VIDEO: Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”
TW hội 11/04/2024 15:56
Dự, chỉ đạo và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì Hội thảo.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo |
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Dự Hội thảo về phía tỉnh Ninh Bình có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo.
Đồng chí Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết: Cả nước hiện có gần 17 triệu người cao tuổi; trong đó có trên 7 triệu người vẫn đang tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; gần 750 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở; trên 300 nghìn người tham gia các tổ hoà giải và an ninh, trật tự ở thôn bản. Trong lịch sử phát triển của dân tộc, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp to lớn, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Đồng chí Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng của thế kỷ 21; già hóa là thành tựu của quá trình phát triển, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế, xã hội và văn hóa, lối sống cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội. Trong bối cảnh già hoá dân số nhanh cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách” là rất cần thiết. Hội thảo là luận cứ khoa học giúp cho Ban Tổ chức tổng hợp, chắt lọc các nghiên cứu, nội dung báo cáo trình Ban Bí thư tham khảo đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV, tổng kết Chỉ thị số 59/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Chăm sóc người cao tuổi” và xem xét, trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi trong tình hình mới; tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời thích ứng với xu hướng già hóa dân số nhanh, góp phần tạo dựng ngành “Kinh tế bạc ở Việt Nam”. Đồng thời cung cấp thông tin, dữ liệu khoa học để bạn bè quốc tế cùng tham khảo, trao đổi học thuật và khảo sát thực tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn bày tỏ vui mừng được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản lựa chọn Ninh Bình làm địa điểm tổ chức Hội thảo khoa học. Đồng chí đã thông tin khái quát về vị trí địa lý, lịch sử văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế xã hội sau 32 năm tái lập tỉnh, trong đó nhấn mạnh: Ninh Bình - Cố đô Hoa Lư với di sản lịch sử văn hóa đồ sộ, đậm đặc, phong phú, chứa đựng những giá trị độc đáo, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng, tạo nền tảng cho xây dựng một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và quốc tế, đảm bảo hậu cần sinh thái cho Thủ đô Hà Nội, cơ sở quan trọng cho phát triển xã hội hướng vào các chỉ số hạnh phúc, kiến tạo một vùng đất đáng sống trong đó có phúc lợi cho người già, nơi cung ứng dịch vụ chuyên biệt, chuyên sâu cho người cao tuổi, gắn với du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh già hóa dân số.
Đồng chí cho biết, trong thời gian tới, toàn tỉnh đang tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, xứng tầm với vị thế, tầm vóc lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, giá trị toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An; trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng; phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập sâu vào mạng lưới đô thị di sản, trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản và hệ thống đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 182.000 người cao tuổi, chiếm 16,2% dân số, trong đó có hơn 145.000 người cao tuổi là hội viên người cao tuổi. Chỉ số già hóa của tỉnh Ninh Bình đang có xu hướng tăng nhanh. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng và thực hiện các giải pháp để chủ động thích ứng với già hóa dân số, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chăm sóc, nâng cao phúc lợi, phát huy vai trò của người cao tuổi với bảo đảm nhân lực lao động trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện hiệu quả hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi. Nhờ đó, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh được chăm sóc ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện, tiếp tục đóng góp quan trọng cho phát triển của tỉnh. Trong tháng 4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ cho chủ trương thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh và cấp huyện, để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người cao tuổi.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Hội thảo được tổ chức cho thấy tinh thần đổi mới, nhạy bén, bám sát yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới khi đề cập một trong những vấn đề hết sức thời sự, quan trọng trước xu hướng già hóa dân số của nước ta; đồng thời tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Qua Hội thảo, tỉnh Ninh Bình cũng nhận thức được những vấn đề mới đặt ra đối với xu hướng già hóa dân số; cùng những giải pháp toàn diện hơn để có thể vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới xã hội, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giúp tỉnh Ninh Bình đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới để giúp tỉnh có điều kiện bảo vệ, chăm sóc và phát huy người cao tuổi tốt hơn, đóng góp tích cực vào mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản báo cáo đề dẫn tại Hội thảo |
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày cho biết: Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, từ năm 2011 Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số. Dự kiến, vào năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên 14%; đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25%, tỷ lệ người từ 65 trở lên chiếm trên 20% tổng dân số. Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già. Chính vì vậy, để thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng tiếp tục được cống hiến của một bộ phận người cao tuổi, nhất là phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao là người cao tuổi vào công cuộc phát triển đất nước, bên cạnh tư duy coi người cao tuổi là hồng phúc của dân tộc, là “tài sản”, là “nguồn tài nguyên” quý giá của đất nước, thì Đảng, Nhà nước cần có những hành động cụ thể, đó là ban hành các chính sách thích hợp, bảo đảm chăm sóc sức khỏe thể chất, đáp ứng nhu cầu tinh thần, nhu cầu tài chính của người cao tuổi… Việc xây dựng và ban hành chính sách phải bảo đảm tính đến các yếu tố đặc thù riêng của quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam; phải bám sát các thách thức đang đặt ra trong thực tiễn, đồng thời có tầm nhìn xa để nắm bắt các cơ hội, giải quyết các vấn đề trong dài hạn. Song song với bảo đảm năng lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị và phát huy được các nguồn lực từ cộng đồng, gia đình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tỉnh uỷ Ninh Bình và Tạp chí Cộng sản trong phối hợp tổ chức Hội thảo. Đây là hoạt động khoa học thiết thực, đề cập đến một vấn đề mang tính thời sự của đất nước, góp phần phục vụ việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, sửa đổi Luật Người cao tuổi, tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 59/CT-TW “Về chăm sóc người cao tuổi”, triển khai Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư “về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam”, tổng kết quá trình 30 năm xây dựng và phát triển của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Và đặc biệt, đóng góp vào việc tổng kết 40 năm đổi mới và cung cấp luận cứ tham gia xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Để nâng cao chất lượng và tính thiết thực của Hội thảo, đồng chí nhấn mạnh và gợi mở một số nội dung cần tập trung làm rõ về vai trò, đóng góp quan trọng của người cao tuổi; những thách thức của già hóa dân số; chính sách của Đảng, Nhà nước; kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị chính sách về thích ứng với xu hướng già hoá dân số. Mỗi ý kiến phát biểu, mỗi bài tham luận tại Hội thảo đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, mang nhiều tâm huyết, trí tuệ đối với người cao tuổi, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và mong muốn hiến kế với Đảng, Nhà nước về những giải pháp chính sách ứng phó với xu hướng già hoá dân số của nước ta. Sau Hội thảo, đồng chí đề nghị, Ban Tổ chức tích cực chắt lọc kết quả để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành liên quan làm cơ sở tham khảo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan.
