Từ ngữ báo chí: Thuần Việt và đúng chính tả
Xã hội 21/06/2024 09:57
Không thống nhất cách viết
Đất nước đã về một cõi suýt soát nửa thế kỉ nhưng đến nay khá nhiều tên tỉnh, thành, tên các dân tộc, tên cơ quan… mỗi tờ báo hay tạp chí (sau đây gọi chung là báo) viết một cách. Ví dụ: TP Buôn Ma Thuột (đúng phải là Buôn Ma Thuôt - không có dấu nặng) có báo viết Buôn Mê Thuột, có báo viết Ban Ma Thuột. Tỉnh Đắk Lắk (đúng phải là Dăk Lăk - và không có dấu sắc ở hai từ) có báo viết Đắc Lắc, có báo viết Dắk Lắc.
Đất nước ta có 54 dân tộc, nhưng ngoài viết đúng tên một số dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Thái… còn nhiều dân tộc khác mỗi báo có cách viết riêng. Ví dụ: Dân tộc Mông thì viết H’Mông, Mèo; dân tộc Êđê viết Ê-đê, ÊĐê, dân tộc M’Nông viết Mnông, Mơ Nông; dân tộc K’Ho viết Kơ Ho, Cơ Ho.
Tên người các dân tộc thiểu số cũng mỗi báo mỗi cách viết. Ví dụ: Anh Y Tun viết Ytun, YTun, chị H’Lay viết HơLây, Hơlay…
Những biên tập viên lâu năm như chúng tôi nhiều khi rất lúng túng trong việc sửa địa danh, tên dân tộc nào đó nghi là viết sai nhưng tra những từ điển lớn hay sách về chính tả của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thấy không thống nhất cách viết.
Cách viết một số địa danh, tên dân tộc, tên người như trên không thể khẳng định đúng hay sai vì chưa có từ chính thức trong các Từ điển Tiếng Việt.
Có những “lỗi chính tả” không thể chấp nhận, đó là viết sai tên cơ quan, đơn vị. Ví dụ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bỏ chữ “và” hay thay chữ “và” bằng dấu ngang (-). Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì thay dấu phẩy (,) và chữ “và” bằng dấu (-), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì bỏ chữ “và”, hay viết “một lèo” Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn. Thậm chí có báo chỉ viết hoa chữ đầu tên cơ quan, còn tên chức danh đều viết thường, chẳng hạn Bộ công an, Bộ tài chính, Viện nhà nước và pháp luật. (đúng phải là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Viện Nhà nước và Pháp luật). Tên các bộ luật cũng chỉ viết hoa chữ đầu, như Bộ luật dân sự (đúng phải là Bộ Luật Dân sự), Luật đất đai (Luật Đất đai). Tên các sở cũng viết sai tương tự như tên các bộ vừa nêu.
Tên doanh nghiệp như Công ty Bất động sản Quảng Tín, Công ty Kinh doanh, Đầu tư, Dịch vụ Hoa Lan… cũng tuỳ theo mỗi báo (có khi trên một tờ báo nhưng mỗi bài lại viết khác nhau) có cách viết riêng, như “Bất động sản”, “Đầu tư” là lĩnh vực kinh doanh gắn với tên doanh nghiệp phải viết hoa thì lại viết thường.
Từ sai nghĩa
Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, “dân tộc ta thời cổ không có chữ viết. Trong thời kì Bắc thuộc, tổ tiên ta đã mượn chữ của người Hán để dùng, nhưng không đọc theo âm Hán ngữ mà đọc theo âm tiếng Việt, và gọi là chữ Nho, tức chữ của người có học. Chữ Nho không ghi âm được tiếng Việt nhưng đã góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam suốt 2.000 năm cho tới đầu thế kỉ XX, khi bỏ chữ Nho, dùng chữ Quốc ngữ. Tuy vậy chữ Hán - Nho, Hán - Việt vẫn có vai trò quan trọng trong việc kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc ta, bởi từ Hán - Việt chiếm khoảng trên dưới 70% vốn từ về chính trị, kinh tế, khoa học, xã hội… Dù bị hết thế lực phong kiến này đến thế lực phong kiến khác ở phương Bắc đô hộ cả ngàn năm, tạm tính từ năm 207 TCN, tiếng Việt vẫn có sức sống mãnh liệt, không bị đồng hóa, mà ngược lại, đã mượn ngôn ngữ Hán để phát triển ngôn ngữ Việt, tức người Việt không mất tiếng Việt, bởi “tiếng ta còn thì nước ta còn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta. Có nhiều người có bệnh "dùng chữ Hán", những tiếng ta sẵn có không dùng mà dùng chữ Hán cho bằng được. Thí dụ: Ba tháng không nói ba tháng mà nói "tam cá nguyệt". Xem xét, không nói xem xét mà nói "quan sát",… Nhưng sẽ "tả" quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: Độc lập mà nói "đứng một", du kích thì nói "đánh chơi". Thế cũng là tếu. Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu. (Sửa đổi lối làm việc - tháng 10/1947).
