Bất động sản khu Đông hướng đến đô thị sáng tạo
Bất động sản 19/08/2019 14:35
Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc các mạng công nghiệp 4.0 của thành phố và khu vực, trên nền tảng kinh tế tri thức.
Khu Đông – hạt nhân kết nối
Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, nhà khoa học cho rằng cuộc cạnh tranh của các quốc gia thực chất là sự cạnh tranh của các siêu đô thị. Trong các siêu đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh rất khó để nâng toàn bộ năng lực cạnh tranh tương đồng với các siêu đô thị khác trong khu vực. Nên thành phố chọn một điểm trọng yếu, chọn một nơi có khả năng phát triển và đó là phía Đông như hiện nay là phù hợp nhất trong bối cảnh còn nhiều giới hạn.
Khu Đông có nhiều ưu thế để thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TP.Hồ Chí Minh bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, đây là địa điểm có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi. Hạ tầng góp phần hình thành khu đô thị sáng tạo là khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, khu văn hóa dân tộc; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang hình thành như tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1 A, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cảng Cát Lái (cảng lớn nhất TP.Hồ Chí Minh hiện nay)… Đây là các khu vực đã và đang tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao có thể liên kết với nhau.
Khu Đông gồm 3 quận: quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo của thành phố. |
Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ tạo nên sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả với chức năng là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hạ tầng kỹ thuận hiện đại. Khu Đông tương lai sẽ hình thành chuỗi giá trị gia tăng với trung tâm kinh tế sầm uất, giáo dục khoa học sáng tạo phát triển nhất Đông Nam Á. Đây sẽ là khu đô thị hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế của thành phố và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững, góp phần nhân rộng mô hình này trong chiến lược phát triển đô thị chính sách và tầm nhìn phát triển đô thị giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025.
Bất động sản theo định hướng đô thị thông minh
Với mục tiêu, tầm nhìn hướng đến đô thị thông minh, TP.Hồ Chí Minh đã có những chuẩn bị về cơ sở hạ tầng như các tuyến đường Metro, các tuyến giao thông vành đai chính, các tuyến đường kết nối ra các tỉnh thành ven thành phố… nhằm đáp ứng nhu cầu của một siêu đô thị trong tương lai. Hiện TP.Hồ Chí Minh đang huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng khu đô thị sáng tạo tích hợp 3 quận phía Đông Thành phố là quận 2, 9 và Thủ Đức. Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh đang tiến hành đẩy mạnh đầu tư các dự án để xây dựng thành phố thông minh như khu đô thị sáng tạo phía Đông, 7 chương trình đột phá và 127 dự án trọng điểm của thành phố.
Hạ tầng khu Đông Sài Gòn liên tục được đầu tư với tuyến metro, cao tốc, đường vành đai kéo theo dự án bất động sản ồ ạt mọc lên. |
Các công trình bất động sản tại thành phố sẽ phát triển theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, internet… trong bất động sản, phát triển đô thị hay các công trình, nhà ở. Thành phố thông minh sẽ hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Tương lai, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng... Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc. Cùng với đó, người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối internet băng thông rộng, các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp, các cơ hội để được học hành, chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.
Với định hướng của thành phố trên, tại hội thảo "Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, một số nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn cùng thành phố xây dựng thị trường bất động sản, đô thị thông minh, trong đó bước đầu là những cam kết xây dựng các tòa nhà thông minh. Những bước đi khởi đầu nhỏ như thế này là sự chuẩn bị, góp sức cần thiết để biến một đề án lớn thành hiện thực. Đại diện nhiều doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng, khi các chương trình này được triển khai có kết quả, thị trường sẽ được khơi thông để phát triển mạnh và bền vững hơn. Đặc biệt, khu Đông thành phố, nơi đang có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn tập trung phát triển dự án như Vingroup, Khang Điền, Novaland, Đại Quang Minh… Các doanh nghiệp này đã phát triển nhiều dự án với đa dạng phân khúc tại quận 2, quận 9, dọc các trục giao thông lớn khu vực Mai Chí Thọ, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành, Dầu Giây, gần khu công nghệ cao.