Việt Nam – Nhật Bản kết nối hợp tác và phát triển
Tin tức - Sự kiện 23/06/2022 21:33
Dự hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các ông, bà Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc; cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện một số địa phương của Nhật Bản, các doanh Nhật Bản tại Vĩnh Phúc và Việt Nam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với khoảng 700 đại biểu tham dự tại các điểm cầu từ Việt Nam và Nhật Bản. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, đối tác, nhà đầu tư của Nhật Bản, tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, trong tiến trình phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xem các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, là trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh. Vĩnh Phúc đã có thời gian dài thiết lập mối quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, đặc biệt từ năm 1995, khi Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda của Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã tạo bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc với các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản. Trên cơ sở hợp tác về kinh tế, mối quan hệ hợp tác đó cho đến nay đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng phát triển rất tốt đẹp.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã có quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức với 2 tỉnh của Nhật Bản là tỉnh Akita từ tháng 3/2015, tỉnh Tochigi từ tháng 12/2021. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc cùng các địa phương của Nhật Bản triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực hướng tới sự thịnh vượng chung
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, trong tiến trình phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xem các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu |
Tỉnh Vĩnh Phúc luôn đánh giá rất cao chất lượng và hiệu quả các dự án của Nhật Bản. Các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) và các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc những năm qua đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là nền tảng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Vĩnh Phúc với các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản. Đến hết tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 435 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,33 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản có 59 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,62 tỷ USD. Nhật Bản tuy có số lượng dự án và vốn đăng ký xếp thứ 3 nhưng luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách tỉnh.
Với quan điểm “Các nhà đầu tư đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, do vậy tỉnh Vĩnh Phúc sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi, nỗ lực trong giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và luôn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cũng trân trọng đề nghị Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động kinh doanh tại Vĩnh Phúc đưa ra các sáng kiến thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển và những khuyến nghị cần thiết đối với các cơ quan chức năng của tỉnh để tập trung hỗ trợ, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm, thực hiện tốt cam kết về bảo vệ môi trường và tác động tích cực tới phát triển văn hóa – xã hội của địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023, sự kiện này là một minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả và thiết thực, giúp mở ra giai đoạn phát triển mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các đối tác Nhật Bản. Với vai trò tiên phong, đồng hành, hỗ trợ, Bộ Ngoại giao, sẽ giúp các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc, Tham mưu, định hướng chiến lược, tư vấn chính sách, kịp thời thông tin về cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác với các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản; Tăng cường cảnh báo, phòng ngừa, kiến nghị xử lý các rủi ro, phức tạp có thể nảy sinh, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kỳ vọng sau Hội nghị này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với các đối tác của Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần vun đắp mối quan hệ “chân thành – tình cảm – tin cậy” giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao Bộ ngoại giao và tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác tổ chức hội nghị ngày hôm nay. Khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ thực chất, chiến lược trên mọi lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội. Điều đó được khẳng định qua những cuộc đến thăm và làm việc giữa Thủ tướng của 2 nước trong thời gian gần đây với những tuyên bố chung và hợp tác kinh tế giữa 2 bên hướng tới sự thịnh vượng chung.
Cho rằng vị thế địa lý là một thế mạnh, chính sách thu hút doanh nghiệp là điểm nhấn để Vĩnh Phúc trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp. Ngài Yamada Takio đánh giá rất cao nỗ lực của Vĩnh Phúc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Trên cương vị là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ngài Yamada Taki thực sự yên tâm khi các doanh nghiệp Nhật Bản quyết định đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Thông qua hội nghị lần này, ngài Yamada Takio mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quảng bá hình ảnh của Vĩnh Phúc để ngày càng có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc. Ngài Yamada Takio khẳng định Đại sứ quán Nhật Bản sẽ là cầu nối và nỗ lực hết mình để mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản với Vĩnh Phúc nói riêng không ngừng ngày một phát triển bền vững.
Hội nghị diễn ra phiên thảo luận với các bài tham luận của Thống đốc tỉnh Akita và tỉnh Tochigi, Nhật Bản; lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo VCCI; Trưởng đại diện Tổ chức JETRO; đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp của Nhật Bản, như Sumitomo, Sojitz, Toyota, Honda,... tập trung vào các nội dung về Vĩnh Phúc tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, tiềm năng, lợi thế đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp; tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu và định hướng hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh Akita và Tochigi, Nhật Bản; cơ hội và thách thức cho Việt Nam và Vĩnh Phúc; xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản và triển vọng của Vĩnh Phúc; sự khác biệt và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp – Lợi thế so sánh khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; Vĩnh Phúc - Lựa chọn đầu tư, phát triển dự án mới...
Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận hỏi đáp về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham quan hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; tham quan doanh nghiệp của Nhật Bản và khu trưng bày hỉnh ảnh hoạt động quan hệ hợp tác đối ngoại giữa Vĩnh Phúc và các địa phương của Nhật Bản.