Vụ doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Thực hiện liên doanh liên kết theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
Kinh tế 28/12/2020 15:16
Cơ sở pháp lý vững chắc
Hơn 15 năm qua, các DN ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết theo Mô hình phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ môi trường với VQG Cát Bà là được sự cho phép của cơ quan chức năng, được xã hội, du khách và chính quyền Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao. Điều này đã khẳng định, DN không thể tự mình “nhảy dù” vào VQG Cát Bà để xây dựng công trình và kinh doanh du lịch ngay giữa thanh thiên bạch nhật và kéo dài hàng chục năm mà không có một cá nhân, tổ chức nào đến kiểm tra, xử lý.
Nếu quy trách nhiệm cho DN xây dựng công trình du lịch sinh thái "trái phép, không phép", vậy phải xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm buông lỏng quản lý của các cơ quan công quyền TP Hải Phòng? |
Mặc dù Mô hình phát triển du lịch sinh thái này cho đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên bằng các Văn bản hành chính cụ thể, UBND TP Hải Phòng vào các giai đoạn kế tiếp vẫn cho phép thực hiện “Đề án phát triển du lịch sinh thái VQG Cát Bà”, dựa trên những thành công về mặt kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thu hút lao động, đóng góp ngân sách, bảo vệ biển đảo… mà mô hình thí điểm mang lại, cụ thể:
Ngày 30/10/2006, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 2355/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Điều tra, quy hoạch VQG Cát Bà giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Ngày 4/12/2012, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phê duyệt Quyết định số 2119/QĐ-UBND “về việc Phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái VQG Cát Bà”.
Ngày 14/1/2014, cũng ông Dương Anh Điền đã ký tiếp Quyết định số 2501/QĐ-UBND “về việc phê duyệt đề án Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững VQG Cát Bà đến năm 2020”. Trong đó quy hoạch các điểm du lịch gồm: Phân khu dịch vụ hành chính, đảo Cát Dứa, đảo Năm Cát, bãi Tháp Nghiêng, bãi Tai Kéo…
Quyết định số 2119 QĐ-UBND năm 2012 của UBND TP Hải Phòng về Phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái VQG Cát Bà chính là cơ sở pháp lý, tạo niềm tin cho DN an tâm đầu tư, gắn bó lâu dài với hòn đảo Cát Bà. |
Đặc biệt năm 2017, UBND TP Hải Phòng trong thời gian ngắn đã ban hành 2 văn bản hành chính cho phép hoàn thiện thủ tục để tiếp tục kinh doanh dịch vụ du lịch tại VQG Cát Bà, bằng các Quyết định số 2360/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đồng ký ngày 11/9/2017“về việc phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn QG Cát Bà. Và Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của UBND TP Hải Phòng quy định về giá thuê môi trường rừng VQG Cát Bà.
Tại Văn bản số 2932/KHĐT-KTN ngày 3/11/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng khẳng định: “về việc chấp thuận dự án đầu tư Mô hình du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn khu vực Hang Chống Bỏi, Bãi Tai Kéo” theo Thông báo số 33/TB-UBND của huyện Cát Hải ngày 5/4/2010 được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và pháp luật có liên quan, không thuộc trường hợp thực hiện thủ tục về đầu tư tại Sở KH&ĐT theo Luật Đầu tư năm 2005.
Những Văn bản hành chính do các cơ quan công quyền TP Hải Phòng ban hành chính là cơ sở pháp lý vững chắc, thể hiện sự quan tâm, nhìn nhận về một Mô hình thí điểm phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ môi trường theo hình thức liên doanh, liên kết giữa VQG và DN là đúng đắn, hiệu quả tạo niềm tin, sự vững tâm cho DN an tâm đầu tư, gắn bó lâu dài với hòn đảo Cát Bà.
Cần truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan
Nhưng đáng tiếc sang năm 2018, các Quyết định số 2360 và Quyết định số 33 nêu trên đã bị UBND TP Hải Phòng thu hồi lại (không rõ lý do, không lời giải thích). Và từ thời điểm này, các DN làm du lịch và lãnh đạo VQG Cát Bà (liên quan đến ký kết hợp đồng) phải đối diện với áp lực khủng khiếp, bị quy chụp là sai phạm, vi phạm pháp luật, bị CQĐT khởi tố vụ án về tội lợi dụng chứ vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và tới đây sẽ khởi tố bị can; công trình du lịch sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ. Bao công sức, tài sản hàng trăm tỷ đồng của DN, thậm chí đánh cược mạng sống để ra biển đảo – nơi đầu sóng, ngọn gió thực hiện Mô hình thí điểm sẽ trắng tay, phá sản.
Câu hỏi đặt ra, chẳng nhẽ suốt 15 năm qua việc ký kết, hợp tác giữa DN và VQG Cát Bà theo đúng chủ trương, cho phép của Thủ tướng, Bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng TP Hải Phòng là sai trái? Nếu đã thấy rõ việc làm này là vi phạm pháp luật vậy tại sao các sở, ngành vẫn có thể “tham mưu” và đề nghị UBND TP Hải Phòng ban hành nhiều Văn bản liên quan đến vụ việc. Đồng thời cũng chính các cơ quan này sau đó lại có thể “tham mưu” ngược để UBND TP Hải Phòng thu hồi lại các văn bản do chính mình ban hành một cách vô tội vạ, liệu có khuất tất, lợi ích nhóm hay không?
|
Dư luận cho rằng, nếu xem xét đến trách nhiệm cá nhân và tập thể thì trước tiên cần phải tiến hành làm rõ và quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý Nhà nước từ UBND huyện Cát Hải cho đến các sở, ngành và UBND TP Hải Phòng (cho phép VQG Cát Bà ký kết hợp đồng với DN); vấn đề buông lỏng quản lý để DN xây dựng công trình dịch vụ du lịch theo Mô hình thí điểm phát triển du lịch sinh thái (bị cho là không phép, trái phép). Có như vậy mới công tâm và khách quan để xử lý vi phạm giữa các bên liên quan, vì lỗi không thuộc về DN hay lãnh đạo VQG Cát Bà gây ra?
Đặc biệt là cần làm rõ việc Thường trực Thành ủy, UBND TP Hải Phòng ban hành các Thông báo chấp thuận và cho phép một Tập đoàn tư nhân quy hoạch tổng thể, cục bộ VQG Cát Bà có đúng với quy định của pháp luật về công tác bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới, quy định của Điều lệ Đảng hay không?
Tại Văn bản số 2932/KHĐT-KTN ngày 3/11/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng, về việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động liên doanh liên kết tại VQG Cát Bà, trong đó có nêu “việc liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái được thể hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và pháp luật liên quan, không thuộc trường hợp thực hiện thủ tục về đầu tư tại Sở KH&ĐT theo Luật Đầu tư năm 2005”.
Như vậy việc liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và pháp luật liên quan. Vậy hà cớ gì lại đi quy kết DN xây dựng công trình dịch vụ du lịch là vi phạm Luật DN, Luật đầu tư…?
Ngày mới Online tiếp tục thông tin vào các kỳ tiếp theo!