Còn hơn 1.000 xe hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc
Thị trường 17/03/2022 16:45
Chỉ tính riêng tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là 1.325 xe, trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 942 xe chiếm khoảng 70% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.
Ngoài cửa khẩu Tân Thanh với lượng thông quan mỗi ngày tương đối ít và cửa khẩu quốc Hữu Nghị mỗi ngày khoảng 50 phương tiện và chủ yếu là hàng nhập khẩu, các cửa khẩu còn lại như Chi Ma, cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Móng Cái đều đã tạm dừng thông quan.
Việc tạm dừng thông quan và quá trình thông quan hàng hóa chậm đã gây nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của 2 nước trong việc tiêu thụ hàng nông sản cũng như các nguyên phụ liệu, linh kiện điện tử, máy móc…
Được biết, hiện nay phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thời gian mở cửa trở lại.
Tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 1.300 xe hàng chờ xuất khẩu. Ảnh: Báo Đầu tư |
Để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu thời gian tới, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời khai thác hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và hướng người dân sử dụng, tiêu thụ hàng xuất xứ Việt Nam và hàng nhập khẩu từ các thị trường khác.
Đồng thời, thực hiện các chính sách đối ứng bảo đảm thực hiện nguyên tắc “thương mại công bằng” trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước; tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ban hành các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, nhãn mác, xuất xứ… áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam để giảm tỷ lệ nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam.
Ngoài ra, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn nông sản Việt Nam theo từng thị trường xuất khẩu; tổ chức sản xuất nông sản trong cả nước theo hướng sản xuất theo đơn đặt hàng, ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch theo đúng các yêu cầu sản xuất chất lượng, số lượng của các nhà nhập khẩu, hợp đồng đặt hàng thông qua liên kết sản xuất giữa hợp tác xã, doanh nghiệp có định hướng của các bộ, ngành và hiệp hội từ đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu theo hình thức chính ngạch.
Cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng, cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt tại các cửa khẩu lớn để kết nối đồng bộ với Trung Quốc; tăng cường hình thức vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt, đường biển để khắc phục hàng rào kỹ thuật, thời gian thông quan nhanh, thủ tục được giải quyết ngay từ trong nội địa, giảm được chi phí vận chuyển và một số chi phí khác so với việc đi theo cửa khẩu đường bộ, đồng thời giảm tải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bàn giải pháp đưa nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Chiều 9/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ... |
Đổi mới cơ chế, chính sách xuất khẩu nông sản để hạn chế ùn tắc tại cửa khẩu Chiều 25/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì họp trực tuyến với các Bộ, địa ... |