Bước qua ngưỡng cửa - Bài 2: Tìm về báu vật của người Mông
Xã hội 29/12/2022 18:16
Mỗi khi trong bản Tu San, Lán Tọ hay Pá Liềng, Nậm Mở có người già sắp lìa xa con cháu thì các dòng họ lớn của người Mông ở đây như họ Sùng, họ Mùa lại nghĩ ngay tới những hủ tục đang chờ sẵn ngoài cửa. Chính từ điều đó mà những năm qua, Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã ra Nghị quyết triển khai việc thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới cho đồng bào dân tộc Mông ở huyện Than Uyên nói chung và xã Tà Mung nói riêng. Nhiều Người cao tuổi cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an ở huyện Than Uyên được triệu tập làm thành viên cốt cán để tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng nội dung của nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Trung tá Lầu A Tình, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện, Trưởng Ban vận động xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông, bộc bạch:"Khi đi vận động tôi luôn luôn đứng trên hai vai đó là vai bộ đội, là chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện đến với bà con để vận động. Còn vai thứ hai là vai Trưởng ban vận động xây dựng câu lạc bộ Văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông. Hai vai này có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ vì khi đến với thôn bản, bà con thấy người lãnh đạo là cán bộ quân sự thì bà con rất tôn trọng và quý mến".
Cán bộ tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục cho đồng báo Mông |
Cũng theo Trung tá Tình, nếu mọi việc chỉ dừng ở lại đó thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề về hủ tục của đồng bào, mà phải đi bằng đôi chân vững chắc để vừa trên cương vị “Bộ đội Cụ Hồ” đến với đồng bào, vừa là người con của bản để hiểu được phong tục, tập quán, tiếng nói của người dân. Phải biết được đồng bào đang nghĩ gì và mong muốn của họ như thế nào thì mới có câu chuyện để nói, để bàn. Điều đó cần phải có quá trình, thời gian, không phải cứ vận động là thành công ngay.
Thế nhưng, thời gian mỗi ngày đi qua mà không làm thì hủ tục lại ngấm thêm vào tâm trí những đứa trẻ đang lớn. Vậy nên, việc xóa bỏ hủ tục này cần phải làm luôn, điều ấy cần phải được lục lại từ trong báu vật. Báu vật không có gì to tát. Nó là một cây khèn. Điều này chúng tôi được ông Sùng Khua Nủ, nghệ nhân khèn Mông, ở bản Lán Tọ cho biết: "Khi người ta đồng ý cho người vào trong áo quan sau hai ngày nhưng không có lời khèn cũng không thể cho vào áo quan được, nên ngày xưa người ta chỉ treo xác lên ky thôi. Còn bây giờ cho xác vào áo quan phải thổi để dẫn được, phải thổi được khèn để cho vào áo quan nên họ mới tâm phục khẩu phục và đối với các gia đình họ cũng yên tâm là mình không bị hại lâu dài, yên tâm lao động sản xuất và không lo bị đau ốm cùng các vấn đề khác".
Bài khèn có thể được coi là một pho sử sống của người Mông, nó phản ánh về mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Trong đám tang thì lời ca của nó làm cho con người thay đổi hoàn toàn nhận thức về những hủ tục đang tồn tại trong từng gia đình:
Do quá lâu rồi không ai còn lưu giữ nên bài khèn đó gần như bị mất đi, cũng rất hiếm người biết thổi khèn trong đám tang để dẫn linh hồn người chết vào áo quan. Do vậy thi hài cứ bị treo trước bàn thờ, rất mất vệ sinh, nhất là những người mất bị ốm đau, bệnh tật. Khi gia đình, dòng họ có một người qua đời, bà con đã nghèo lại phải mổ thêm vài con trâu để làm lễ trong nhiều ngày. Con trâu với người Mông có giá trị lớn như một quả núi, có gia đình cả đời không thể tích cóp để mua đủ một con trâu về nuôi.
Khi đã khôi phục được tiếng khèn trong đám hiếu thì người quá cố sẽ được khâm liệm ngay và nếu như sau đó con cháu của họ vẫn yên ổn làm ăn, vẫn khỏe mạnh thì những lời nguyền thuở xa xưa sẽ dần bị lãng quên. Mỗi lần điệu khèn được cất lên thì tập quán tốt đẹp của người Mông được khơi dậy, nhận thức của người dân được nâng cao, những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu sẽ không đi vào đời sống của bà con nữa.
Ông Giàng A Chua ở bản Nậm Mở, một trong những người rất có uy tín trong cộng đồng cho rằng, nếu như người Mông ở Tà Mung biết dùng chính báu vật của mình để khơi dậy niềm tin, nhận thức dúng về hủ tục thì chắc chắn cuộc sống sẽ hoàn toàn khác. Nếu người Mông biết sử dụng tiếng khèn thì người chết sẽ không phải nằm lâu trong nhà. Thực hiện được điều này thì sẽ giảm được rất nhiều sự tốn kém cho gia đình.
Ngay sau khi thành lập, Ban vận động xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông đã lên kế hoạch mở lớp dạy khèn để khôi phục một số bài khèn cổ, trong đó có bài khèn phục vụ đám hiếu. Tiếp đó, ông Giàng Vảng My, ở bản Nậm Mở là người có uy tín trong dòng họ Giàng, đã thay mặt bà con trong họ ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới. Đó là khi gia đình có người mất sẽ nghiêm túc chấp hành việc đưa thi hài vào áo quan, không như ngày trước. Sau họ Giàng là những họ lớn khác của người Mông ở Tà Mung tiếp tục đặt bút ký cam kết như vậy. Việc ký kết đã được các dòng họ đồng tình ủng hộ. Đây là một thành công vô cùng lớn của Ban vận động.
Giờ đây mỗi khi trong bản có lời khèn cất lên, dù đó là tiếng lòng của người thân tiễn người quá cố về nơi tiên cảnh thì người ta cũng không còn sợ hãi như ngày xưa nữa. Điệu khèn cất lên thì cây cũng được nâng lên còn người thì được hạ xuống đất, không cần phải treo, cũng không cần phải để lâu trong nhà. Đó là nội dung trong "Bài 3: Đi qua miền hủ tục" của phóng sự: “Bước qua ngưỡng cửa”.
Còn nữa