Toạ đàm “Tài chính mở và thị trường vốn cho khởi nghiệp sáng tạo”
Tin tức 17/07/2022 07:42
Các diễn giả cùng thảo luận tại Tọa đàm |
Sự kiện ra mắt Open Finnovation và công bố đối tác đồng hành chiến lược của Finnovation 2022 kết hợp với tọa đàm: “Tài chính mở và thị trường vốn cho khởi nghiệp sáng tạo” là cột mốc quan trọng đối với quá trình phát triển của cả cuộc thi lẫn hệ sinh thái mở trong lĩnh vực tài chính Open Finnovation. Sự kiện được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Làng Techfest, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo NSSC với sự tổ chức của Vietnam Startup TV kết hợp với Đại học Văn Lang.
Ngoài ra, chương trình cũng có sự góp mặt của đại diện các đơn vị tổ chức, đơn vị đối tác như: Công ty Cổ phần Công nghệ mọi người cùng vui; vườn ươm Viet Lotus; Trường Đại học Văn Lang; LienVietPostbank; Học viện Ngân hàng.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, bày tỏ sự vui mừng cũng như hứa hẹn vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các dự án được xây dựng và phát triển bởi các bạn sinh viên. Ông Phạm Hồng Quất tin tưởng vào hệ sinh thái mở Open Finnovation FinnoGalaxy sẽ là một nơi để phát triển và nâng tầm các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước.
Sự ra mắt của Hệ sinh thái Open Finnovation FinnoGalaxy. Đây là hệ sinh thái mở trong lĩnh vực Fintech, kết nối các viện, trường, và các quỹ đầu tư nhằm nâng đỡ, hỗ trợ và cung cấp những nguồn lực cần thiết cho các dự án startup liên quan đến Fintech ở Việt Nam. Định hướng của FinnoGalaxy chính là xây dựng những môi trường khởi nghiệp nhỏ tại tất cả các trường đại học toàn quốc và quốc tế, từ đó kết nối thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn hơn, hình thành thị trường vốn dành cho các startup Fintech, các startup sinh viên đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái FinnoGalaxy hứa hẹn là không gian đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các hoạt động kết nối các dự án tiềm năng cùng sự đồng hành các chuyên gia, các vườn ươm lớn và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để ươm mầm ý tưởng lớn thành một dự án, một mô hình thực sự tiềm năng và có thể đi vào thực tiễn. Đây chính là nơi mà tất cả các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được tạo mọi điều kiện gắn kết, kết nối và lan toả các giá trị.
Ông Chu Quang Thái, Vietnam Startup TV; PGS. TS. Phạm Thị Tuyết, Làng Fintech, Techfest và ông Lê Thanh Tuấn, Azibai đại diện cho 3 đơn vị cùng ký kết hợp tác phát triển hệ sinh thái FinnoGalaxy |
Tại buổi toạ đàm diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển hệ sinh thái FinnoGalaxy nhằm thúc đẩy thị trường vốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Vietnam Startup TV, đơn vị thực hiện chính của FinnoGalaxy; Làng Fintech, Techfest Quốc gia và Công ty Cổ phần Công nghệ Mọi người cùng vui Azibai, là một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam và đạt được những thành tựu nhất định.
