Hơn 500 chuyên gia nhân sự tại sự kiện “HR CRISIS COMMUNICATIONS – làm gì khi nhân (sinh) sự?”

Tin tức 22/11/2018 09:06
“Vườn cũ” là tập thơ của Cao Khắc Tương với 57 bài nhỏ xinh; giọng thơ nghiêng về suy ngẫm, chiêm nghiệm của một người đã vượt ngưỡng “thất thập”. Dường như tiếc lắm quãng thời gian qua đi, nên ông đưa “Bóng câu qua cửa sổ”, làm bài mở đầu cho cả tập, tiếp đó là “Thời gian”. Ai cũng tiếc, cũng quý thời gian, nhưng với ông là sự “ngoái lại” rất đáng tự hào: Cùng ta như bóng với hình/ Thời gian tích tịch, tình tinh với đời/ Không vô cảm chẳng buông xuôi/ Theo ta đi suốt cuộc đời trả vay…
Cũng giống như nhiều NCT khác, niềm ao ước lớn nhất của ông là “mong thời gian trở lại”: Giá mà mua được thời gian/ Bán hết gia tài điền sản/ Mua cả ngàn ngày lãng mạn/ Cho thơ lục bát ngát mây trời/ Cứ mặc cho thời gian trôi/ Hết lại kiếm tiền mua tiếp. Ông mong có thêm thời gian để: Vui cứ trùng trùng điệp điệp/ Cho đời vạn vạn lần hơn…. Với ông, người biết sử dụng thời gian hiệu quả là người giàu có: Đến với bạn bè gần xa/ Vô tư như là trẻ nhỏ/ Thời gian nắng mưa giông gió/ Có tiền ta lại mua thêm (Giá mà).
Cao Khắc Tương viết khá chắc tay ở mảng thơ lục bát, nhiều bài có chất lượng tốt. Trong bài “Lên Đèo Ngang” ông có những câu thơ khá hình ảnh: Nửa đêm đến đỉnh Đèo Ngang/ Giơ tay định hái trăng vàng cầm chơi/ Trùng trùng sóng biếc biển khơi/ Trăng nghiêng đầu, ngó xe trôi bồng bềnh/ Bao la núi kết giăng thành/ Mênh mông cảnh thực tưởng mình…đang mơ.
Trong mạch thơ thế sự, tác giả có những bài “Ở đời”, “Suy ngẫm”, “Quên để nhớ” khá sâu sắc. Trong bài “Ở đời” ông chiêm nghiệm: Cứng quá không được/ Mềm quá không xong/ Cong coi chừng chết/ Thẳng lại mất lòng/ Tin bạn mất vợ/Tin bợm mất bò…Tác giả cũng cảnh báo: Mạnh thì đè yếu/ Cứng lại chống mềm /Họa đâu mà tránh/ Phúc đâu mà tìm. Còn ở bài “Quên để nhớ” ông lại triết lí: Nhớ quên không mua không bán/ Buồn vui cái mất cái còn/ Nhớ quên năm tháng mỏi mòn/ Cứ thế cả đời mang nợ/ Quên là quên để nhớ…
Cao Khắc Tương có lối quan sát tỉ mỉ, gọi tên chính xác các sự việc, bản chất, bài “Hoa đót” là một ví dụ: Không duyên dáng chẳng lẫy lừng/ Lẫn trong ngàn vạn cây rừng mà xanh/ Chẳng buồn thua chị kém anh/ Em là hoa đót phận đành thế thôi/ Quanh năm em sống với đời/ Siêng năng mà chẳng được người ngợi ca. Phận cây đót là thế, chỉ làm cái công việc “như là người dưng”: Đời nhiều rác rưởi tai ương/ Em lo làm đẹp chẳng nhường ai đâu…
Đọc thơ Cao Khắc Tương, thấy tác giả sống tình cảm, cao thượng, biết mình, biết ta. Ông chỉ có ước mơ giản dị: Cho con được sống những ngày thảnh thơi/ Để con lo trọn phận người/ Che mưa chắn gió cho đời bình yên/ Không màng Phật/ Chẳng mơ Tiên/ Làm người (ngay) giữa cõi thiền… nam mô…(Nguyện cầu).
Thời trẻ, Cao Khắc Tương là người đa tài và hào hoa, có nhiều mối tình đẹp với giai nhân. Nhiều câu chuyện tình của ông được một số nhà văn khai thác đưa vào tác phẩm văn học. Tập thơ này có số bài thơ tình khá lớn, bài lục bát: “Nợ” như một hồi ức thuở hoa niên: Nợ em một nụ cười duyên/ Nợ câu lục bát đảo điên vì vần/ Nợ màu xanh nụ tầm xuân/ Nợ đêm bên dậu cúc tần loanh quanh/ Nợ đôi mắt sáng long lanh/ Nợ duyên chưa thắm nên thành đa đoan/ Bao giờ nối lại dây loan/ Để ta trả nợ tình oan cho mình…
Vẫn mạch thơ viết về tình yêu, bài “Vườn cũ” đọc lên thấy kỉ niệm tình yêu còn tươi mới: Em về vườn cũ cùng anh/Tìm trái ổi xanh trên cành lá biếc/Tìm điều hối tiếc của thời mộng mơ/Tìm một tứ thơ vu vơ tuổi ngọc…
Tập thơ “vườn cũ” cho người đọc hình dung phần nào về tác giả. Dường như để mở lòng hơn với bạn đọc, ông có bài “Tự bạch” khá chân thật: Vừa làm thuốc vừa làm thơ/ Cả hai chung một ước mơ làm người/ Đã ít nói, lại hay cười/Ghét phường xu nịnh yêu người thẳng ngay.
Hóa ra, tuy là vườn cũ nhưng được tác giả dày công chăm chút nên lúc nào cũng rộn tiếng chim ca.
Nguyễn Đình