Trong khá nhiều từ Hán, do không hiểu nghĩa nên có nhiều người dùng sai. Dùng sai lâu ngày đến mức như nhà ngôn ngữ học người Pháp Charles Bally viết: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”, có nghĩa là cái sai hiện nay nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ trở thành đúng trong tương lai.
Xin dẫn ra ba từ “điển hình dùng sai”:
Dự án (bản dự thảo một văn kiện về luật pháp hay về một kế hoạch cụ thể nào đó) được dùng rất phổ biến hiện nay nhưng trong nhiều trường hợp lại sai nghĩa. Ví dụ: “Sân bay Nha Trang sau 8 năm bị xẻ làm dự án”. Sân bay thì làm sao thay con người để “dự thảo”? “Dự án phim Mùa nước nổi là một tác phẩm điện ảnh kinh điển”. Mùa nước nổi ra mắt từ năm 1986 thì không thể là “dự án”!
Cứu cánh (là danh từ, nghĩa là mục đích cuối cùng). Ví dụ: Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: "Tất cả những cái anh đã viết, và sẽ viết sau này, đều theo một cứu cánh, chứ không thể bạ gì viết nấy”. Nhưng không ít người dùng chữ “cứu cánh” theo nghĩa giải pháp hoặc lối thoát, cứu giúp: “Cầu thủ X. xuất hiện trên sân cỏ như một cứu cánh cho đội bóng”, “Chính sách Y. là một cứu cánh cho nền kinh tế” (theo Liêu Hân trong bài Lai rai chữ nghĩa: "Cứu cánh" và "tang thương" - Báo Quảng Nam).
Vấn nạn (là động từ), nghĩa là hỏi vặn (vấn nạn điều nghi ngờ) nhưng nhiều phóng viên hiểu vấn nạn là “vấn đề khó khăn” đang phải đối phó, nên viết “Thành phố M. loay hoay giải quyết vấn nạn dạy và học thêm”, hay “Tham nhũng đã trở thành vấn nạn của đất nước”, hoặc “Bất nhẫn vấn nạn kiếm view, trục lợi từ những đám tang”…
Lâu nay có một từ Hán Việt khá phổ biến là từ “tặc” kết hợp với một số danh từ như tôm (tôm tặc), vàng (vàng tặc), cà phê (cà phê tặc) để chỉ những tên ăn trộm. Cách dùng này sai về ngữ nghĩa: Tặc là ăn cướp, đạo là ăn trộm. Thay vì dùng từ Hán - Việt, nên dùng chữ thuần Việt là “trộm” (trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê). Đặc biệt từ “đinh tặc” đang được nhiều báo dùng với nghĩa chỉ bọn rải đinh trên đường làm thủng lốp xe để vá hay thay với giá “cắt cổ”, trong khi “đinh tặc” có nghĩa là bọn ăn cướp đinh.
Không thể kể hết nhiều từ Hán - Việt hiểu sai nên viết sai, như “thăm quan” thay cho “tham quan” - đi chơi ngắm cảnh, chấp bút viết thành “chắp bút”, lặp lại viết thành “lập lại”, trùng lặp viết thành “trùng lắp”, hằng ngày viết thành “hàng ngày”, thập niên viết thành “thập kỉ”, điểm yếu thành “yếu điểm”, đi đường viết thành “tham gia giao thông”...
Tiếng Tây trong tiếng ta
Mượn tiếng nước ngoài để làm phong phú thêm tiếng trong nước là bình thường của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Ngoài tiếng Hán như kể trên, tiếng Việt “vay mượn” nhiều nhất là tiếng Pháp và tiếng Anh. Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 150 từ mượn tiếng Pháp trong tiếng Việt, như affiche (áp phích), auto (xe hơi), autobus (xe buýt), ballot (ba lô - túi đeo sau lưng)… và 25 từ tiếng Anh trong tiếng Việt, như beefsteak (bít tết), sandwich (bánh san quít), Yoghurt (ya ua - sữa chua), biscuit (bích quy), beer (bia), cream (kem), salad (xà lách, xa lát)…, tất cả đã Việt hoá.
Nhưng từ khi đất nước hội nhập sâu với thế giới, đang có một “trào lưu” dùng tiếng nước ngoài trên bảng hiệu, nhà hàng, khu du lịch, chung cư, nghệ danh nghệ sĩ, thậm chí để chạy theo “ngôn ngữ mới”, có cửa hàng thời trang còn đề bảng giá: “T-shirt: 120K” (áo thun giá 120.000 đồng). Và không thể không nói đến những bài viết nghiêm túc trên báo cũng chen tiếng Tây không đúng lúc, đúng cách (có khi dùng cả tiếng tắt), càng làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Ví dụ, có báo viết: “Tôi tin rằng, dù chúng ta đang ở thời kì VUCA nhưng doanh nghiệp vẫn là một động lực kinh tế quan trọng của đất nước”. VUCA là viết tắt của cụm từ đề cập đến sự hỗn loạn của thế giới ngày nay, với bốn khái niệm Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ), nhưng viết tắt như thế thì hầu hết người Việt không hiểu. Hay có báo dùng chữ “admin” thay cho quản trị viên, có bài thơ dùng “sorry” (xin lỗi): “Xin tặng anh chuột bó hoa”/ chuột ta sượng sịu, khóc oà: “Sorry”. Rồi những từ như cảm ơn, tiền, thể thao, cơ thể, đặt chỗ, kiểm tra, xu hướng được thay bằng thank you, money, sport, body, book, room, check, trend, như “Biết galant (ga lăng) và nhiều money là OK rồi”, “Dòm lại cái body của mình coi, có sport chút nào đâu”, “Dù đã book hai single room (phòng đơn) mà sếp vẫn không chịu”, “Chị khỏi cần phải check (kiểm tra) lại, em đã book rồi”, “Cứ theo trend mà làm…”.