Công ty cổ phần công nghệ Mọi người cùng vui luôn khẳng định vai trò dẫn đầu về Fintech cũng như thúc đẩy và đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp Fintech lớn nhỏ nhằm tìm kiếm các dự án cũng như ý tưởng tiềm năng. Đây được xem là bước tiến quan trọng ngay sau khi ra mắt FinnoGalaxy với sự đồng hành của một doanh nghiệp có tầm cỡ trong lĩnh vực Fintech, xác định chính là nền tảng để xây dựng và kiến tạo những “kỳ lân tương lai” trong lĩnh vực tài chính công nghệ
Tin rằng, thông qua lễ ký kết hợp tác phát triển Hệ sinh thái FinnoGalaxy cùng với đối tác đồng hành chiến lược của Cuộc thi Finnovation. Công ty Cổ phần Công nghệ Mọi người Cùng vui, hứa hẹn sẽ tiếp nối sự thành công ban đầu của Finnovation. Từ đó, mở ra vô vàn cơ hội cho các startup, tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ có niềm đam mê khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Trưởng Ban cố vấn làng Fintech, Techfest Việt Nam chia sẻ rằng nguồn vốn phải xuất phát từ ý tưởng ban đầu: “Ý tưởng phải đặc sắc, khả thi và hiệu quả thì mới thu hút được nguồn vốn. Nếu khởi nghiệp mà không có ý tưởng sáng tạo thì chỉ có thể gọi là lập nghiệp, chứ chưa phải là khởi nghiệp”. Theo ông, công thức khởi nghiệp thành công là “công thức 3M”, bao gồm 3 cái: Muốn, “mần” (làm) và money (tiền). Nguồn tiền này có thể là vốn tự thân, hay hỗ trợ từ người thân quen, rồi đến đầu tư từ các doanh nghiệp, IPO, …
PGS. TS. Phạm Thị Tuyết cho biết cơ chế thử nghiệm, “sandbox” cũng là một xu thế kiến tạo thị trường vốn cho Khởi nghiệp sáng tạo. Mở đầu, vị diễn giả này chia sẻ: “Cần có ít nhất 5 mảng để tạo nên một hệ sinh thái Fintech, bao gồm: Các công ty khởi nghiệp Fintech; các nhà phát triển công nghệ; sự vào cuộc, ủng hộ về pháp lý từ chính phủ; các khách hàng tài chính; các định chế tài chính truyền thống. Sự kiện Open Finnovation ngày hôm nay gắn liền với sự phát triển của 5 trục chính trong sự phát triển của Fintech này”.
Sandbox: Cơ chế thử nghiệm được chia thành 4 loại: Tập trung vào chính sách; tập trung vào sản phẩm; tập trung vào một chủ đề hoặc một phân ngành; sandbox xuyên biên giới. Đây là 4 hướng có thể ứng dụng cơ chế thử nghiệm sandbox. Cơ chế thử nghiệm sandbox này chính là một trong những giải pháp sáng tạo được thực hiện lần đầu tại Anh (2015), theo sau đó là rất nhiều quốc gia cũng thực hiện cơ chế thử nghiệm này.
Lý giải tại sao cần có cơ chế thử nghiệm về Fintech tại Việt Nam, bà Tuyết nói: “Lúc đầu, khi có một số doanh nghiệp Fintech ra đời như các ví điện tử, thì các ngân hàng thương mại cảm thấy rất lo lắng, coi đó là một đối thủ cạnh tranh. Sau rất nhiều hội thảo, nghiên cứu, mời các chuyên gia nước ngoài về thì rút ra được là các ngân hàng đang kinh doanh các dịch vụ truyền thống cần bắt tay với các Fintech để đáp ứng nhu cầu của người dùng trong cuộc cách mạng CN 4.0, đặc biệt là trong bối cảnh tại Việt Nam có gần 70 triệu người dùng smartphone, nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới. Nhận thức được điều này, chúng ta thấy được sự cần thiết trong việc đưa ra cơ chế thử nghiệm về Fintech”. Tuy nhiên, vẫn có một vài khó khăn có thể gặp phải trong việc xây dựng cơ chế thử nghiệm như: Xây dựng tiêu chí không rõ ràng; khó khăn trong lựa chọn đơn vị tham gia thử nghiệm; thiếu các biện pháp bảo vệ khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm “regulatory sandbox” có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trình Chính phủ ban hành trong năm 2022. “Nếu nghị định này được thông qua thì sẽ có rất nhiều cơ chế thử nghiệm trong các lĩnh vực khác, không chỉ là Fintech.”, PGS, TS. Phạm Thị Tuyết cho biết thêm.
Phần tham luận của TS Lương Thái Bảo, Trưởng ban Điều hành Chương trình cử nhân công nghệ tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân về “Tài chính mở và vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Tiếp cận cấu trúc” cũng đã gợi mở rất nhiều kiến thức quan trọng về tài chính mở, một định nghĩa được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Đồng thời trong bài tham luận của mình, TS Lương Thái Bảo cũng đưa ra những gợi ý về nguồn vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đây là những kiến thức vô cùng quý giá cho các startup đang tìm kiếm cơ hội gọi vốn từ các doanh nghiệp lớn.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Đại học Văn Lang |
Về phía Trường Đại học Văn Lang, PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chương trình cũng là một trong số các hoạt động thiết thực mà nhà trường muốn hướng đến trong những năm qua, nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần khởi nghiệp qua bao thế hệ sinh viên Văn Lang. Từ đó, tạo cơ hội để các bạn được kết nối với cộng đồng tinh hoa trong lĩnh vực Startup, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng để có thể hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, kêu gọi vốn đầu tư.