Bài 1: Bản lĩnh vượt qua thử thách
Vấn đề hôm nay 31/07/2020 10:42
Nhiều khó khăn, thách thức
Trong 5 qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp và khó dự đoán; xu hướng đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc, cạnh tranh chiến lược địa chính trị, địa kinh tế giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, tác động sâu sắc đến mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, sắc tộc, tôn giáo trên toàn cầu, trong đó có sự khủng hoảng suy giảm của thị trường dầu mỏ. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cùng với xu hướng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mới tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực trên thế giới, trong đó có ngành Dầu khí.
Ở trong nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng củng cố, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao. Trong nhiệm kỳ khóa XII, Đảng ta đặc biệt quan tâm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hành chính, cải cách thể chế.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Lần thứ 12 của Đảng ủy Tập đoàn PVN |
Giai đoạn 2015 - 2020, Tập đoàn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn:
Về khách quan: Giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp, tình hình Biển Đông phức tạp, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do dịch bệnh Covid - 19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Công tác quản lý Nhà nước về Dầu khí, các chính sách phục vụ phát triển bền vững Tập đoàn còn bất cập, thiếu thống nhất, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị chậm được thể chế hóa, chưa tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh đồng bộ, xuyên suốt cả chuỗi giá trị. Các đơn vị dịch vụ, trung nguồn và hạ nguồn chịu chung tác động khó khăn từ khâu thượng nguồn; thị trường, việc làm, thu nhập của người lao động trở nên thách thức.
Về chủ quan: Tập đoàn đã bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng nguồn lực, năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị. Vừa qua, Tập đoàn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong giai đoạn trước, hệ lụy không tránh khỏi, đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư tưởng người lao động, uy tín và thương hiệu của Tập đoàn.
Mặc dù vậy, Tập đoàn đã luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của các bộ/ngành/địa phương. Ngay sau Đại hội II, Đảng ủy Tập đoàn đã khẩn trương ban hành các quy chế làm việc, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thông qua tổ chức đảng và đảng viên là lãnh đạo các cấp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Hằng năm, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác, điểm mới trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã thảo luận, lựa chọn ưu tiên để giao nhiệm vụ cho cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy/đơn vị trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn; Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hóa, triển khai thực hiện.
Đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước
Công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước đã được Tập đoàn triển khai theo chương trình công tác và ngân sách được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, tối ưu dòng tiền phù hợp với từng loại hình dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển khai thác. Hoàn thành công tác thu nổ địa chấn 2D thuộc dự án PVN-15 và thu nổ địa chấn 3D theo chương trình công tác hằng năm của các lô hợp đồng dầu khí. Khai thác hiệu quả các mỏ hiện có; phát triển và đưa các mỏ dầu khí vào khai thác hợp lý. Triển khai thực hiện trích lập Quỹ thu dọn các mỏ, bảo đảm hoàn nguyên môi trường sinh thái khi các mỏ đã hết khả năng khai thác. Trong 05 năm qua, Tập đoàn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch khai thác dầu khí hằng năm Chính phủ giao (kể cả giao bổ sung tăng thêm như năm 2017): Tổng sản lượng khai thác dầu khí ước đạt 150,3 triệu tấn quy dầu, vượt 0,2% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Vững vàng và quyết tâm vượt mọi gian khó của người lao động dầu khí. Qua đó đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước |
Hạ tầng ngành công nghiệp khí dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hệ thống các đường ống dẫn khí được vận hành an toàn, cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và tiêu dùng dân sinh. Nguồn khí được cung cấp để: sản xuất điện chiếm 31-33% sản lượng điện toàn quốc; sản xuất đạm trên 1,6 triệu tấn/năm, chiếm 70-75% nhu cầu nội địa. Triển khai việc nhập khẩu và phân phối khí LPG và CNG cho hộ công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong cả nước. Áp dụng các chính sách thúc đẩy sử dụng khí, đa dạng hóa hình thức đầu tư xây dựng nhà máy điện khí, khuyến khích nghiên cứu sử dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường... Huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh khí, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghiệp khí.
Các dự án trong lĩnh vực chế biến dầu khí được tập trung triển khai; sản xuất xăng dầu ước đạt 52,74 triệu tấn, vượt 1,4% chỉ tiêu; Sản xuất đạm ước đạt 9,72 triệu tấn, vượt 23% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đáp ứng 70 – 75% nhu cầu đạm trên thị trường và bước đầu đã xuất khẩu. Các nhà máy đạm, lọc - hóa dầu được vận hành an toàn, công tác bảo trì, sửa chữa thường xuyên, định kỳ được tuân thủ đúng yêu cầu của nhà chế tạo và theo kế hoạch.
Tập đoàn tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với các dự án điện đã hoàn thành, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Sản xuất điện ước đạt 128,84 tỷ kWh, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đầu nhiệm kỳ, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do giá dịch vụ và khối lượng công việc suy giảm theo diễn biến của giá dầu; các nhà thầu dầu khí dừng/giãn, cắt giảm khối lượng công việc và giá dịch vụ, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt… Hai năm 2018 - 2019, giá dầu phục hồi đã giúp lĩnh vực dịch vụ dầu khí có chuyển biến tương đối thuận lợi, doanh thu dịch vụ dầu khí 5 năm 2016 - 2020 đạt 895 nghìn tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực dịch vụ 5 năm đạt 55,1 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng dịch vụ 9%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Hầu hết các đơn vị dịch vụ có đủ năng lực để thực hiện các yêu cầu dịch vụ dầu khí chất lượng cao, tham gia thực hiện công trình quốc phòng trên biển.
Tập đoàn đã tích cực tham gia phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và sản phẩm xăng dầu để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hiện tại thị phần phân phối xăng dầu trong nước của Tập đoàn (thông qua PVOil) chiếm trên 14%, với sản lượng trung bình khoảng 3,0-3,07 triệu tấn/năm đứng thứ hai (sau Petrolimex).
Từ nỗ lực trong sản xuất – kinh doanh, kết quả tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 3.514,6 nghìn tỷ đồng, vượt 6,5% chỉ tiêu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,3% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Còn tiếp.