Chiêu Hổ-Đội Kình mời Hồ Xuân Hương du xuân về làng Gáp
Văn hóa - Thể thao 17/02/2021 07:53
Vì những định kiến khắt khe của thời phong kiến trọng nam khinh nữ, ngay cả cuốn gia phả Hồ Tông thế phả cổ nhất của họ Hồ -Quỳnh Đôi, cũng chỉ ghi danh hàng đinh nam nối dõi, từ thường dân tới quan đại thần. Còn phụ nữ dẫu Hồ Xuân Hương có là nữ sĩ bậc kỳ tài trong thiên hạ, múa bút phẩy thơ, cũng chỉ là phận nữ nhi, nên tác phẩm cũng như thân thế của nữ sĩ, đã không được trân trọng ghi chép trong gia phả, cũng như trong thi đàn. Duyên cớ ấy nên chuyện thơ văn, chuyện tình duyên của Hồ Xuân Hương, đầy sóng gió cũng chẳng ai chép, ai ghi, mới trở thành huyền thoại, mờ mờ, tỏ tỏ, có có, không không.
Chuyện đời, chuyện tình, chuyện văn chương của Hồ Xuân Hương qua thời gian đọng lại, chính là việc các nhà nghiên cứu đã gạn đục, khơi trong, khảo thơ tìm sử, lấy nguồn huyền thoại dẫn về cuộc sống, biến cõi mơ trở về cõi thực, biến mờ mờ trở nên sáng tỏ.
Người chồng đầu tiên của Hồ Xuân Hương chính là ông Nguyễn Bình Kình (còn gọi là Đội Kình, Tổng Cóc) được văn học sử ghi nhận ghi chép lại, nhưng duyên nợ của mối tình này ra sao, vẫn mờ mờ, tỏ tỏ. Chúng tôi đã nối lại duyên thơ, tìm chuyện tình của nữ sĩ với người chồng đầu tiên ông Tổng Cóc cũng chính là Chiêu Hổ.
Ông Tổng Cóc tên chính là Nguyễn Bình Kình (tự là Nguyễn Cộng Hòa), lúc bé gia đình gọi tên là "Cóc”, cái tên xấu xí cho dễ nuôi. Ông là con cháu nhà gia thế (cháu của cụ Nguyễn Quang Thành, đỗ Tiến-sĩ năm 1680, đời vua Lê Hi Tông, vì thế trong gia đình ông thường được gọi là cậu Chiêu. Dưới triều Lê (đời Hồng Đức) con các ông Tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên thi hào Nguyễn Du (con thứ bảy của Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm) thời đi học còn gọi là “cậu Bảy Chiêu”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là “cậu Bảy Chiêu”. Danh xưng “cậu Chiêu” thời ấy, dùng để chỉ con trai các ông Tiến sĩ. Sau này thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nhằm để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói chung.
Nguyễn Bình Kình là cháu Tiến sĩ Nguyễn Quang Thành, lại sinh năm Hổ (Canh Dần 1770) nên có biệt danh là “Chiêu Hổ”. Đương thời Chiêu Hổ là người hay chữ, vẫn thường xướng họa với Xuân Hương, ông lại giỏi võ nghệ nổi danh là Đội Kình.
Chuyện từ làng Gáp xưa nay là xã Tứ Xã, huyện Phong Châu vẫn kể, xưa Tổng Cóc, quen cha con Hồ Xuân Hương khi đi thi Hương với một số nho sinh trong vùng. Thế rồi cơ duyên dẫn lối, cụ đồ người xứ Nghệ đã dắt con gái về làng Sơn Dương (Lâm Thao, Phú Thọ) gần làng Gáp dạy học. Con gái cụ đồ chính là Hồ Xuân Hương.
Cụ đồ Hồ Phi Diễn mất năm 1786, sau 15 năm cụ đồ qua đời, cuối tháng chạp năm 1801, ba chàng Tú ở đất Phong Châu là Tú điếc, Nho Trâm và Đội Kình, rủ nhau về chơi đất kinh kỳ Thăng Long. Họ đã đến thăm nhà thầy quá cố cụ đồ Hồ Phi Diễn ở thôn Tiêu Thị, nơi góa phụ họ Hà và người con gái Hồ Xuân Hương đang sinh sống, năm ấy nữ đã 29 tuổi.
