Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Cán bộ Hội cần biết 27/04/2023 14:47
Khám sức khỏe cho NCT huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn |
Hỏi: Việc khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi (NCT) và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú được quy định thế nào?
Trả lời: Tại Điều 12 của Luật NCT quy định:
1. Việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho NCT được thực hiện như sau:
a) Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng; (lưu ý: Theo Công văn số 2413/BYT-KCB ngày 26/4/2013 của Bộ Y tế, thì độ tuổi trên đã được hạ xuống, còn từ 75 tuổi trở lên).
b) Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.
2. Các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT.
b) Phục hồi sức khỏe cho người bệnh là NCT sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình.
c) Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là NCT.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho NCT.
Tại Điều 13 của Luật NCT quy định:
1. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm sau đây:
a) Triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn NCT kĩ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe.
b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lí sức khỏe NCT.
c) Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho NCT.
- Căn cứ vào hướng dẫn kiểm tra sức khỏe định kì của Bộ Y tế, mức thu viện phí theo quy định hiện hành của địa phương và quy mô đợt kiểm tra sức khỏe; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe định kì cho NCT lập danh sách NCT khám sức khỏe định kì gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ lập dự toán trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện.
d) Trạm Y tế xã cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú cho NCT cô đơn, bị bệnh nặng và có trách nhiệm:
- Hỗ trợ chi phí đi lại Trạm Y tế xã đến nơi ở của NCT (đi và về) cho cán bộ y tế xã để đến khám bệnh, chữa bệnh cho NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ngoài tiền công tác phí theo chế độ hiện hành). Mức hỗ trợ tối đa 5.000 (năm nghìn) đồng/km đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tối đa 3.000 (ba nghìn) đồng/km đối với các vùng còn lại.
- Hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú cho NCT cô đơn, bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ tối đa bằng mức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã.
đ) UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ y tế và NCT cô đơn, bị bệnh nặng tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của Trạm Y tế xã. Mức hỗ trợ theo giá vé phương tiện vận tải hành khách công cộng hoặc giá thuê thực tế phương tiện vận chuyển (trường hợp không có phương tiện vận tải hành khách công cộng).
Hỏi: NCT tại cộng đồng có được kiểm tra sức khỏe định kì không? Ai chịu trách nhiệm thực hiện?
Trả lời: Tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư số 35/2011/TT-BYT quy định: Khám sức khỏe định kì NCT được thực hiện ít nhất 1 lần 1 năm. Ngoài ra, Điều 4 (Khoản 2) cũng quy định: Trạm Y tế xã có trách nhiệm hằng năm lập kế hoạch, dự trù kinh phí chăm sóc sức khỏe cho NCT tại địa phương, bao gồm cả khám sức khỏe định kì, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo quy định tại Thông tư số 96/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính).
Theo Công văn số 1728/BYT-KCB của Bộ Y tế ngày 30/3/2016 có ghi: Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế và và Giám đốc Bệnh viện ngành thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Thông tư số 35/2011/TT-BYT về chăm sóc sức khỏe cho NCT, chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh, thành phố khám sức khỏe định kì cho NCT ít nhất 1 lần 1 năm.
Trong Quyết định số 403/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 20/01/2021 về ban hành kế hoạch hành động thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 có nêu nhiệm vụ của các Trạm Y tế là “cần tổ chức khám sức khỏe định kì cho NCT”.
Tóm lại, NCT tại cộng đồng được khám sức khỏe định kì ít nhất 1 lần/năm và do Trạm Y tế lên kế hoạch, ngân sách tổ chức khám.
Hỏi: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng? Tổ chức, cá nhân nào quản lí các bệnh mạn tính cho NCT?
Trả lời: Tại Điều 4 của Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT quy định:
1. Trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn
a) Hỗ trợ chi phí đi lại từ Trạm Y tế xã đến nơi ở của NCT (đi và về) cho cán bộ y tế để đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho NCT đối với trường hợp NCT cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
b) Hỗ trợ chi phí hoặc phương tiện đi lại cho NCT cô đơn, bị bệnh nặng phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
c) Định mức hỗ trợ chi phí đi lại (quy định tại điểm a và điểm b nêu trên) được thực hiện cho cán bộ y tế xã để đến khám bệnh, chữa bệnh cho NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mức hỗ trợ tối đa 5.000 (năm nghìn) đồng/km đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng CP; tối đa 3.000 (ba nghìn) đồng/km đối với các vùng còn lại.
2. Trách nhiệm của Trạm Y tế xã
a) Triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 nêu trên.
b) Cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
c) Hằng năm, lập kế hoạch, dự trù kinh phí chăm sóc sức khỏe cho NCT tại địa phương, bao gồm cả khám sức khỏe định kì quy định Khoản 4, Điều 3, Thông tư 35 (được thực hiện ít nhất 1 lần 1 năm) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại thực hiện theo quy định tại Thông tư 96/2018/TT-BTC.
3. Người nhà, người thân của NCT có trách nhiệm chủ động chăm sóc sức khỏe NCT; phối hợp với tình nguyện viên và cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe NCT.
4. NCT có trách nhiệm tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; phối hợp với tình nguyện viên và cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
5. Khuyến khích cán bộ y tế nghỉ hưu tham gia tình nguyện viên hoặc tham gia tập huấn cho tình nguyện viên về kiến thức cần thiết trong chăm sóc sức khỏe NCT.
Tại Điều 6 Thông tư số 35/2011/TT-BYT quy định:
1. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các bệnh viện khác lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính cho NCT trong hồ sơ theo dõi, quản lí sức khỏe NCT.
2. Trạm Y tế xã có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lí sức khỏe, quản lí bệnh mạn tính cho NCT tại địa phương theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Hỏi: Những NCT nào được cấp thẻ bảo hiểm y tế?
Trả lời: Theo Điều 12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật số 46/2014/QH13) và Điều 5, 9, 18 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 về “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội” quy định những NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế (miễn phí) gồm:
- Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
- NCT thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
+ NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
+ NCT từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
+ Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng;
+ NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
+ Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.
+ Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định
hằng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng.
+ NCT từ 80 tuổi trở lên đang hưởng chế độ tuất bảo hiểm xã hội.
+ Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
+ Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
+ Người đang hưởng chính sách người có công.
Hỏi: NCT đang hưởng chế độ trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hằng tháng có được cấp thẻ bảo hiểm y tế không?
Trả lời: Tại Điểm b), Khoản 1, Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) quy định: “Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí”. Như vậy, NCT đang hưởng chế độ trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hằng tháng nếu dưới 80 tuổi sẽ không được cấp bảo hiểm y tế. Nhưng nếu từ đủ 80 tuổi trở lên thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế.