Chế tài nghiêm khắc đối với đấu giá tài sản không đủ năng lực tài chính, bỏ cọc
Sự kiện 28/11/2023 13:53
Sáng 28/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn) |
Nêu lên thực trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến, đại biểu Khải boăn khoăn vì Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc. Hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ… Đây là vấn để rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó cần phải đưa vấn đề này vào luật để quản lý chặt chẽ hơn, đại biểu Khải đề nghị.
Theo đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc), để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế xã hội cần nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm cho dù sẽ làm hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá.
“Cần có một điều luật quy định về phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng”, đại biểu Hiếu nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, trong phiên thảo luận có nhiều ý kiến đại biểu thống nhất và tin tưởng dự án Luật sẽ tháo gỡ vướng mắc tiêu cực trong đấu giá tài sản. Thống nhất về mức tiền đặt trước, mức tiền dặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định, do đó đề nghị giữ quy định như hiện hành.
Tuy nhiên, dự thảo cần làm rõ quy định này là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá. Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Từ thực tế trên, có ý kiến đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế việc bỏ cọc nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.
Góp ý kiến về thời hạn nộp tiền đặt cọc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2a Điều 38 của Luật là nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắk Kạn) phân vân, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (01 ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục ngày. Quy định này có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau.
Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, “tạo cơn sốt thị trường ảo”, tuy nhiên khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ "ảo" khó kiểm soát, “dìm giá” (trong đó có thể có những trường hợp mặc dù đủ điều kiện nhưng họ sẽ không nộp tiền đặt trước). Đặc biệt, việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cho cuộc đấu giá đối với tài sản đông người đăng ký tham gia đấu giá.
Để thống nhất trong quy định, thuận lợi và dễ áp dụng trên thực tiễn, tránh việc mỗi trường hợp, mỗi loại tài sản lại quy định khác nhau, gây khó hiểu và khó áp dụng; đồng thời để hạn chế việc thông đồng, tình trạng “hồ sơ ảo”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước. Thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Đối với Thông báo thì thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Giải trình thêm về dự án Luật này, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đặt vấn đề sửa đổi luật lần này trong bối cảnh pháp luật đấu giá hiện hành đang hoạt động bình thường. Qua tổng kết thi hành 5 năm qua đấu giá khoảng 200.000 cuộc đấu giá với trên 90% là tài sản công, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu là đấu giá tài sản tư. Số liệu hiện hành cho thấy đấu giá đang hoạt động bình thường. Trong lần sửa đổi lần này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá đặc biệt đối với tài sản đặc thù như hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện. Thực tế phát sinh một số vấn đề thực tế cần phải được xử lý. Hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Về chế tài với người bỏ cọc, ông Lê Thành Long hứa sẽ nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa, góp ý hoàn thiện các quy định chuyên ngành. Tuy nhiên, để thực hiện ngay tình thì còn nhiều yêu tố liên quan từ quy định chặt chẽ của pháp luật còn có đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, trách nhiệm người quản lý. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo quy định theo hướng cố gắng nâng tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề và các đấu giá viên.