Vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo thoát nghèo
Thị trường 14/04/2024 14:57
Đây là nội dung trong báo cáo tham luận của đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Đại diện ngân hàng cho biết, hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách giúp giảm 14,6 nghìn hộ nghèo trên toàn tỉnh. Đồng thời, thu hút và tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động, trong đó có gần 590 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; khoảng 3.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân cho vay hơn 82.000 lượt hộ nghèo. Ảnh minh họa. |
Trong năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng trên 57.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Hỗ trợ xây hơn 750 căn nhà cho ngộ nghèo, các gia đình chính sách,...
Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 6/11 nội dung thành phần của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và 8/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Cụ thể, đối với chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và cận nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân cho hơn 34,2 nghìn hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 2.380 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ các chương trình này là 7.453 tỷ đồng, với hơn 115.000 hộ đang còn dư nợ.
Các trường hợp thụ hưởng chính sách đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả. Trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,99% xuống còn 3,52%, góp phần hoàn thành tiêu chí số 11 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Tập trung cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, việc làm cho 49.000 hộ, với hơn 3.400 tỷ đồng. Dư nợ hiện nay của các chương trình này hơn 10.200 tỷ đồng, với hơn 162.000 khách hàng còn dư nợ. Chương trình hỗ trợ người vay có nguồn lực đầu tư các mô hình OCOP, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị,...
Trong năm 2023 đã thu hút, tạo việc làm cho 11.000 lao động, tăng thu nhập cho người vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. |
Đối với Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã giải ngân 576 tỷ đồng đầu tư xây dựng trên 57.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Dư nợ chương trình đạt 2.268 tỷ đồng với 119.000 khách hàng còn dư nợ. Chương trình góp phần giúp các hộ gia đình khu vực nông thôn có vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài những kết quả đã đạt được, đại diện Ngân hàng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét kéo dài các chính sách đối với người dân tại các xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn. Thời gian kéo dài từ 2-3 năm sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
UBND tỉnh Thanh Hóa cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác qua ngân hàng để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các Chương trình MTQG, như: Phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; xuất khẩu lao động; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống,…