Về đất núi mùa mưa
Văn hóa - Thể thao 25/06/2024 14:26
Nhanh nhảu pha ấm trà trưa để tiếp khách phương xa, anh Chau Xưng, ở xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho hay, mùa mưa đến cũng là lúc nông dân có đất sản xuất ở những khu vực nước thủy lợi chưa vươn đến, bắt tay vào vụ sản xuất chính trong năm. “Những ngày gần đây, có mưa lất phất nên tôi mừng trong bụng. Năm nay mưa trễ, mùa vụ chậm lại cả tháng nên đời sống nông dân cũng khó khăn. Bây giờ, tôi chỉ mong mưa nhiều hơn để kịp xuống giống, kiếm đồng vô lo cho gia đình. Đất đai mấy tháng bỏ không, trong nhà nguồn thu giảm hẳn. Tôi đi làm mướn, cuộc sống chỉ tạm đủ. Phải có thêm mấy công ruộng trong mùa mưa, mới tích lũy được ít tiền lo cho con cái đi học” - Chau Xưng nói.
Với những nông dân như Chau Xưng, có mưa tức là có niềm hi vọng. Cách đây cả tháng, anh làm đất sẵn chờ mưa. Giờ “nước trời” đã về, việc của nông dân là cố gắng chăm sóc mấy công ruộng thật tốt để có thu nhập khá hơn. “Mình không sợ cực, chỉ sợ ông trời không cho mưa sớm. Thường ngày, tôi lên núi Cấm làm vườn thuê, cũng đỡ phần lo. Qua mùa hạn này, nông dân Bảy Núi mừng không kể xiết. Ít ra, mình cũng tạo được nguồn thu từ mảnh đất khô cằn. Ở những khu vực có máng nước thủy lợi, người ta trồng tỉa quanh năm. Do đất mình ở xa, nên nước không tới được. Giờ tôi chỉ mong mưa lớn, đủ nước xuống giống là vui lắm” - Chau Xưng chia sẻ.
Những nông dân có nguồn nước dự trữ đã bẻ cử trái đầu tiên. |
Tại khu vực Tà Lọt, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên và Châu Lăng, huyện Tri Tôn, nông dân vẫn đang chờ thêm vài đám mưa để xuống giống. Ghé thăm ông Nguyễn Văn Đức, 63 tuổi, ở xã Châu Lăng cho hay, lượng nước mưa chưa đủ để nuôi hạt giống nảy mầm, nên dân làm rẫy phải chờ. Chỉ có chủ vườn trên khu vực triền dốc tạm thấy yên lòng, bởi lớp đất có đủ độ ẩm để nuôi cây trồng bước vào mùa trái mới.
“Trời đã mưa, nhưng chưa đủ nước làm rẫy nên không ai dám xuống giống. Người nào có đất thấp, hồ trữ nước thì trồng tỉa lai rai, còn lại đa số vẫn đợi tới mưa già. Hiện đã trễ vụ rẫy, nên nông dân không gấp nữa. Nắng mưa là chuyện của trời, mình có muốn cũng không được. Có mưa xuống, đất trời dịu mát nên con người cảm thấy dễ chịu hơn, không còn thấy ngột ngạt như đợt “hạn bà chằn” hồi tháng trước” - ông Đức cho biết.
Theo cái ngước nhìn của ông Đức, những mảng xanh đã về phủ khắp các triền dốc trên núi Cấm. Có mưa, sức sống thiên nhiên trỗi dậy không ngờ. Mấy vạt rừng hôm trước cây cối “trơ xương” nay đã xanh hẳn lên, khiến những nông dân như ông Đức cũng tạm yên lòng chờ mùa rẫy mới.
Cặm cụi giẫy mớ cỏ bờ, chăm chút cho đám khổ qua đang mùa cho trái, chị Nguyễn Thị Sáu, ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn vẫn xởi lởi trả lời câu hỏi của khách đường xa. Chị Sáu cho biết, mùa hạn năm nay gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân Tà Lọt, bởi mưa đến trễ kéo theo mùa rẫy ngắn đi.
“Nông dân Tà Lọt chỉ trồng rẫy được 6 tháng mỗi năm vào mùa mưa. Tức là “tay không, chân rỗi” hết 6 tháng hạn. Thời gian đó, nguồn thu đương nhiên không có, nên chúng tôi chỉ trông vào mưa. Năm trước, đầu tháng 2 âm lịch đã có mưa thì đến giữa tháng 4, tôi đã bẻ cử trái đầu tiên cân cho bạn hàng. May là mình có hồ chứa nước, nên xuống giống sớm hơn người khác, nhưng cũng èo uột lắm” - chị Sáu thiệt tình.
Nhìn những trái khổ qua (mướt đắng) lủng lẳng trên giàn, chị Sáu vẫn không giấu được nỗi lo. Dù có trái cân cho bạn hàng, nhưng khổ qua bị nắng nên cứ đèo đẹt, cong queo nhìn không đẹp mắt. Chưa kể, năng suất chỉ bằng một nửa so năm trước, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu.
Chị Sáu cho biết: “Năm trước, tôi cân khổ qua cho bạn hàng với mức giá 6.000 đồng/kg, năng suất hơn 1 công đất đạt 8 tấn. Năm nay, bán 9.000 đồng/kg, nhưng năng suất cao lắm chỉ được khoảng 4 tấn. Mình còn may mắn vì có nước xuống giống, còn người khác đành “bó tay” chịu trận, đâu thể trồng được cây gì để có nguồn thu. Hiện giờ, tôi đang cố gắng chăm chút cho đám khổ qua ăn trái thêm vài cử và xuống giống cây khác. Hi vọng sau đám khổ qua này, cái khổ của tôi và nông dân Tà Lọt trong mùa hạn năm nay cũng qua đi”.
Dù thời tiết năm nay không thuận lợi, nhưng nông dân có đất sản xuất phụ thuộc “nước trời” vẫn đang cần mẫn bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Với họ, mưa xuống cũng đồng nghĩa với niềm vui, vì thu được thành quả từ mảnh đất của mình sau mấy tháng để chúng phơi mình dưới cái nắng chói chang.