Con ơi đừng khóc
Tin tức 16/03/2018 11:23
Con ơi!
Đừng khóc!
Mẹ đã phải cố gắng lắm mới kìm được những suy nghĩ trên, để nó không bật lên thành tiếng. Vì lúc đó con sẽ biết, mẹ đang ngồi trốn trong một cái buồng vệ sinh. Còn con lại đứng soi gương tại cái bàn trang điểm, nằm ngay cạnh cửa ra vào. Qua tấm gương mẹ thấy, cặp mắt của con đã ứa lệ. Lúc bấy giờ chỉ cần một tác động nhỏ, dòng nước mắt kia sẽ tuôn ra, không gì ngăn lại được. Mà mẹ lại không muốn điều ấy xảy ra, trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học của con!
Cho dù mẹ mong mỏi phút giây này từ rất lâu rồi! Mẹ cũng đã phải dũng cảm lắm, mới đủ sức vượt qua quãng đường đèo núi gập ghềnh gần 300km. Đối với nhiều người, khoảng cách ấy chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng với mẹ, nó chẳng dễ dàng gì! Bởi con biết đấy! Mẹ là người ngồi ở một chỗ, chỉ nhìn thấy cái xe ô tô chạy qua là đã say nôn nao rồi! Vậy mà lúc tới nơi, lại tắt ngấm ý định gặp con.
Con từng trách: Mẹ là người sắt đá và chỉ biết làm phiền con.
Lúc con còn quẫy đạp trong bụng, mẹ đã xoa xoa trách: “Mày chỉ biết làm đau mẹ thôi!”. Khi sinh con, mẹ đã cào cấu rồi la hét thật to như một kẻ khùng vì phải chịu đựng cơn đau dai dẳng quá mức.
Dạo con ba tuổi, thấy các anh chị trong xóm chơi rước đèn Trung thu. Con đã bỏ dở bữa ăn, vội chạy ra xem lúc đám rước đi qua. Mẹ đuổi theo, ép bắt con nuốt bằng được thìa cơm cuối cùng. Bấy giờ con đã la hét: “Tại sao mẹ cứ làm phiền con vậy?” Mẹ cũng hay mang con ra so sánh với những đứa trẻ khác. Nào là: Con nhà ai sao mà xinh và ngoan thế kia không biết! Cái B, con cô C học giỏi nhưng lễ phép ghê. Gặp người lớn là mở miệng chào thật tươi… Hoặc lấy ba mẹ ra làm khuôn mẫu, yêu cầu con phải noi theo: “Ngày trước ba mẹ nhà nghèo, bằng tuổi con phải vừa làm, vừa học. Ăn còn thiếu, lấy đâu ra đồ chơi. Quần áo duy nhất có một bộ lành lặn. Vậy mà ba, me lại luôn nằm trong tốp đầu của lớp học…”. Cái sự “phiền” ấy ngày càng tăng theo độ tuổi của con. Chắc nó làm con khó chịu lắm nhỉ? Nhưng bù lại, mẹ luôn cố gắng chẳng bao giờ để con thua chúng bạn về mặt vật chất cả. Con chỉ kém các bạn mỗi một điều, đấy là không có ba sống cùng. Mẹ và ba con đã có một thời ngập tràn hạnh phúc. Cho dù quãng thời gian ấy quá ngắn ngủi. Ba mẹ chỉ sống cùng nhau được có ba ngày sau khi làm đám cưới! Rồi, ba nhận được lệnh hỏa tốc phải cùng đơn vị có mặt làm nhiệm vụ ở Gạc Ma. Một địa danh bé tí xíu, mẹ từng chỉ cho con trên bản đồ ở ngoài Biển Đông ấy. Khi chia tay, ba đã hứa sẽ mang về cho mẹ một nhành san hô đỏ. Vậy mà ba không bao giờ trở lại! Cũng chẳng biết được sự hiện diện của con trong cõi đời này! Và ngay từ những ngày đó, không một ai thấy mẹ rỏ một giọt nước mắt.
Mẹ là người sắt đá như vậy đó!
Minh họa Trần Nhương
Thực ra, mẹ cũng muốn làm một người đàn bà giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, song không thể. Mẹ còn phải lo làm những phần việc mà ba con đã để lại. Với mẹ, con là tất cả những gì còn lại của ba! Mẹ phải thay ba gìn giữ, không được để một thứ gì có thể làm phương hại đến con. Để đến lúc gặp ba, mẹ có thể nói với ông ấy rằng: Chúng ta có quyền tự hào vì đã kiến tạo cho cuộc đời này một báu vật vô giá. Báu vật ấy chính là con đấy!
Còn lí do mẹ chốt cửa ngồi lì trong buồng vệ sinh thật giản đơn.
Đầu tiên mẹ chỉ định vào trong đó, để thay những thứ đã mặc khi đi đường.
Tốp người vừa bước vào tranh nhau đứng trước gương, kiểm tra lại trang phục, ngắm nghía từ đầu đến chân, tô lại son môi... Rồi họ nói cười vui vẻ, đưa nhau trở lại hội trường. Mẹ tự nhủ: Mọi người cũng giống mình, đang bận rộn chuẩn bị cho buổi lễ nhận bằng. Nhưng lúc ngắm họ, nhìn mình. Mẹ chợt nhận ra, nếu mình đứng với họ sẽ trở nên quá khác lạ. Mẹ không muốn lạc lõng giữa đám đông này! Chắc chắn sự xuất hiện của mẹ, sẽ gây ra một sự chú ý. Cho dù mẹ đã khoác lên người bộ quần áo sang trọng nhất mà mình có.
Lúc mẹ đưa tay lên định mở cửa, lại nghe tiếng người léo nhéo. Rồi mẹ thấy con bị hai đứa bạn đẩy vào đứng trước gương. Qua khe hở của cái cửa buồng vệ sinh, mẹ đã nhìn thấy cặp mắt ứa lệ của con hiện rõ trong gương. “Con ơi! Xin con đừng khóc! Kẻo trôi mất lớp phấn các bạn vừa mất công xoa nhẹ trên khuôn mặt.” Mẹ cố gắng lắm mới kìm được những suy nghĩ trên, không bật thành lời nhắc con. Bấy giờ mẹ tự trách: “Tại sao mình không làm theo kế hoạch đã hứa. Có mặt ở khu nhà con trọ trước một ngày diễn ra buổi lễ nhận Bằng tốt nghiệp. Để sáng sớm hôm sau, con và nhóm các bạn thân của mình kịp làm đẹp cho mẹ…”. Vậy mà mẹ đã bội tín, tham công tiếc việc, để đến tận nửa đêm mới bắt xe đò xuống thành phố.
Thực ra mẹ đã chuẩn bị hành trang, đi theo kế hoạch của con và các bạn đề ra. Song đúng lúc đó, con bò nhà mình lại chuyển dạ. Mà mẹ lại không an tâm giao phó nó cho người mình đã nhờ vả coi giúp việc nhà. Mẹ còn lẩn thẩn tính toán: Rồi sẽ chăm con bê thật chu đáo. Đến khi nó lớn mang bán, thêm vào mua cái xe máy cho con. Hoặc một cái dây chuyền vàng làm của hồi môn ngày con đi lấy chồng… Mẹ cũng tưởng việc sinh nở của con bò sẽ sớm hoàn tất trong buổi sáng. Lúc xong mọi việc, mẹ đáp luôn chuyến xe chiều xuống chỗ con. Vậy mà, tuy các triệu chứng chuẩn bị sinh nở của bò mẹ có từ lúc ban mai. Nhưng chẳng hiểu do đâu? - Chắc con bê này cũng giống như con - Mãi tận lúc lên đèn nó mới chịu chui ra khỏi bụng mẹ nó. Xong xuôi, mẹ lại thầm tính: Nếu mình bắt chuyến xe từ lúc nửa đêm, thì tờ mờ sáng sẽ đến được nơi con ở. Nhưng mọi việc không thuận theo ý định của mẹ. Cái xe mẹ đi gặp sự cố, phải dừng sửa chữa dọc đường với quãng thời gian khá dài. Mẹ đến được nơi con trọ quá muộn! Con đã cùng các bạn đã rời đi được một lúc lâu rồi. Mẹ lại lụi cụi bắt xe ôm, lần đến nơi tổ chức lễ trao Bằng tốt nghiệp.
Còn lí do để con phải lo lắng, khi nháy điện thoại mãi cho mẹ mà không thấy có tín hiệu trả lời. Tất cả tại mẹ mang theo cái máy hết pin, đến lúc cần gọi cho con mới biết nó đã tắt tự bao giờ. Ở nhà mẹ thường để nó như vậy, rồi mới mang đi sạc điện.
Mẹ là người ngốc và lẩn thẩn như vậy đó!
Lúc thấy không còn ai trong phòng vệ sinh nữa, mẹ lén rời khỏi căn buồng đang núp. Khi đi qua cái bàn trang điểm, mẹ liếc nhanh vào gương và chợt nhớ ra: Kể từ ngày ba con mất, mẹ chưa một lần soi gương. Mẹ ngạc nhiên khi nhìn thấy mình trong đó. Không lẽ lại là mình!? Hình ảnh của một hoa khôi trong vùng ngày trước, chẳng còn thấy lưu lại một chút nào ở người đàn bà kia! Và chính lúc ấy mẹ cho rằng, việc quyết định tránh mặt con hoàn toàn đúng đắn!
Mẹ không sợ cái nhìn của mọi người, nhưng lại rất lo làm con lúng túng khi thấy mẹ xuất hiện với bộ dạng này.
Thế là mẹ tìm cách giấu mình, bí mật ngắm con từ xa. Với mẹ, chỉ cần nhìn khuôn mặt của con trong ngày này là đã mãn nguyện lắm rồi!