Với tinh thần dân chủ, khoa học, đồng chí tin tưởng Hội thảo sẽ góp phần nâng tầm, đổi mới và phát huy có hiệu quả công tác người cao tuổi, để người cao tuổi tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc tham luận tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã có bài tham luận với chủ đề “Phát triển Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn cho người cao tuổi”. Đồng chí nhấn mạnh: Trong định hướng phát triển Du lịch: tỉnh đã và đang tập trung vào khai thác các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, thư giãn và chữa bệnh… Ninh Bình đang trở thành điểm đến thu hút khách du lịch là người cao tuổi, bởi những lợi thế về tài nguyên và tự nhiên độc đáo. Theo Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong phát triển Du lịch: “Tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng, của quốc gia và quốc tế; Là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An”. Do đó, bên cạnh phát triển du lịch xanh, đã đặt ra yêu cầu tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, là điểm đến du lịch bốn mùa cho du khách trong nước và quốc tế, nhất là du khách người cao tuổi.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cũng nêu rõ các nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới là: Tập trung phát huy các giá trị đặc sắc, nổi trội riêng có của địa phương về văn hóa - lịch sử - thiên nhiên - sinh thái. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng riêng cho nhóm du khách người cao tuổi. Thiết kế lịch trình du lịch phù hợp theo hướng: giãn thời gian tham quan, tăng thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu trước về thời tiết, khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa tại điểm đến để có những tư vấn hợp lý cho người cao tuổi. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch: tập trung xây dựng các mô hình nghỉ dưỡng riêng biệt, quan tâm chú trọng phát triển các loại hình du lịch “xanh”, du lịch sinh thái và các dịch vụ tiện ích. Tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị, phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như văn hóa bản sắc của vùng đất Cố Đô, trùng tu tôn tạo và xây mới các công trình, các chuỗi sản phẩm, hệ sinh thái phục vụ riêng biệt cho người cao tuổi. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, có các chính sách, định hướng để đẩy mạnh thu hút thị trường khách người cao tuổi trong giai đoạn tới. Đặc biệt là quan tâm xây dựng nét đẹp văn hóa thanh lịch, thân thiện, mến khách, cũng như cảnh quan thiên nhiên đa dạng hấp dẫn của vùng Cố Đô. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật đối với du lịch nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp với đối tượng khách du lịch là người cao tuổi…
Đồng chí cũng đề nghị trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển Du lịch của quốc gia cần tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ cho người cao tuổi để vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho người già, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời mong muốn các Bộ, ban, ngành Trung ương hướng dẫn, phối hợp với Tỉnh tổ chức nghiên cứu, định hướng xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam, làm cơ sở để đề ra các chính sách, định hướng thu hút, phát triển các loại hình du lịch cho du khách là người cao tuổi.
Quang cảnh Hội thảo |
Với 80 báo cáo tham luận, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế đã tập trung làm rõ những vấn đề chung về già hóa dân số; dân số và phát triển; vấn đề biến đổi cơ cấu xã hội, lao động - việc làm; vấn đề an sinh xã hội, an ninh con người ở Việt Nam… Thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam; những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, thách thức cần vượt qua và cơ hội cần nắm bắt. Bài học kinh nghiệm ứng phó với già hóa dân số của các quốc gia trên thế giới; Dự báo xu hướng già hóa và các giải pháp, khuyến nghị chính sách thích ứng bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam. Qua Hội thảo đã tạo nguồn “chất liệu” tin cậy để Ban Tổ chức chắt lọc, xây dựng báo cáo kiến nghị các giải pháp, chính sách để thích ứng với vấn đề già hóa dân số và dân số già nhằm góp phần tiếp tục chăm sóc và phát huy tốt hơn nữa vai trò của người cao tuổi, thúc đẩy phát triển kinh tế, quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam./.
Thu Dung (THNB)