Có một hiện tượng không thể không nói đến, đó là hiện nay trên báo chí có “phong trào học tập” cách viết của các nước phương Tây xa lạ với ngữ pháp tiếng Việt, như dùng dấu chéo (/), ví dụ “Một trong những nơi làm việc tốt nhất trong ngành đầu tư/kiểm toán/kế toán”, hay “Đọc báo/truyện bằng tiếng Anh, nghe nhạc/xem phim tiếng Anh” thay cho dấu phẩy(,); dùng dấu chấm (.) trong câu có trích dẫn lời nói hay văn bản trước dấu ngoặc kép (“), như “Nhà thơ A.P nói: “Làm thơ không khó, khó có thơ hay. “Theo bạn đúng hay sai?”; dùng dấu móc (‘) đóng mở trích câu văn hay lời nói thay ngoặc kép. Cách học như thế là khiên cưỡng, hay “nặng hơn” là làm hỏng cách viết tiếng Việt.
Tiếng ngoại quốc dùng tùy tiện, tràn lan đã tạo ra những câu văn rối rắm, pha tạp và gây phản cảm đối với người đọc, người nghe.
Xin nói thêm, trước đây có báo khi viết tên người, địa danh, tên nước ngoài thường phiên âm ra tiếng Việt để cho “đại chúng” thì nay đã dùng tiếng Anh thay thế. Đó là cách hay. Chẳng hạn Báo Nhân Dân từ số ra ngày 15/6/2021 đã dùng tên riêng nước ngoài theo cách viết tiếng Anh và mở ngoặc cách phiên âm để độc giả tham khảo. (Theo chúng tôi, không cần phải phiên âm vì ngày nay trình độ dân trí đã khá cao).
Thừa chữ, sai số, sai dấu
Có 6 chữ dùng thừa khá phổ biến, đó là “ngoài ra”, “sản phẩm”, “trong thực tế”, “hoạt động”, “cho mình”, “của mình”, “câu chuyện”, “các”. Ví dụ: 96% người được khảo sát nói cảm giác hòa hợp với hệ giá trị của doanh nghiệp là nền tảng để họ hài lòng, ngoài ra khoảng 50% người tham gia cho biết họ sẽ không bao giờ làm việc tại một doanh nghiệp mang tiếng xấu, cả khi lương cao”. 96%, 50% đều quan trọng như nhau, dùng “ngoài ra” (chỉ thêm vào) làm cho 50% ấy bị “coi rẻ”. Trong câu này và nhiều câu khác nữa dùng chữ “và” hay “đồng thời” mới đúng. “Sản phẩm áo thun ấy khá tốt”. Áo thun đã là sản phẩm, thêm chữ “sản phẩm” đầu câu là thừa. “Trong thực tế, khi xem xét các cuộc trò chuyện tại những buổi hẹn hò…”. “Khi xem xét…” đã là đủ ý, không cần phải “trong thực tế”. “Hoạt động khai thác cát trái phép”. Khai thác là động từ, thêm động từ “hoạt động” làm câu rườm rà. “Tuy nhiên, câu chuyện kinh doanh năm 2016 của Sợi Thế Kỉ đã dễ dàng hơn”. Sao không dùng “việc” cho đơn giản? “Tôi đưa cánh tay của mình lên cao”. Tôi là chủ thể thì cần gì “của mình” nữa. “Các tín đồ mua sắm đang cố tìm kiếm cho mình những món đồ ưng ý”. “Các tín đồ mua sắm” là chủ thể, thêm “cho mình” vừa thừa vừa lủng củng. “Trong tình hình khó khăn, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh”. “Doanh nghiệp đã là số nhiều, cũng như “công nhân” hay “Nhân dân”, thêm “các” vào là dư một số nhiều.
Một cách viết mà khi cần lắm trong kế toán người ta mới dùng, đó là thêm số 0 trước ngày 1 đến ngày 9, trước tháng 1 đến tháng 9, vậy mà không ít phóng viên “vô tư” viết “Quốc khánh 02/09”, “Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh kết thúc ngày 09 tháng 05/2024”. Đúng là vừa “học đòi”, vừa “thừa giấy vẽ voi”!
Còn rất nhiều cách dùng từ ngữ và ngữ pháp trong báo chí cần trao đổi, thảo luận để sao cho chính xác nhất. Với ý kiến này, có gì sai và sơ sót, mong được bạn đọc chỉ giáo.