Lúc hệ thống loa trong hội trường xướng tên những sinh viên tốt nghiệp, lên sân khấu để tiến hành thủ tục trao bằng. Nhìn các bạn con với khuôn mặt rạng ngời, xúng xính trong bộ trang phục Cử nhân, mẹ thấy lâng lâng, dường như chính mình được nhận bằng vậy. Các bạn con từng tốp một, lần lượt thay nhau bước lên sân khấu. Mẹ mong mãi mà chẳng thấy đến lân con. Bấy giờ, mẹ đã thực sự hoảng sợ cho rằng: Hay con gặp sự cố nào đó, nên việc công nhận tốt nghiệp bị đình lại. Rồi mẹ lại tự an ủi: Chắc con thuộc nhóm người có điểm thấp nhất, nên sẽ được điểm tên vào đợt cuối cùng. Khi thấy các bạn con trong hội trường đồng loạt giơ cao tấm Bằng tốt nghiệp cho người quay camera ghi hình. Mẹ cho rằng: Buổi lễ đã đi vào hồi kết. Mẹ cúi đầu nghẹn ngào vì vẫn không nhìn thấy bóng dáng con đâu. Đúng lúc đó hệ thống loa trong hội trường vang lên: “Xin mời người cuối cùng lên nhận Bằng tốt nghiệp. Người sinh viên ưu tú nhất! Thủ khoa của khóa học này là…”. Mẹ đã bấu chặt vào tay mình đến rớm máu, khi nghe thấy tên con. Rồi cả hội trường lại vang lên, thông báo thêm tin: Con còn nhận được học bổng đi du học Thạc sĩ của một trường Đại học có tiếng nhất của nước Mỹ. Mẹ đã không tin ở tai mình?! Lúc nhìn con nhận tấm bằng đỏ, rồi thấy mọi người ùa lên tặng hoa chúc mừng, đôi vai mẹ đã rung lên từng nhịp. Nhưng mẹ kìm lại được tiếng nức nở cho riêng mình. Đến khi người bảo vệ đứng bên cạnh, lặng lẽ đưa cho tờ giấy lau, mẹ mới hay khuôn mặt của mình đã đầm đìa nước mắt. Mẹ không có đủ cam đảm ở lại gặp con, để cùng tham gia bữa ăn mừng ngày nhận bằng theo kế hoạch đã bàn.
Mẹ là người nhát gan như vậy đó!
Con ơi! Thành quả hôm nay, phần lớn là công sức của con. Phần còn lại là của ba con! Này nhé, nếu không có tiêu chuẩn là con của Liệt sĩ thì làm sao mẹ lo nổi việc ăn học của con. Như con biết đấy, hồi học sinh phổ thông con bao giờ cũng được tặng hai gói quà như nhau. Một do đạt tiêu chuẩn: Học sinh giỏi! Phần còn lại là: Con của liệt sĩ! Mẹ vẫn còn nhớ hồi học lớp một. Lúc bấy giờ con bé như một cây kẹo mút. Khi lên kỳ đài nhận phần thưởng, cái sân khấu quá cao con không leo lên đươc. Một vị đại biểu phải bước tới, bế thốc con lên. Rồi con đã mếu máo gọi mẹ vì không ôm nổi hai chồng vở lúc được trao. Cô Hiệu trưởng phải mang hộ, đưa con xuống tận nơi lớp con đang xếp hàng. Về đến nhà con đã phụng phịu dỗi hờn và trách: “Sao mẹ không lên mang dùm con!”.
Con ơi! Lúc bấy giờ mẹ có muốn cũng không làm được việc ấy!
Rồi đây, con sẽ ra nước ngoài để thực hiện trọn vẹn ước mơ: “Được học hành đến nơi, đến chốn” của mình. Ước mơ con đã thì thầm thành lời vào ngày sinh nhật năm cuối cấp ba ấy. Con vẫn trách mẹ chẳng bao giờ có ước mơ cho riêng mình. Hôm nay, lần đầu tiên mẹ sẽ thú thật với con. Mẹ cũng có mơ ước! Đấy là bao giờ, lúc mẹ đi gặp ba. Con hãy lấy lọ nước biển trong ngôi mộ gió của ba mang chôn cùng mẹ. Để ba mẹ mãi mãi được ở bên nhau. Chẳng biết ba con có nhận ra người đàn bà luộm thuộm xấu xí này không nữa? Bởi ngày ba con hy sinh, ông ấy bảnh trai lắm!
Mẹ lại lẩn thẩn mất rồi!
Được đi học ở nước ngoài chắc con mừng lắm, vì không phải chịu sự làm “phiền” của người mẹ sắt đá, ngốc nghếch và lẩn thẩn này nữa. Thôi! Con cứ yên tâm đi đi, chẳng việc gì phải lo cho mẹ ở nhà
Truyện ngắn của Trần Ngọc Dương