Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 28)
Sức khỏe 22/04/2021 13:00
Mười hai đường kinh chính trong cơ thể con người
A. Tổng quan về mười hai đường kinh chính trong cơ thể con người
Cơ thể chúng ta có lục phủ ngũ tạng. Lục phủ bao gồm: Đởm, Vị, Tiểu trường, Đại trường, Bàng quang và Tam tiêu. Ngũ tạng gồm có Tâm, Can, Tì, Phế thận và thêm một tạng phụ đó là Tâm bào, tổng là 6 tạng. Như vậy cơ thể con người sẽ có 12 tạng phủ và tương ứng với đó là có 12 đường kinh chính, phụ thuộc vào các tạng phủ và được đặt tên theo tên của tạng phủ tương ứng.
Theo học thuyết âm dương trong Y học cổ truyền thì khi so sánh giữa tạng và phủ thì các tạng thuộc âm còn các phủ thuộc dương. Trong âm lại chia thành thái âm, thiếu âm và quyết âm. Phế và tì thuộc thái âm, tâm và thận thuộc thiếu âm, can và tâm bào thuộc quyết âm. Trong dương lại chia thành thái dương, thiếu dương và dương minh. Tiểu trường và bàng quang thuộc thái dương, đởm và tam tiêu thuộc thiếu dương, vị và đại trường thuộc dương minh.
12 đường kinh chính gồm có 6 đường kinh dương và 6 đường kinh âm đi với nhau theo từng cặp. Các đường kinh âm xuất phát từ các tạng và chúng đều nằm ở mặt âm của tứ chi (tức là mặt trong của các chi). Các đường kinh dương xuất phát từ ngoài đi vào trong các phủ, đều nằm ở mặt dương của tứ chi (tức là mặt ngoài của các chi).
Mức độ âm dương của các đường kinh phát triển tăng dần theo chiều hướng vận động chung của vũ trụ, bên trái cơ thể tăng dần theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, còn bên phải cơ thể tăng dần theo hướng thuận chiều kim đồng hồ. Phần dương sẽ đi từ dương minh, qua thiếu dương đến thái dương. Phần âm sẽ đi từ thiếu âm qua quyết âm đến thái âm.
Đồng thời, do các đường kinh phân bố ở tứ chi, nên việc đặt tên đường kinh cũng liên quan đến vị trí của nó. Các đường kinh đi ở tay được gọi là thủ kinh, có thủ tam âm kinh (ba đường kinh âm ở tay) và thủ tam dương kinh (ba đường kinh dương ở tay). Các đường kinh đi ở chân gọi là túc kinh, có túc tam âm kinh (ba đường kinh âm ở chân) và túc tam dương kinh (ba đường kinh dương ở chân).
Như vậy có thể chia 12 đường kinh mạch chính thành 4 nhóm như sau:
Ba đường kinh âm ở tay gồm có: Kinh thủ thái âm phế, kinh thủ quyết âm tâm bào và kinh thủ thiếu âm tâm. Cả ba đường kinh này đều từ ngực ra theo mặt âm của tay, đi đến đầu chót ngón tay.
Ba đường kinh dương ở tay gồm có: Kinh thủ dương minh đại trường, kinh thủ thiếu dương tam tiêu, kinh thủ thái dương tiểu trường. Cả ba đường kinh này đều xuất phát từ đầu chót ngón tay, đi men theo mặt dương của tay lên đầu.
Ba đường kinh dương ở chân gồm có: Kinh túc dương minh vị, kinh túc thiếu dương đởm và kinh túc thái dương bàng quang. Cả ba đường kinh này đều đi từ đầu, đi qua lưng trên, đi theo mặt ngoài của chân, xuống đến gót chân.
Ba đường kinh âm ở chân gồm có: Kinh túc thái âm tì, kinh túc quyết âm can và kinh túc thiếu âm thận. Cả ba đường kinh này đều đi từ đầu ngón chân, đi theo mặt trong chân đi lên đến bụng.
Về quy ước mặt trong và mặt ngoài ở tay sẽ có sự khác biệt giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Mà hiện nay, hầu hết tất cả mọi người đều đã quen thuộc với cách quy ước mặt trong, mặt ngoài của Y học hiện đại nên khi đọc một số tài liệu của Y học cổ truyền có thể bị nhầm lẫn, dẫn tới khó hiểu. Để tránh việc nhầm lẫn này, chúng tôi xin được nói qua về sự khác nhau giữa quy ước tư thế người được dùng để mô tả các đường kinh trong Y học cổ truyền trước đây và tư thế giải phẫu con người trong Y học hiện đại ngày nay.
Tư thế chuẩn của con người trong Y học cổ truyền được sử dụng để mô tả đường đi của các đường kinh mạch đó là tư thế đứng thẳng, hai tay giơ cao hướng lên trời, lòng bàn tay hướng về phía trước. Còn tư thế giải phẫu con người trong Y học hiện đại ngày đó là tư thế đứng thẳng, hai tay xuôi theo thân người, lòng bàn tay hướng ra trước. Chính vì vậy sẽ có sự khác nhau giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong quy định đâu là mặt trong và đâu là mặt ngoài của cánh tay.
Để giúp cho quý vị dễ hình dung, chúng tôi sẽ lấy tư thế giải phẫu theo Y học hiện đại làm chuẩn. Như vậy mặt phía bên ngón tay cái của cánh tay sẽ là mặt ngoài, còn mặt phía bên ngón tay út của cánh tay là mặt trong.