Trong chuyến du thăm cuối đông đầu xuân ấy, chuyện tình của nữ sĩ họ Hồ với Tổng Kình mà bà mối tơ duyên- chính là nàng thơ dẫn lối. Câu chuyện văn chương với ba chàng Tú đất Phong Châu, nữ sĩ ra vế thách đối: “Tối Ba mươi, khép cánh càn khôn, kẻo nữa Ma Vương đưa quỷ tới”. Hai chàng Tú điếc, Nho Trâm, chịu không đưa ra được vế đối, còn Tổng Kình đáp lại: “Sáng muồng một, mở then tạo hóa, để cho thiếu nữ rước Xuân vào”. Vế đối của Tổng Kình thật chỉnh “Tối Ba mươi- đối với- Sáng muồng một”, “ Khép cửa càn khôn- đối với –Mở then tạo hóa” và “ Kẻo nữa Ma Vương đưa quỷ tới- đối với- Để cho thiếu nữ rước Xuân vào”.
Qua thử tài văn chương 3 chàng Tú, Tổng Kình đã được nữ sĩ chấm điểm tình. Như vậy có thể nói Tổng Cóc là người văn võ song toàn, con nhà gia thế, có thể lọt vào mắt xanh của nàng thơ. Nhưng chàng là người đã yên bề gia thất, đâu dám nghĩ tới một ngày có thể cưới được nàng thơ con gái cụ đồ xứ Nghệ về làm thiếp.
Khi nhân duyên đưa Đội Kình đến nhà nàng thơ, tài tử văn nhân xuất hiện rồi, đó chính là Đội Kình danh tiếng. Có chàng đến rồi, mùa Xuân đến rồi, duyên phận đến rồi, làm sao nữ sĩ chịu cảnh “già tom” được?Hồ Xuân Hương thấy Đội Kình được cả văn chương thơ phú, lại giỏi đường võ nghệ, gia thế cũng con cháu cha ông bảng vàng Tiến sĩ, nhưng ngặt nỗi chàng đã yên bề gia thất rồi, vậy duyên tình đôi lứa ra sao?
Đúng như định mệnh, câu chuyện thách đối văn chương, giữa Xuân Hương nữ sĩ và Đội Kình danh tiếng, mới chỉ như chiếc cầu dẫn lối, Đội Kình chưa dám sang bến tình, còn nàng thơ thì lấy duyên thơ để mời chàng sang bến.
Đội Kình nắm lấy tình duyên ấy mà đưa nàng về quê chàng vào mùa xuân trẩy hội. Ở vùng quê làng Gáp của Tổng Kình, có hội Trò Trám vào ngày 11, 12 tháng Giêng.
Tranh dân gian Hội dánh đu tiên trông lễ hội mùa Xuân |
Chơi hội và xem hội, anh chàng Chiêu Hổ - Đội Kình là người đàn ông đã có vợ, nên vừa khôn, vừa khéo, chàng“trêu hoa ghẹo nguyệt”, bỡn cợt với nàng thơ. Tín hiệu tình yêu đã phát ra, trái tim nàng thơ đã rung động. Chàng “trêu hoa ghẹo nguyệt” bỡn cợt để tỏ tình, thì nàng ý nhị dùng thơ để đáp lại. Bài thơ “Xướng I”, nàng nói với bạn tình: “Anh đồ tỉnh, anh đồ say/ Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/ Này này chị bảo cho mà biết/ Chỗ ấy hang hùm chớ mó tay”. Chỗ ấy “hang hùm” thì Chiêu Hổ biết rồi, nàng thơ bảo rằng chớ mó tay, ấy là nàng thơ đã ưng thuận, bởi vì phụ nữ khi yêu thường nói “không” là “có”. Chàng biết tỏng tong chuyện ấy, nên mới họa lại rằng: “Này ông tỉnh, này ông say/Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày/ Hang hùm vĩ bẵng không ai mó/Sao có hùm con bỗng tróc tay?”. Khỏi phải nói gì thêm câu chuyện tình, qua xứng họa thơ của Hồ Xuân Hương với chàng Chiêu Hổ. Thật là đôi lứa xứng đôi, cân xứng về tài nghệ thơ phú, ý ẩn đằng sau thật tri ân, tri kỷ, không còn gì ngăn cách nổi mối nhân duyên trời định.