh viện K93. Trong đợt đó được nằm chung hầm chữ A, tôi nằm chung hầm với một người lính nói tiếng Bắc. Cứ thế hai người lính thủ thỉ tâm sự thâu đêm về các trận đánh vừa qua, rồi hỏi thăm tới quê quán.
Trong đêm tối ngủ chung hầm thế mà lời nói, cử chỉ hình như gặp được nhau lâu rồi, càng nghe anh kể càng mơ màng về bức thư mà chị Liên đã gửi. Khi tôi hỏi về quê quán thì anh trả lời không sai một từ nào cả, vì vậy tôi mới nói với anh hãy thắp đèn dầu lên ngay lúc đó tôi liền lao khỏi võng tới bên và ôm chầm lấy anh mà nước mắt lưng tròng: "Anh Hoa, anh có phải anh Hoa thôn Xuân Dương, xã ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng là chồng của chị Liên không?". Anh Hoa cũng không cầm được nước mắt, cũng ghì chặt lấy tôi tình cảm của 2 người đồng chí, 2 người bạn, 2 người anh em. Sau phút cảm động đã qua tôi với tay kéo chiếc ba lô của mình và móc trong ví ra một bức thư đã nằm trong túi tôi hơn ngàn ngày cho đến hôm nay tận tay giao cho chủ của nó được nhận. Quả thực đêm đó hai anh em tôi không sao ngủ được. Riêng anh Hoa thì cứ coi bức thư thâu đêm suốt sáng. Ngay lúc đó tôi muốn hét lên rằng: “Chị Liên ơi! Em đã gặp được anh, em đã làm tròn bổn phận của một người em hơn 1000 ngày rồi, đúng là quả đất xoay tròn sẽ được gặp nhau”.
Năm 1976, ông Truyền bị thương và bệnh sốt rét mãn tính, vì thế đơn vị cho ra quân. Còn ông Hoa là sĩ quan chỉ huy cho nên phải ở lại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để nhận Chỉ thị mới. Một lần nữa ông Truyền lại cầm thư và hàng hóa mà anh Hoa gửi về nhà cho bà Liên và gia đình. Nào sườn xe đạp Inox, nào búp bê, nào bột ngọt, nào hạt tiêu. Ông Truyền nói: "Thấy tôi mang quà của anh Hoa mà không có anh Hoa thì ai nấy đều sụt sịt, mắt ai cũng cay cay. Còn chị Liên vợ anh Hoa chỉ đứng ôm cột nhà ngóng ra ngoài không nói lời nào bởi ai cũng tưởng anh Hoa đã mất. Để xóa cái không khí ảm đạm đó, tôi nói to: Không sao đâu bà con ơi, chị Liên ơi. Anh Hoa còn sống và rất mạnh khỏe, anh là sĩ quan trung cấp nên phải ở lại làm nhiệm vụ mới, một thời gian sau sẽ về. Cả nhà ra nhận quà, thư và ảnh của anh đi. Lúc đó chị Liên mới chạy ra cầm bức ảnh rồi khóc một cách vui sướng. Sau khi đọc thư thì cả họ, cả làng ai cũng vui cười và lao vào ôm tôi đến nghẹt thở".
Ông Hoa và bà Liên nay đã gần 80 tuổi rồi, ông Truyền cũng đã về hưu, hai vợ chồng sống hạnh phúc cùng con cháu tại quê nhà.