TP.Hồ Chí Minh có thể áp dụng hạn chế tụ tập đông người theo phạm vi phù hợp
Xã hội 09/02/2021 09:20
Tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh có, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố phòng, chống dịch Covid-19.
Cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh
Phát biểu mở đầu cuộc họp, trước tình hình TP.Hồ Chí Minh phát hiện nhiều ca nghi mắc trong cộng đồng,và đã lây lan ra nhiều quận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp thì càng phải bình tĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm và xử lý kiên quyết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây.Trước tình hình đó, cần thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng nhưng phong tỏa hẹp, xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo phạm vi phù hợp. Bộ Y tế sẽ dồn lực và sát cánh cùng TP.Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp quyết liệt để nhanh chóng dập dịch.
Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất khá phức tạp, chưa tìm được nguồn lây
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, ổ dịch được phát hiện trong nhóm 5 nhân viên bốc xếp hàng hoá tại sân bay Tân Sơn Nhất trong khoảng từ ngày 5/2 đến ngày 7/2. Các trường hợp nhiễm mới gồm 25 ca là F1 của các bệnh nhân trên cũng như là F1 của nhóm trường hợp nhóm bốc xếp của 5 công nhân. Tại sân bay, có 6 nhân viên xét nghiệm âm tính nhưng có người nhà là dương tính, đây là trường hợp khá phức tạp.
Do đó Thành phố nhận định đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước của các công nhân ở công ty bốc xếp này. Các ca bệnh sinh sống tại 7 quận gồm quận 1, 9, 12, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp.
Mặc dù chưa phát hiện lây nhiễm ở nhân viên trong tiếp xúc với hành khách nhưng có thể xác định đây là ổ dịch khá phức tạp, chưa tìm được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó, ổ dịch này có thể còn lây nhiễm trong cộng đồng trong thời gian tới nếu không có các biện pháp khẩn trương, quyết liệt,Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện một số biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cụ thể,Thành phố đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống y tế; nâng cao khuyến cáo trong phòng chống dịch; nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca lây nhiễm F1, F2; khoanh vùng dịch tễ, điều tra truy vết, F1 được cách ly tập trung, F2 được cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Hiện đã tiếp cận 324 F1 336 F2 của 29 ca bệnh trên. Khoanh vùng phong toả tạm thời các ổ lây nhiễm để tiêu độc khử trùng, khoanh vùng những ngừơi tiếp xúc và lấy mẫu đơn các ca tiếp xúc gần với F1, mẫu gộp các gia đình trong khu vực lây nhiễm, xét nghiệm toàn bộ nhân viên công nhân viên BV 175.
Đồng thời, ngành Y tế Thành phố đã phối hợp với Cảng vụ hàng không Việt Nam kiểm tra lại hoạt động của sân bay, đánh giá lại các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và có nhiệm vụ chấn chỉnh. Thực hiện xét nghiệm lại lần 2 đối với 1. 600 nhân viên bốc xếp. Để đảm bảo an toàn cho các hành khách đến và đi sân bay Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 24 giờ cách ly tạm.
TPHồ Chí Minh cần vào cuộc quyết liệt, vận động nhân dân thực hiện thông điệp 5K
Kết luận, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương ngành y tế các địa phương có dịch đã kịp thời áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, tổng lực và quyết liệt trong phòng chống dịch. Với cách làm sáng tạo đồng bồ, truy vết thần tốc, hiện tại các ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên xuất hiện mối lo ngại từ việc phát hiện ổ dịch ở nhiều quận tại TP.Hồ Chí Minh và nguy cơ lây nhiễm cao từ các ca nhiễm này trên địa bàn Thành phố. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu hệ thống y tế, hệ thống chính trị và chính quyền thành phố cần vào cuộc quyết liệt, vận động nhân dân thực hiện chủ trương 5k của ngành Y tế. Trước hết, hai việc phải làm ngay là đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người, kể cả các hoạt động văn hóa, tôn giáo...trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, có thể áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo kiến nghị của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, không chỉ riêng TP.Hồ Chí Minh, các Thành phố lớn đang có ca nhiễm đều có thể áp dụng các biện pháp mạnh để tránh lây nhiễm một cách triệt để. Đồng thời, cần xét nghiệm diện rộng ở những khu vực dễ lây nhiễm để truy vết triệt để và phát hiện sớm ổ dịch trong cộng đồng.
Ngoài ra, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ quyết định dừng bắn pháo hoa của 2 Thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, bởi đây là biện pháp tốt để phòng tránh việc tụ tập đông người. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại các trung tâm lớn của cả nước, Thủ tướng đề nghị mọi tổ chức, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp phải làm hết sức mình để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lây lan này, với những biện pháp cụ thể ở từng địa phương một cách phù hợp.
Đối với chủ trương khuyến khích người lao động và các chủ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ để hạn chế tối đa việc đi lại, tránh lây nhiễm trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây cũng là một biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch mà một số nước đã áp dụng. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương của Bộ Y tế mua vaccine của Tập đoàn AstraZeneca để người dân được tiếp cận ngay trong quý I/2021, bảo đảm phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, đối tượng cần tiêm chủng do ngân sách Nhà nước chi trả, trong đó, đồng ý phương thức xã hội hóa một cách cụ thể
Ngành y tế theo dõi, giao ban thường xuyên để hỗ trợ các tỉnh thành trong mọi tình huống; tham mưu thành lập bệnh viện dã chiến một số nơi đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Ngành công thương dự trữ sẵn sàng hàng hóa cần thiết để đáp ứng đủ cho người dân, đặc biệt là các sản phẩm trong phòng chống dịch như khẩu trang…
Hệ thống chính trị làm hết sức mình ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lây lan với biện pháp cụ thể. Các lực lượng chức năng, nhất là ngành công an, quân đội và các lực lượng quản lý thị trường… tăng cường những biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, không để tình huống xấu xảy ra.