Bình Thuận: Lời cảnh báo về tình trạng du khách bị đuối nước
Sức khỏe 07/09/2019 15:36
Những biển cấm của các khu du lịch |
Những biển cấm của các khu du lịch |
Chỉ trong thời gian rất ngắn gần đây, ở tỉnh Bình Thuận liên tục xảy ra tình trạng các du khách bị đuối nước. Ngay trong gần trưa ngày 6/9 tại bãi biển thuộc một resort ở Hàm Tiến, TP Phan Thiết, khi du khách đang tắm biển thì phát hiện 1 người đàn ông nổi trên mặt biển nên kéo vào bờ và sơ cứu nhưng người này đã tử vong. Nạn nhân là ông Koloskov Aleksandr, 46 tuổi, quốc tịch Nga đến lưu trú cùng vợ tại một resort cách nơi phát hiện thi thể khoảng 1km. Bãi biển tại resort nơi 2 vợ chồng lưu trú có cắm cờ đen, có nhân viên cứu hộ và đặt cả biển cảnh báo “Không được tắm biển” bằng 3 thứ tiếng. Còn nhớ vào ngày 10/8, đoàn khách hơn 300 người của Công ty SRITHAI Bình Dương tổ chức đi du lịch tại resort Đất Lành ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Đến 17h cùng ngày, một nhóm nhân viên công ty này xuống tắm biển thì bị sóng lớn cuốn trôi khiến 5 người tử vong và 1 nhân viên bảo vệ resort. Tiếp theo là vụ đuối nước của nhóm thanh niên ở Bảo Lộc, Lâm Đồng xuống du lịch và tắm biển ở Hàm Tiến, Phan Thiết cũng trong lúc sóng lớn khiến 4 người tử vong, 3 người thoát chết...
Trước tình hình đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã có công văn cảnh báo nhằm hạn chế các tai nạn đuối nước tại các bãi biển công cộng và các doanh nghiệp du lịch, thể thao trên địa bàn toàn tỉnh. Sở đề nghị các địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, tiếp tục tăng cường các trang thiết bị, phương tiện để thay thế và bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo công tác cứu hộ, cứu đuối; tăng cường lực lượng nhân viên trực cứu hộ, cứu đuối sẵn sàng để ứng phó kịp thời. Yêu cầu các đơn vị nêu trên cần chủ động tuyên truyền, thông báo đến du khách và kiên quyết, hạn chế cho du khách tắm biển trong điều kiện thời tiết xấu. Thế nhưng dù nhiều nơi đã đặt biển cảnh báo, cấm nhưng 1 số du khách vẫn bất chấp xuống tắm biển...Theo anh Joe Cao, người từng sống ở Bình Thuận nói với chúng tôi: “Trong năm 2019 biển Bình Thuận đã lấy đi hơn 10 sinh mạng, nếu không có biện pháp hữu hiệu để cảnh báo hỗ trợ cho du khách thì sẽ mất hết khách. Theo tôi cần đưa ra khung giờ bơi cụ thể; các resort trong thời gian du khách tắm biển phải luôn túc trực có đội cứu hộ; đưa ra giới hạn khu vực nước thấp và an toàn cho du khách”. Ngay cả người dân địa phương nơi đây còn nói: “ Tụi em mùa này còn không dám xuống tắm dù biết bơi, kiểu sóng lừa, sóng đá gà nguy hiểm lắm, nhìn bình yên thế nhưng lại kéo ngầm phía dưới đẩy ra xa.”-Ngọc Ẩn cho biết thêm.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi có hỏi thêm PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, được ông chia sẻ: Dòng RIP thường được hình thành giữa hai doi cát ngầm hoặc là tại đầu các công trình biển. Vận tốc cực đại trong dòng RIP khi sóng lớn có thể đạt tới 2m/s, tức là có thể cuốn phăng người bơi giỏi ra khơi.Dòng RIP rất dễ nhìn thấy. Để tránh dòng RIP, ta chỉ cần nhin bãi biển một cách tổng thể. Nếu sóng mạnh thì cần phải tránh xa những chỗ nước lặng mà chọn những chỗ có sóng vỡ để tắm. Nếu không biêt bơi thì đừng xuống biển khi sóng mạnh; nhưng nếu vẫn muốn tắm trong sóng mạnh thì chỉ nên ra tới chỗ có độ sâu đến khoảng ngang thắt lưng. Độ sâu này cho phép ta có thể đứng dậy, cắt ngang dòng RIP để trốn vào bờ. Bạn cũng có thể dùng phao để tắm và bám vào phao, mặc cho dòng trôi đi vì nhất định sẽ có người đến cứu... Thường tại các bãi du lịch, để đảm bảo an toàn, hàng ngày các nhân viên cứu hộ đã được đào tạo về dòng RIP luôn quan sát mặt biển, phát hiện dòng RIP và cắm cờ, cấm du khách tắm xung quanh khu vực dòng RIP. Bãi Hàm Tiến – Mũi Né nói riêng và các bãi biển Bình Thuận nói chung là các bãi lở nên có đáy rất dốc. Nếu người đi tắm không biết bơi, khi người đó bị dòng rip mang ra xa bờ sẽ lập tức bị đưa vào chỗ có độ sâu lớn và chết đuối. Vậy khi có sóng lớn thì người không biết bơi không được tắm ở bãi các này để đề phòng rủi ro đuối nước. Ngoài ra, cần tổ chức lớp đào tạo bài bản cho các nhân viên cứu hộ về các quá trình động lực ven bờ và dòng RIP để nhân viên cứu hộ biết phân biệt dòng RIP và cứu du khách bị dòng RIP cuốn ra xa...
Bình Thuận có 192km bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp, thế nhưng thời gian gần đây xảy ra các vụ đuối nước rất thương tâm. Ngoài việc cảnh báo, tuyên truyền cho du khách thì ở các bãi tắm cũng tăng cường nhân viên cứu hộ trực thường xuyên, đầu tư ca nô để kịp thời ứng cứu,chăng dây cấm những chỗ nguy hiểm và điều hơn hết là du khách trước tiên cần tự bảo vệ tính mạng của mình, không nên tắm khi biển động, sóng to, gió lớn nhất là ở những đã có biển cấm để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.