COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh
Y tế 17/01/2024 15:46
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Ảnh minh hoạ |
Trong nước, tại khu vực miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng…và một số bệnh có vaccine dự phòng tiếp tục ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Thời gian tới là dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 5/1/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán 2024, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết.
Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus.
Các đơn vị chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ".
Các Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở: GD&ĐT, NN&PTNT, Công Thương phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động như vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học. Cùng với đó là thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để, phòng chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, phối hợp với Sở TT&TT, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện việc trực 24/24h trong thời gian nghỉ Tết Giáp Thìn 2024; thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định và vận động, huy động các nguồn lực hợp pháp thực hiện đầy đủ các chế độ khuyến khích, động viên cán bộ y tế trong dịp Tết nguyên đán, nhất là cán bộ tham gia trực Tết.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian nghỉ Tết.
Tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số mắc tăng 2.4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả. Hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Không ghi nhận các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A. |
Tạm thời cho thôi làm nhiệm vụ tại đội tuyển thể dục dụng cụ nữ quốc gia đối với 2 HLV Sáng 16/1, Cục Thể dục thể thao đã có buổi làm việc với Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Phòng Thể ... |
Lionel Messi giành FIFA The best 2023 Đêm qua và rạng sáng 16/1, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã công bố các giải thưởng của năm tại London (Anh). Giải ... |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy tại phố cổ Hà Nội Ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 05/CĐ-TTg liên quan đến việc điều tra, làm rõ nguyên nhân ... |