Tỉnh Vĩnh Phúc: Kì tích trong xây dựng hạ tầng đô thị
Kinh tế 08/08/2019 09:30
Sớm cụ thể hoá mục tiêu, định hướng xây dựng hệ thống đô thị và các vùng chức năng trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2012, UBND tỉnh đã "Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050". Trên cơ sở quy hoạch vùng quy hoạch chung, nhiều đồ án quy hoạch cấp dưới quan trọng được triển khai như: Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng phía Bắc, phía Tây, phía Nam đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển đô thị Vĩnh Phúc, phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, thể hiện tư duy mang tính đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị. Tiếp đó là 15 đồ án quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, 3 đồ án quy hoạch chung và 3 đồ án quy hoạch phân khu phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ tại khu vực chân núi Tam Đảo, hồ Đại Lải, hồ Vân Trục và một số tuyến đường giao thông quan trọng; 12 đồ án quy hoạch chung đô thị loại V và 19 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các Khu công nghiệp (KCN) tập trung, với tổng diện tích hơn 5.000 ha.
Khu chợ Trung tâm TP Vĩnh Yên được đầu tư xây mới vừa đưa vào sử dụng. |
Đến nay, toàn tỉnh có 24 đô thị các loại; quy mô, chất lượng của các đô thị được cải thiện và nâng cao. Cùng với 2 đô thị lớn là TP Vĩnh Yên và TP Phúc Yên được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trở thành các trung tâm văn hoá, chính trị, KT- XH của tỉnh, một số đô thị đã phát huy tiềm năng, lợi thế để thực sự là trung tâm, động lực của vùng, miền; đồng thời là cầu nối giữa đô thị với nông thôn; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu KT- XH, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của xã hội như: Thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc), thị trấn Hương Canh, Thanh Lãng (Bình Xuyên)... Hệ thống các công trình hạ tầng kĩ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều công trình kiến trúc đẹp, hiện đại không chỉ tạo cảnh quan cho một đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu đời sống của Nhân dân, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Cùng với việc quy hoạch, xây dựng đồng bộ, hiện đại các khu nhà ở mới thì việc xây dựng nhà ở xã hội và các công trình phục vụ công cộng cũng được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, thu hút phát triển dân cư và thúc đẩy tiến trình đô thị hoá. Đặc biệt, hạ tầng kĩ thuật, hệ thống giao thông của tỉnh được đầu tư tạo thành mạng lưới liên hoàn giữa giao thông quốc gia với 18 tuyến tỉnh lộ. Tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp II; tuyến Quốc lộ 2C đạt tiêu chuẩn đường cấp III; các tuyến giao thông trục Bắc- Nam, Đông- Tây, các trục hướng tâm; các tuyến đường vành đai 1, 2, 3; các tuyến đường nội thị các khu dân cư, khu công sở... đã tạo sự kết nối giữa các vùng kinh tế, các đô thị với nông thôn trong tỉnh, gắn kết lao động từ nông thôn đến đô thị, các khu vực phát triển công nghiệp.
Hệ thống cấp nước đô thị được đầu tư xây dựng và nâng cao công suất, cải thiện chất lượng, cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt cho dân cư tại các đô thị với tỉ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt khoảng 70%. Cùng với hệ thống giao thông, hạ tầng cấp điện được tỉnh quan tâm, đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển. Hiện toàn tỉnh có gần 200 km đường dây cao áp; hơn 1.400 km đường dây trung áp; gần 2.200 km đường dây hạ áp; 3 trạm biến áp trung gian; hơn 2.000 trạm biến áp phân phối; 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia; góp phần tăng trưởng điện thương phẩm đạt trên 15%/năm.
Hạ tầng thông tin được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại. Với 5 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động, hơn 2.240 trạm BTS các loại, 100% địa bàn các khu dân cư trong tỉnh đã được phủ sóng 3G; gần 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, cơ quan Đảng các cấp được đầu tư xây dựng hệ thống LAN, kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% sở, ngành có cổng thông tin điện tử đồng bộ công nghệ với Cổng Thông tin- Giao tiếp điện tử của tỉnh. Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hội nghị trực tuyến được đưa vào vận hành... là hành lang quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, những năm gần đây, Vĩnh Phúc tạo ra được các lợi thế cạnh trạnh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và trở thành tỉnh đứng ở tốp đầu về thu Ngân sách Nhà nước và thu hút đầu tư.
Cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc vào năm 2020, tạo nền tảng vững chắc để trở thành TP Vĩnh Phúc vào những năm 20 thế kỉ XXI. Song song với đẩy mạnh quá trình CNH- HĐH, tỉnh tập trung các giải pháp từng bước xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống đô thị Vĩnh Phúc, bảo đảm tính bền vững; xây dựng hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ, chất lượng môi trường sống tốt, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.