Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp
Sự kiện 19/09/2022 09:36
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển (một trong ba đột phá chiến lược), trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số… với quan điểm: lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể của cải cách hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Thủ tướng khẳng định, cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều là công cụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; trụ cột quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này rất cần có đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tính đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.800/17.700 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc đổi mới thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Trong đó, có 56/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất.
Nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa và đã có những kết quả bước đầu. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc |
Về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, 90% cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân.
Đến nay, đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình khoảng 550.000 văn bản/tháng, trong đó, 98% đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo nghị quyết của Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC và thúc đẩy quản lý, điều hành, giám sát dựa trên dữ liệu TTHC, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo đột phá trong cải cách TTHC, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30/9 hằng năm.
Cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và thực hiện tham vấn, lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; định kỳ đánh giá, công khai chỉ số nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan.
Triển khai có hiệu quả Đề án Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án số 06 để đạt được các mục tiêu phát triển KT-XH, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta có những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp là Hội nghị của chung tay cải cách, quyết tâm hành động; nêu rõ, sản phẩm sau Hội nghị là một Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh lại trong phát triển kinh tế, cần phối hợp hài hòa, hiệu quả, chặt chẽ, linh hoạt hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện đời sống nhân dân. Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.