Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 27)
Sức khỏe 15/04/2021 09:22
E. Công năng tạng Thận với sức khỏe con người
6. Bệnh lí tạng Thận (tiếp)
6.6. Hội chứng phế thận âm hư
Nguyên nhân gây ra hội chứng phế thận âm hư đó là do ho lâu ngày khiến cho phế âm bị hao tổn, từ đó ảnh hưởng đến thận âm. Thận âm hư làm cho hư hỏa bốc lên, lại thiêu đốt phế âm khiến cho phế âm càng bị hư tổn hơn. Cả hai nguyên nhân trên đều dẫn tới tình trạng phế âm và thận âm đều hư.
Biểu hiện lâm sàng của chứng phế thận âm hư đó là bệnh nhân ho ít đờm, hoặc đờm có lẫn máu, khàn tiếng, thở gấp, lưng gối mềm yếu, người gầy, triều nhiệt, nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, di tinh, gò má đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
Hội chứng phế thận âm hư thường gặp trong các bệnh như khái thấu, suyễn, thất âm, hư lao, tiêu khát.
Pháp điều trị chứng phế thận âm hư đó là: Tư bổ phế thận.
Phương dược: Có thể dùng phương Mạch vị địa hoàng hoàn gia giảm theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.
6.7. Hội chứng can thận âm hư
Nguyên nhân gây ra hội chứng can thận âm hư đó là do tinh bị hao tổn gây ra, do bệnh lâu ngày hoặc do những bệnh làm hao tổn phần âm dịch của cơ thể.
Hai tạng Thận và Can có mối quan hệ tư dưỡng lẫn nhau, thận thủy sinh can mộc, sự sơ tiết điều đạt của tạng Can phải nhờ sự tư dưỡng của thận. Tạng Can tàng huyết còn tạng Thận tàng tinh, mà tinh và huyết đều thuộc âm, cho nên khi thận âm hư thường kéo theo can huyết hư.
Biểu hiện lâm sàng của chứng can thận âm hư đó là người gầy, thường đau mỏi thắt lưng, đầu gối, cảm giác nóng trong người, đặc biệt là về buổi chiều và đêm, ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt. Bệnh nhân có thể bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, đặc biệt là vùng đỉnh đầu. Người mệt mỏi, bứt rứt, ngủ kém, lưỡi đỏ họng khô, mạch tế sác. Nam giới bị di tinh, mộng tinh; nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt.
Hội chứng can thận âm hư có thể thấy trong các bệnh lí Y học hiện đại như suy nhược thần kinh, cường giáp, cao huyết áp, đái tháo đường.
Pháp điều trị chứng can thận âm hư đó là tư bổ can thận. Các bài thuốc thường được dùng để điều trị hội chứng này đó là: Lục vị quý thược, Kỉ cúc địa hoàng hoàn, Đại bổ âm hoàn,…
7. Bệnh lí phủ Bàng quang
7.1. Chứng bàng quang thấp nhiệt
Chứng bàng quang thấp nhiệt đó là do thấp nhiệt uất kết ở bàng quang, khiến cho việc khí hóa của bàng quang bị bất lợi, sự mở đóng thất thường và âm lạc bị hun đốt gây tổn thương. Nguyên nhân chủ yếu là do ngoại cảm thấp tá hoặc do ăn uống không điều độ, thấp nhiệt sinh ra từ bên trong, dồn xuống bàng quang mà gây bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng bàng quang thấp nhiệt đó là tiểu tiện nhiều lần, tiểu khó, đái rắt, đau; nước tiểu màu vàng đỏ, vẩn đục hoặc tiểu tiện ra máu, có khi đi tiểu ra sỏi; bụng dưới căng tức. Kèm theo bệnh nhân có thể có biểu hiện phát sốt, tâm phiền, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác.
Chứng bàng quang thấp nhiệt thường gặp trong các bệnh lâm chứng, long bế, niệu trọc trong Y học cổ truyền. Còn trong Y học hiện đại, có thể thấy chứng bàng quang thấp nhiệt trong các bệnh lí như: Viêm bàng quang cấp tính, sỏi đường tiết niệu.
Pháp điều trị chứng bàng quang thấp nhiệt đó là thanh nhiệt trừ thấp. Phương thuốc thường được dùng để điều trị chứng bệnh này đó là Bát chính tán, có thể gia giảm một số vị thuốc cho phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
7.2. Chứng bàng quang hư hàn
Nguyên nhân của chứng bàng quang hư hàn đó là do tì thận dương hư không khí hóa được bàng quang.
Biểu hiện lâm sàng của chứng bàng quang hư hàn đó là người mệt mỏi, lưng gối mỏi yếu, nam giới bị liệt dương, di tinh. Bệnh nhân sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng nhợt, đái són, đái dầm, đái lắt nhắt, dòng nước tiểu không mạnh hoặc chảy ri rỉ. Rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược.
Chứng bàng quang hư hàn trong Y học cổ truyền thường thấy trong một số bệnh lí Y học hiện đại như: Phì đại tiền liệt tuyến, suy nhược cơ thể, bệnh lí tủy sống vùng thắt lưng cùng.
Pháp điều trị chứng bàng quang hư hàn đó là ôn thận cố sáp. Các bài thuốc thường được dùng để điều trị chứng bệnh này đó là: Tang phiêu tiêu tán, Củng đê hoàn.
Mời quý độc giả đón đọc kì tiếp theo với nội dung: “3 đường kinh dương ở tay” trong chuyên đề: “Con người dưới góc nhìn của Y học cổ truyền”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt - Sàn thương mại điện tử: alosuckhoe.vn - Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |