Toyota Vios tự bốc cháy, luật sư “mổ xẻ ông lớn”
Thị trường 22/01/2021 16:26
Chiếc ô tô Toyota Vios của anh Nguyễn Thành An cháy trơ khung. |
Vụ cháy chiếc ô tô Toyota Vios (biển số 18A-133.31) của anh Nguyễn Thành An đã diễn ra từ hồi tháng 8/2020, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Mặc dù cơ quan công an kết luận chiếc xe Toyota Vios bị cháy không có sự tác động của người khác hoặc nguyên nhân khác, thế nhưng hãng xe Toyota vẫn bác kết luận của công an để từ chối bảo hành cho khách hàng.
Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về mặt pháp lý liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với luật sư Phạm Quang Xá, Công ty luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
PV: Thưa luật sư, để xảy ra những sự cố cháy xe nêu trên thì trách nhiệm của chủ xe, của hãng xe và của cơ quan nhà nước được pháp luật quy định như thế nào?
Vừa qua có nhiều vụ cháy nổ xe ôtô xảy ra, vậy vấn đề đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này?Theo tôi, trước hết phải tìm hiểu xem người chủ xe khi sử dụng xe có bảo đảm những điều kiện an toàn cho xe hay không?còn nếu do lỗi kỹ thuật thì hãng sản xuất sẽ chịu trách nhiệm.
Chiếc xe Toyota Vios màu đen bốc cháy dữ dội trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hồi tháng 10/2020. |
Tuy nhiên, về xác định nguyên nhân dẫn đến việc xe ô tô bốc cháy như: Lỗi hệ thống điện, rò rỉ nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu không đảm bảo, hệ thống ống thải quá tải, động cơ xe quá nóng…Do đó, sản phẩm được người tiêu dùng mua, sử dụng có thể rơi vào một trong hai trường hợp là “được bảo hành” hoặc “không được bảo hành”. Trường hợp do lỗi của nhà sản xuất thì người tiêu dùng sẽ được bồi thường nhưng nếu do nguyên nhân khác thì việc yêu cầu hãng xe bồi thường là khó có căn cứ.
Vì vậy, cần phải tìm hiểu nguyên nhân cháy nổ để xác định lỗi. Khi đã làm rõ nguyên nhân và các chủ thể có trách nhiệm thì theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng là các xe tô tô có đăng kiểm và có mua bảo hiểm thì nhất định sẽ được bồi thường, đây là qui định của luật pháp do vậy các chủ thể có trách nhiệm phải bồi thường.
Trong sự việc của anh An nêu trên, mặc dù đã có kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cháy nhưng việc xác định trách nhiệm bồi thường vẫn gặp khó khăn khi không xác định được phụ tùng xe (đèn trần) còn nguyên bản hay không?Tuy nhiên ở đây có chi tiết, Toyota chỉ căn cứ vào hình ảnh của Viện khoa học hình sự gửi mà kết luận cụm đèn trần nguyên bản theo xe không có giắc điện như hình ảnh phía Viện khoa học hình sự cung cấp là chưa thuyết phục, nhất là chiếc xe đã bị cháy hoàn toàn, các chi tiết không còn rõ hình dạng.
Riêng về nhà sản xuất (ở đây là Toyota), ngoài trách nhiệm luật định của họ đối với chất lượng sản phẩm, đây còn là thời điểm quan trọng để người tiêu dùng đánh giá Toyota có thực sự đáng tin trong tương lai nữa hay không?
Ngoài ra, để tự bảo vệ quyền lợi cho mình thì chủ phương tiện cũng nên mua bảo hiểm vật chất cho tài sản của mình trước khi trông chờ vào việc bảo hành của các hãng xe.
PV: Trong trường hợp này, những người tiêu dùng nói chung và anh An nói riêng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011, cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Bộ công thương trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh. Mặt khác theo luật chất lượng sản phẩm hàng hóa có hiệu lực từ 1/7/2008 Điều 70 có quy định chịu trách nhiệm về chất lượng của phương tiện giao thông là Bộ Giao thông vận tải. Như vậy, trong trường hợp này anh An có thể gửi khiếu nại đến các cơ quan nói trên.
Cũng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu người kinh doanh và người tiêu dùng không thỏa thuận được việc bồi thường thông qua thương lượng hoặc hòa giải thì người tiêu dùng ngoài việc khiếu nại tới cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cấp có thẩm quyền thì có thể khởi kiện tại tòa án. Trong trường hợp này, nếu không thể thỏa thuận với hãng xe Toyota, anh An có thể làm đơn khởi kiện để quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi khởi kiện, anh An cần chuẩn bị kèm theo đơn khởi kiện là hợp đồng mua xe, kết luận giám định nguyên nhân cháy nổ, phiếu bảo hành, bảo dưỡng tại hãng xe, những giấy tờ liên quan đến xe khác để toà án giải quyết.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Như Tạp chí Người Cao tuổi/Tạp chí Ngày mới Online đã phản ánh, vụ cháy chiếc ô tô Toyota Vios (biển số 18A-133.31) của anh Nguyễn Thành An đã diễn ra từ hồi tháng 8/2020 nhưng đến nay các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Mặc dù cơ quan công an kết luận chiếc xe Toyota Vios bị cháy không có sự tác động của người khác hoặc nguyên nhân khác, thế nhưng hãng xe Toyota vẫn bác kết luận của công an để từ chối bảo hành cho khách hàng.
Sự việc này đang gây bức xúc trong dư luận và sự hoài nghi về khâu hậu mãi, cách ứng xử với khách hàng của một hãng xe lớn, lâu đời tại Việt Nam.
Trên những diễn đàn lớn về ô tô, nhiều ý kiến tỏ ra thông cảm, chia sẻ với tổn thất của anh An. Bên cạnh đó có khá nhiều ý kiến bức xúc với kiểu kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, “đem con bỏ chợ”, “sống chết mặc bay” của hãng Toyota.
Chiếc Toyota Vios đang lưu thông qua TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) thì bất ngờ ngọn lửa bùng lên từ khoang máy, nhanh chóng thiêu rụi xe. Sự việc xảy ra ngày 21/5/2020 |
“Có phải do Toyota Vios bán được quá nhiều dẫn đến chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ, nhà sản xuất vì số lượng mà bỏ qua chất lượng sản phẩm” - Ý kiến tỏ ra hoài nghi và nhận được nhiều sự đồng tình trên diễn đàn.
Phóng viên Tạp chí Ngày mới Online đã liên hệ qua email với Ban truyền thông và trách nhiệm xã hội của Toyota Việt Nam để tìm hiểu đa chiều sự việc. Tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi, và sẽ sớm thông tin đến độc giả.