Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán lên tiếng trấn an nhà đầu tư
Tin tức 04/07/2018 09:33
Trước biến động này, trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho rằng ông có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng..., nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá.
Diễn biến phiên giao dịch ngày 3/7
"Trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh trong 2 phiên qua", người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán nhìn nhận.
Thị trường chứng khoán hai phiên đầu tuần đã giảm mạnh, nhất là ngày hôm nay, chỉ số VN-Index đã giảm 41,14 điểm về mức 906,01 điểm. Xin ông cho biết đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đợt giảm điểm này?
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Từ cuối năm ngoái đến nay, chúng ta vẫn lo lắng về hai nguy cơ có thể gây tác động kép ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ Trung.
Và cả hai điều đó đều đã đến trong tháng 6 khi mà ngày 18/6 FED đã thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn lên mức 1,75% - 2% và dự báo có thể tăng thêm hai lần nữa trong năm nay. Đồng thời sau đó mấy ngày tuyên bố áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Tác động kép của hai sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Mỹ giảm mạnh trong ngày (khoảng 2%). Tuy nhiên, chúng ta thấy tác động của sự kiện kép này tới châu Á là lớn hơn rất nhiều. Chỉ số Shanghai Composite (Thượng Hải) đã giảm 6,4% trong tháng 6 và giảm thêm 2,5% trong 2 ngày 2/7 và 3/7.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá liên tục trong 14 ngày gần đây, với mức giảm trên 5%. Thị trường Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng đồng loạt giảm.
Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á. Trong 6 tháng đầu năm các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philipines) 22,8 tỷ USD.
Và tất nhiên, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu, và một số quỹ đã bán bớt cổ phiểu để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước.
Điều đáng nói là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá.
Trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh trong 2 phiên qua.
Vậy trong bối cảnh như vậy, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư?
Tôi rất mong nhà đầu tư trong và ngoài nước có cách nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Không thể phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như đã nêu trên, nhưng cần nhìn nhận mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, tôi tin thị trường chứng khoán Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển.
Cụ thể, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP tăng 7,08% trong 6 tháng. Ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng quý 3 đạt 6,53%, quý 4 6,36%.
Hiện tại, giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu blue-chip giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua.
Nếu không tính cổ phiếu Vinhomes (VHM) mới niêm yết trong tháng 5, chỉ số P/E chung của thị trường chỉ có 16,1 lần, đây được cho là mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán các nước và là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tính đến ngày 8/5/2018 đã có 667 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 1/2018, trong đó hơn 86% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội.
Trong tháng 5, vốn FII vào đạt 700 triệu USD và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ đô la là số rất đang kể so với mức 2,92 tỷ USD của cả năm 2017.
Về động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tôi cũng mong các nhà đầu tư bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến thị trường chứng khoán.
Tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút hết vốn; trong khi chỉ số tổng giá trị chứng khoán nắm giữ của khối ngoại trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khá an toán.
Ở khía cạnh khác, nếu quan sát hai phiên giao dịch gần đây có thể thấy ngày 2/7 khi thị trường giảm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên 310 tỷ đồng. Ngày 3/7 thị trường giảm sâu hơn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 365,8 tỷ đồng, nhưng nếu ngoại trừ phần bán ròng của cổ phiểu VIC thì phần bán ròng ở các cổ phiếu khác ở mức khiêm tốn 142,3 tỷ đồng.
Thời báo Kinh tế